Tiếp sức cho con em công nhân

11/08/2014 - 16:24

PNO - PN - Hội trường tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 10/8 chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc: khi òa vỡ niềm vui, lúc chùng lắng xúc động, và nước mắt hạnh phúc đã rơi trên rất nhiều gương mặt. Đó là không khí của buổi lễ trao học...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiep suc cho con em cong nhan

Các nữ sinh được nhận học bổng đợt 1 - Ảnh: Phùng Huy

 Chông chênh đường đến trường

“Em có thể sử dụng học bổng để lo cho gia đình được không?”, “Em dùng vào việc gì?”, “Dạ để lợp lại mái nhà. Nhà em nát lắm rồi. Hễ mưa xuống, cái gì chứa được thì mang hứng nước mưa, cái gì sợ ướt thì cuộn lại chất lên nhau, còn mấy mẹ con em chỉ biết ngồi nhìn, cầu cho mưa tạnh”… Một ngày trước khi chương trình trao học bổng diễn ra, em Nguyễn Thị Thu Thảo gọi cho chúng tôi, dè dặt hỏi và bộc bạch như vậy. Giọng em run run: “Em biết Báo giúp gia đình em nhẹ gánh học phí năm học mới, nhưng…”. Lòng chúng tôi nặng trĩu. Thảo là một trong 50 em nhận học bổng đợt này. Cô học sinh lớp 12 Trường THPT Cần Giuộc, Long An ấy từng có ý định bỏ học khi chạnh nghĩ đến hoàn cảnh thuộc diện xóa đói giảm nghèo của gia đình.

Cái nghèo khiến cha Thảo sớm buông tay chạy theo người đàn bà khác, bỏ lại bốn mẹ con em cùng món nợ 20 triệu đồng. Đắng cay hơn, người đàn ông ấy còn mang theo chiếc xe gắn máy khiến cuộc mưu sinh của những người ở lại bội phần khó nhọc. Mỗi ngày, chị Cao Mỹ Hằng - mẹ Thảo phải đạp xe vượt gần 20 cây số đi làm ở KCN Hiệp Phước - H.Nhà Bè. Giấc ngủ trở thành điều xa xỉ đối với mẹ con chị. Tự vạch ra một lịch trình làm việc, chị Hằng dặn lòng cố tuân theo: sau giờ làm - nhận thêm giỏ xách, gia công đến 23g - nghỉ ngơi - 3g sáng thức dậy đi mò còng. Thương mẹ, Thảo thay mẹ chăm các em, quán xuyến gia đình, giờ rảnh em còn học đan, thêu, buổi tối cùng mẹ gia công giỏ xách. Dịp hè, Thảo còn xin làm công nhân thời vụ. Bận bịu mưu sinh nên giờ học của em là lúc mẹ rời nhà đi mò còng. Chị Hằng kể: “Từ độ cha bỏ đi, Thảo trầm hẳn. Tôi sợ con bỏ học, tương lai dang dở nên động viên: “Con mẹ nhà nghèo mà học giỏi quá!” để Thảo thấy tôi vui mà ráng học”. Thảo cũng nhận ra cái nghèo là căn nguyên gây nên nỗi đau ly tán của gia đình nên em quyết tâm thoát nghèo bằng sự học. Em thường ôm mẹ, thủ thỉ: “Con rất mong học hành đỗ đạt để ổn định công việc, lo cho gia đình. Mình cùng ráng vượt qua nha mẹ”.

Tiep suc cho con em cong nhan

Chụp hình lưu niệm trước lúc ra về

Giống như Thảo, 50 nữ sinh đến với chương trình hôm nay đều chung hoàn cảnh. Chia sẻ tại buổi lễ, cô học trò Hồ Nguyễn Gia Hân - lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè rưng rưng: “Mẹ thường động viên em đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học. Mẹ có thể không ngủ để làm việc cho em đi học”. Cuộc sống chật vật, ngoài lo cho các con ăn học, ba mẹ Hân còn phụng dưỡng mẹ già trên 70 tuổi. Làm nghề sửa xe lề đường, mỗi buổi tối ba Hân cố nán lại mong sửa thêm dăm ba chiếc. Trong khi đó, là công nhân, mẹ Hân thường tranh thủ tăng ca và nhận thú nhồi bông về làm để tăng thêm thu nhập… Câu chuyện bữa cơm của Hân khiến không gian buổi lễ chùng xuống. 19.000đ/suất cơm trưa ở trường là quá đắt đối với em. Thế nên, khi phải học nguyên ngày, buổi trưa Hân đứng trước cổng trường, chờ có người quen theo về hoặc đợi mẹ từ chỗ làm đến đón về ăn cơm rồi mới trở lại lớp. Ý thức hoàn cảnh, Hân nỗ lực học tập và giữ vững danh hiệu học sinh giỏi trong suốt sáu năm liền. Em còn thay ba mẹ chăm sóc cho bà nội.

Lau dòng nước mắt, Phùng Ái Thư - lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nghẹn ngào: “Trước khi đến với chương trình, em tự dặn phải mạnh mẽ, không được khóc. Vậy mà…”. Thư khóc khi nghĩ đến sự vất vả của ba mẹ, những người theo em là “ít khi thể hiện tình cảm, lúc nào cũng khuyên em ráng học”. Năm Thư còn nhỏ, ba em là anh Phùng Chí Chòn bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Bất hạnh chưa buông, một bữa Thư đang học, tiếp tục nhận tin ba bị té gãy tay. Ba là trụ cột của gia đình, Thư ngỡ con đường học vấn của mình từ đây sẽ chấm dứt, bởi mình mẹ với mức lương công nhân khó bề cáng đáng hai con ăn học. Thế nhưng, ngẫm đến vai trò của mình và tương lai các con, dù thể lực suy yếu, anh Chòn tiếp tục xin làm công nhân với mức lương rất thấp. “Có lúc, ba nói hay là ba nghỉ làm rồi xin việc gì đó nặng nhọc mà lương cao. Nhưng em không đồng ý, vì sức khỏe ba rất yếu” - Thư chia sẻ. Nói về giấc mơ, Thư dứt khoát: “Mẹ muốn em học sư phạm cho ít tốn kém. Nhưng em sẽ học kinh tế luật để trở thành kiểm toán viên, em thích sự bận rộn”…

Tiep suc cho con em cong nhan

Hồ Nguyễn Gia Hân chia sẻ về hoàn cảnh gia đình

Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi khi chứng kiến 50 gương mặt vương sự nhọc nhằn khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn, sớm biết định hướng tương lai, bằng nỗ lực học tập với quyết tâm phải học để thoát nghèo. Lắng nghe tâm tư của con em mình, bên dưới, nụ cười hãnh diện và nước mắt hạnh phúc đã chảy trên gương mặt rất nhiều phụ huynh.

Sẻ chia gánh nặng

Là chương trình thường niên của Báo Phụ Nữ, tính đến nay, học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó đã đi đến chặng đường 24 năm với hơn 5.300 suất học bổng được trao. Đó không chỉ là sự đồng hành, sẻ chia, động viên của Báo, mà còn là sự tiếp sức, nâng bước, mở ra cho các em những cơ hội học tập. Rất nhiều em tưởng sẽ dở dang, dừng bước bởi nghịch cảnh gia đình, Báo đã có mặt kịp thời, nhanh chóng tiếp sức. Dõi theo các em, chúng tôi chia với nhau niềm vui trước thông tin, không ít em với sự trợ giúp của học bổng, đã vươn lên và thành công trong cuộc sống.

Tiep suc cho con em cong nhan

Phùng Ái Thư xúc động khi nhắc đến tình cảm của ba mẹ

Năm nay, chương trình trao học bổng của Báo đánh dấu sự thay đổi: không chỉ đến với con em hội viên Hội Phụ nữ các cấp mà còn trao cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Phát biểu về sự chuyển hướng, mở rộng này, bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ cho hay: “Công nhân, đặc biệt là công nhân nữ là một trong những đối tượng Báo tập trung chăm lo bằng nhiều hoạt động: chăm sóc sức khỏe thể chất qua thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí; nâng cao kiến thức với nhiều chương trình tư vấn pháp luật, nói chuyện chuyên đề hay quan tâm đến sức khỏe tinh thần bằng tặng báo, tổ chức văn nghệ... Chúng tôi muốn ghé vai cùng chia sớt với chị em không chỉ một phần cơm áo mà còn chia sẻ gánh nặng học tập của những “mầm non” là con, em các công nhân”. Để làm được điều này, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Báo Phụ Nữ “trên từng cây số”. Bà Ái Mỹ kỳ vọng: “Hôm nay, các em được thụ hưởng lòng nhân ái, sự trợ giúp này. Mai sau thành công, chúng tôi hy vọng các em sẽ tiếp tục chia sẻ lòng tốt đến với thế hệ tiếp theo để hành trình nhân ái liên tục nối dài”.

Có mặt trong chương trình, ông Trần Thiên Long - Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ Công nhân TP.HCM thống kê, thành phố có khoảng 270.000 công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX; 70% trong số ấy là công nhân nhập cư và lực lượng công nhân nữ chiếm đến 70%. Đằng sau những con số ấy là sự không thể “thống kê” những khó khăn, nghịch cảnh của rất nhiều gia đình. Những gương mặt nữ sinh trong buổi lễ hôm nay tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó, luôn đạt thành tích cao trong học tập. “Tôi cảm ơn Báo Phụ Nữ đã phối hợp, hỗ trợ cùng chúng tôi thông qua các hoạt động chăm lo vật chất lẫn tinh thần công nhân. Cùng với chương trình trao học bổng cho con, em các công nhân, Báo đã vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc, tươi sáng hơn cho đời sống nữ công nhân”, ông Long bày tỏ.

Tiep suc cho con em cong nhan

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Công ty Điện lực Phú Mỹ 3) trao học bổng cho các em

Tiep suc cho con em cong nhan

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM trao học bổng Báo Phụ Nữ cho các nữ sinh cấp III

Nếu những năm trước, chương trình thường diễn ra ở Nhà hát Thành phố thì năm nay, Báo chọn hình thức tỏa xuống các cơ sở trao học bổng, chia thành ba đợt, nhằm gói ghém chi phí tổ chức để học bổng được tăng lên cả về “chất lượng” lẫn số lượng. Đó cũng là cách để Báo tiếp thêm lửa cho các em - những nữ sinh hiếu học, vượt khó.

 PHONG VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI