Thuốc ho nhà làm

27/11/2022 - 21:40

PNO - Mấy nay trời mưa, cậu con lớn cũng húng hắng ho, My thử chưng bông đu đủ mật ong cho con uống.

Vài năm nay, phong trào “Bỏ phố về rừng” nở rộ. Người người đổ về quê mua đất làm rẫy, làm vườn… My cũng về quê, về với mảnh đất chưa tới 200m2. My không về hẳn, cô đi đi lại lại giữa TPHCM với Lâm Đồng.

Miếng đất ba má cho My tọa lạc giữa trung tâm thị trấn, gần trường, chợ, siêu thị. Về vườn, My dựng cái nhà nhỏ xinh đầy đủ tiện ích cho gia đình nhỏ, số đất còn lại, My tạo thành khu vườn hình chữ U, úp vào ngôi nhà. Nhờ vậy, dù đất không rộng nhưng quanh nhà My xanh ngát. My trồng sầu riêng, bưởi, mãng cầu, măng cụt, bồ ngót, lá lốt, xà lách, cà tím… và cả vạt hoa cúc vàng rực…

Đồng nghiệp nhìn vườn của My, ai cũng xuýt xoa, còn anh chị của My, mỗi lần ghé nhà cô lại cười đau cả bụng rằng: “Cái miếng đất bé xíu làm nhà không đủ, mà còn chen chúc đủ thứ cây”.

Bông đu đủ đực không dễ tìm
Bông đu đủ đực không dễ tìm

 

2 tháng trước, hàng xóm cho trái đu đủ chín. Ăn xong, My mang hạt đi gieo. Sau 1 tuần, đám hạt đã nhú mầm, 2 tuần thì vươn thành cây, đến tuần thứ ba, My chọn cây con mang cho hàng xóm, bỏ bớt cây còi, giữ lại trong vườn 2 cây, khấp khởi giấc mơ cây đu đủ trĩu trái. My nghĩ lúc đó, trái xanh làm gỏi, trái hường làm mắm, trái chín ăn và đắp mặt nạ. 

Vậy mà, khi từng chùm hoa theo nách lá vươn dài, rồi nở những bông hoa năm cánh trắng trẻo, xinh xắn My biết giấc mơ không còn: 2 cây trong vườn là đu đủ đực, tức hoa không thể kết quả.

Bông đu đủ là một vị thuốc dân gian nổi tiếng, My nghe nói có thể trị rất nhiều bệnh về xương khớp. Giá thị trường của loại hoa này từ vài trăm đến cả triệu đồng một ký. Người ta cũng hay rỉ tai nhau, đu đủ đực gieo cả trăm hột mới có 1, My giữ 2 cây được cả 2, My thật may mắn, nhưng cô lại mếu khi nhớ chuyện ngày xưa.

Hồi đó, ba cô luôn cố ý để dành 1 cây đu đủ đực trong vườn, khi nào có đứa húng hắng ho, má sẽ ra vườn, bứt vài chùm bông, rửa sạch, cho vào chén, thêm ít đường phèn, chưng cách thủy, chia ra uống ngày 3 lần để trị ho. 

Ngày xưa bánh kẹo ít, đường phèn cũng rất đắt, nên thấy món đường phèn Quảng Ngãi trắng tinh đẹp mắt, mấy chị em My rất thích, rất ghiền. Bông đu đủ có vị đắng, chưng cùng đường vẫn đắng, nên mỗi lần bị má bắt uống cái thứ nước đục đục ấy, đám con nhăn nhó. Để tăng hiệu quả điều trị, má thường bắt lũ con ăn hết mớ bông đu đủ trong chén. 

 

Chị em My hợp với bài thuốc bông đu đủ chưng đường phèn, nên chỉ uống 2 ngày là hết ho. Thi thoảng, hàng xóm, cũng qua xin bông đu đủ về làm thuốc trị ho, trị đau lưng. Họ nói: “Không hiểu sao nhà tôi gieo nhiều hạt đu đủ mà không thấy cây đực để làm thuốc”.

Chiều cuối tuần, My đang nhổ cỏ trong vườn, chợt có tiếng gọi. Một người My không quen hỏi: “Nghe nói nhà chị có cây đu đủ đực. Chị có thể cho xin ít bông về làm thuốc không?”. My hái vài cành bông đu đủ vừa nở, đưa cho hàng xóm. Hái xong, My chợt nhớ, mấy nay trời mưa, cậu con lớn cũng húng hắng ho, My thử chưng bông đu đủ mật ong cho con uống. Nhìn mặt con nhăn nhó khi uống, My thêm vài miếng đường phèn vào chén, để giảm bớt vị đắng của bông đu đủ, để ký ức của con trai “ngọt ngào” hơn mẹ. 

Huỳnh Hằng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI