Thế giới vẫn mù mờ về nguồn gốc COVID-19 sau chuyến điều tra của WHO đến Trung Quốc

05/03/2021 - 19:06

PNO - Theo tờ Tạp chí phố Wall (WSJ), Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc (WHO) sẽ không công bố báo cáo về chuyến công tác gần đây của một nhóm chuyên gia tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Hôm 4/3, tờ WSJ tiết lộ, nhóm chuyên gia của WHO có nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của COVID-19 đang lên kế hoạch hủy bỏ một báo cáo tạm thời về chuyến công tác gần đây của họ tới Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về cuộc điều tra và một nhóm các nhà khoa học quốc tế kêu gọi điều tra lại.

Riêng người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic, nói với hãng tin Reuters: “Sẽ có báo cáo đầy đủ trong vài tuần tới”. WHO không đưa thêm thông tin nào về lý do chậm trễ trong việc công bố kết quả của phái đoàn do WHO dẫn đầu tới thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc - nơi phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở người vào cuối năm 2019.

Trong bức thư ngỏ, một nhóm 26 nhà khoa học đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế mới. Họ cho rằng “những hạn chế về cấu trúc” đã khiến cho sứ mệnh của WHO trong việc theo đuổi cuộc điều tra là “bất khả thi”. Ngoài ra, các nhà khoa học còn đặt câu hỏi về tính độc lập trong báo cáo điều tra ban đầu, vốn phụ thuộc một nửa vào các tác giả Trung Quốc.

Phái đoàn của WHO đến Viện virus học Vũ Hán vào tháng 1/2021
Phái đoàn của WHO đến Viện virus học Vũ Hán vào tháng 1/2021

Bức thư viết: “Chúng tôi kết luận rằng nhóm điều tra không có đủ quyền hạn, sự độc lập hoặc quyền tiếp cận cần thiết để thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ, không hạn chế đối với tất cả các giả thuyết về nguồn gốc SARS-CoV-2 có liên quan - dù là lan truyền tự nhiên hay sự cố liên quan phòng thí nghiệm”.

Viện Virus học Vũ Hán đã thu thập các mẫu virus trên diện rộng, dẫn đến các cáo buộc rằng nơi này có thể đã gây ra đợt bùng phát ban đầu do làm rò rỉ vius ra cộng đồng xung quanh. Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ khả năng đó và thúc đẩy các giả thuyết khác rằng virus bắt nguồn từ nơi khác, kể cả từ Mỹ.

Nikolai Petrovsky, chuyên gia về vắc-xin tại Đại học Flinders ở Adelaide, Úc, và là một trong 26 chuyên gia toàn cầu đã ký vào bức thư ngỏ được công bố hôm 4/3 cho biết: “Tại thời điểm này, chúng ta không đạt được tiến bộ nào so với một năm trước. Tất cả các khả năng vẫn còn trên bàn thảo luận và tôi chưa thấy dữ liệu khoa học độc lập giúp loại trừ bất kỳ khả năng nào”.

Tại một cuộc họp báo để đánh dấu sự kết thúc chuyến điều tra tại Vũ Hán, người đứng đầu phái bộ Peter Ben Embarek dường như đã loại trừ khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Nhưng Petrovsky cho biết, việc loại trừ bất kỳ khả năng nào cũng đều “không hợp lý” và cho biết mục đích của bức thư ngỏ là "để có được sự thừa nhận trên toàn cầu rằng chưa ai xác định được nguồn gốc của virus và chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm”.

Ông nói: “Chúng ta cần một tư duy cởi mở và nếu chúng ta đóng cửa một số hướng đi vì chúng được coi là quá nhạy cảm, đó không phải là cách khoa học vận hành”.

CHợ hải sản Vũ Hán - nơi xuất hiện những ca COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019 - hiện đã bỏ hoang
Chợ hải sản Vũ Hán - nơi xuất hiện những ca COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019 - hiện đã bỏ hoang

Bên cạnh đó, bức thư ngỏ còn liệt kê những gì mà những người ký tên coi là sai sót trong cuộc điều tra chung giữa WHO và Trung Quốc, tuyên bố rằng nó không thể giải quyết thỏa đáng khả năng virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. 

Richard Ebright - nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers và cũng là một trong những nhà khoa học đã ký vào bức thư - cho biết, bức thư chung xuất phát từ một loạt các cuộc thảo luận trực tuyến giữa các nhà khoa học, chuyên gia chính sách và những người khác về nhu cầu điều tra một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Ông Ebright nói rằng không ai trong nhóm nghĩ rằng virus được cố ý tạo ra để làm vũ khí, nhưng tất cả họ đều tin vào nguồn gốc trong phòng thí nghiệm, lan truyền thông qua nghiên cứu hoặc do lây nhiễm tình cờ, có khả năng giống như sự lây lan xảy ra trong tự nhiên từ động vật sang người.

Tiến sĩ David A. Relman, giáo sư y khoa và vi sinh tại Đại học Stanford cho biết ông “khá ủng hộ” bức thư ngỏ: “Tôi hoàn toàn đồng ý, dựa trên những gì chúng tôi biết cho đến nay, cuộc điều tra của WHO dường như thiên lệch, sai lệch và không đầy đủ”.

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera, NY Times, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI