Những người phụ nữ bình thường (bài 3)

Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan: Không chấp nhận, mà đón nhận… 43 ca mổ

16/10/2020 - 10:30

PNO - “Sáng 25/7/2005, chị dắt xe ra khỏi nhà. Cảm giác có gì không bình thường, chị quay người lại theo phản xạ. Đúng giây phút đó, một ca a-xít hắt trọn vào mặt chị. Theo bản năng, chị hét lên: anh Điệp ơi. Chồng chị sau này nói, suốt cuộc đời, anh sẽ không bao giờ quên được tiếng thét ám ảnh ấy”…

Ngôi nhà xinh xắn ấm cúng trên phố Đội Cấn (Hà Nội) của vợ chồng thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan lâu nay đã quen thuộc với nhiều người - nhất là những bệnh nhân chịu di chứng sẹo bỏng.

Nhỏ nhắn, nhẹ nhõm, trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi vừa về hưu, chị luôn cười, nụ cười tỏa sáng trên gương mặt còn hằn nhiều vết sẹo: “Chị là người lạc quan, lúc nào cũng nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống, nên thấy thật may vì hôm ấy hè, học sinh nghỉ học, chị không phải bế con theo. Chứ không thì hậu quả chẳng biết sẽ còn kinh khủng thế nào”…

Trước thời khắc kinh hoàng của năm 2005, nữ thẩm phán Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) vừa được quy hoạch để bổ nhiệm phó chánh án, đồng thời vừa nhận giấy báo trúng tuyển cao học trước đó ít giờ. Mọi dự định tốt đẹp tan biến vào hư vô, nhưng không phải là chấm dứt.

Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan

Suốt chuỗi 61 ngày cấp cứu giành mạng sống, chồng, gia đình ruột thịt, anh em đồng nghiệp từ Bắc chí Nam luôn sát cánh bên chị. Sau khi trở về từ cõi chết, những cực nhọc đau thương mới bắt đầu, hành trình dằng dặc không đong đếm nổi khó khăn, thất vọng, rồi hy vọng… với 43 ca mổ tìm lại gương mặt xưa kia, bám riết theo từng thành viên tổ ấm nhỏ bé.

Suốt 15 năm qua, mỗi ngày chị Loan đều đặn bỏ ra từ ba đến sáu tiếng đồng hồ tập phục hồi chức năng, chống dính da và co kéo sẹo. Người luôn bên cạnh chị, kiên nhẫn, thuần thục các thao tác của một kỹ thuật viên vật lý trị liệu… chính là chồng chị - anh Nguyễn Văn Điệp.

Anh kể lại: “Thời gian cứ qua đi, mình thì cứ kiên trì kiên trì kiên trì. Rơi vào hoàn cảnh này, có người bế tắc, có người tuyệt vọng, nhưng bắt buộc phải vượt qua. Bản thân người phụ nữ lúc ốm đau bệnh tật chỉ bấu víu vào chồng, con thì còn bé xíu. Gia đình anh chị em ruột thịt nhiệt tình mấy cũng một chốc một nhát chứ làm sao triền miên hết ngày này qua năm khác được. Hồi đấy con bé con mới hai tuổi, vừa sinh nhật xong, bé xíu bé xiu. Cô ấy nằm viện, lúc phẫu thuật 100% tôi có mặt rồi. Nhưng những khi tỉnh táo, dù có nhiều người túc trực mà mở mắt ra không thấy chồng đâu là lại tủi thân. Con bé ở nhà với cô giúp việc, mấy ngày không đi ngoài được, chỉ khóc chờ bố. Dỗ dành cô ấy, bảo có các bác ở đây bố tranh thủ về với con một chút, nhưng bố vừa chạm đến tay nắm cửa mẹ đã òa lên khóc. Con người ta lúc ấy như đứa trẻ chứ không phải người trưởng thành. Cơ thể chằng chịt bông băng, mọi thứ vệ sinh chỉ có chồng làm mới được. Dời một bước không đành, phụ nữ chồng con rồi rơi vào trạng thái thừa sống thiếu chết trông cậy vào ai được nữa, ngoài người đồng hành. Lúc đấy là buông bỏ hết, tập trung vào mỗi nhiệm vụ chữa trị cho vợ…”.

Trở về nhà sau 61 ngày tranh đấu với tử thần, cân bằng tinh thần, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan thu xếp đi học cao học. Trang phục kín mít, khăn trùm mặt không lúc nào rời, chị tự trào: “Ăn mặc như một phụ nữ Ả rập. Suốt ba năm theo lớp cao học, bạn bè cùng khóa không ai nhìn được mặt thật của chị”. Thế nhưng, cậu con trai 11 tuổi lại rất can đảm, rủ mẹ đi picnic cùng lớp mình: “Mẹ đi với con, mẹ đừng ngại, con giới thiệu mẹ với các bạn của con. Con rất tự hào về mẹ”…

Cậu bé lớp Sáu ngày nào nay đã là một kỹ sư phần mềm làm việc tại Nhật. Cô bé con hai tuổi lần đầu nhìn khuôn mặt biến dạng của mẹ nhất quyết lắc đầu: “Không phải mẹ Loan, mẹ Loan xinh cơ”, cũng đã học lớp 12, chịu khó đọc sách giống mẹ. 

Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phẫu thuật vi phẫu tái tạo khuôn mặt ở Việt Nam dưới đôi bàn tay vàng của tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quang Vinh và ê-kíp Viện Bỏng quốc gia. Khó có thể hình dung nổi những đớn đau mà người phụ nữ mảnh mai này phải chịu đựng… Không buồn, không suy sụp, không oán thán số phận, cũng không trách móc thù hận kẻ đã hãm hại mình, chị kể: “Có lần một người bạn học tới chơi, bảo: thôi em cố chấp nhận đi. Chị nói luôn: em có gì phải chấp nhận đâu, em đón nhận cuộc sống như nó vốn có”.

Anh Điệp âu yếm nhìn vợ: “Trông thế thôi nhưng trái gió trở trời lại đau đấy. Kêu thì không bao giờ kêu, nhưng vẫn đau lắm”. Chị Loan tiếp lời chồng: “Đồng nghiệp rủ, chị cứ đi công tác đi, em đến nhà nói anh Điệp dạy cho xoa bóp, rồi sẽ làm cho chị. Nhưng chả ai làm được đâu. 15 năm, chỉ một mình anh ấy làm. Phải thực hiện hằng ngày để các cơ không bị cứng, dính, mà bóp nhẹ quá thì không đủ lực, mạnh quá có khi lại chệch đốt sống của mình”…

“Tôi vẫn bảo, cô ấy càng ngày càng xinh, càng đẹp ra. Phải nhẫn nại lắm, đây một mắt hướng thiên một mắt hướng địa, một mắt hất ngược lên trên, một mắt kéo xuống dưới, tôi phải vỗ cho ngủ rồi vuốt vuốt xoa xoa mới nhắm được bình thường”. Có lần chị Loan thổ lộ muốn hát karaoke để luyện cơ miệng, anh Điệp lắp ngay một bộ loa xịn cho vợ. Không dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể vợ mà ngần ấy năm ròng anh không sớm nhận ra. Chị Loan hãnh diện: “Thì chị vẫn trêu, anh thuộc vào sách đỏ rồi”… 

Suốt 15 năm qua, anh Nguyễn Văn Điệp vẫn ngày ngày hỗ trợ vợ tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
Suốt 15 năm qua, anh Nguyễn Văn Điệp vẫn ngày ngày hỗ trợ vợ tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

Lấy lại được khuôn mặt bình thường dù phải đánh đổi bằng hơn 43 ca mổ, chế ngự được biến chứng khủng khiếp của sẹo bỏng a-xít, vợ chồng chị Loan chủ động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng cảnh ngộ.

“Mình trải qua rồi, biết rồi thì giúp đỡ họ, truyền lại hết cho người ta. Ai rơi vào hoàn cảnh này cũng làm như thế. Có những bạn ở tận TP.HCM chỉ nhớ mang máng nhà cô Loan phố Đội Cấn, không biết địa chỉ rõ ràng, vừa đi vừa hỏi đường vẫn tìm được đến nơi. Động viên để các bạn ấy vượt qua cú sốc, thoát khỏi mặc cảm và có hướng đi sáng suốt nhất trong điều trị” - anh Nguyễn Văn Điệp hồ hởi.

Nhà anh chị thường xuyên có khách phương xa, hầu hết các tỉnh, thành cả nước đều có người liên hệ nhờ tư vấn. Đưa về nhà tâm tình chuyện trò, đãi đằng chăm sóc, chỉ dẫn phương án tối ưu để thoát khỏi sẹo bỏng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Loan - anh Nguyễn Văn Điệp đã kết giao thêm nhiều bạn bè, bằng hữu, có những người coi chị Loan như người thân ruột thịt… để cùng nhau đi qua các khúc ngoặt đắng cay mà số phận trớ trêu giáng xuống… 

Ngô Hương Sen

Năm 2005, nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan ngồi ghế chủ tọa phiên tòa kiện tranh chấp đất đai. Sau phiên xét xử, chị bị một đối tượng trả thù, thuê người tạt a-xít. Năm 2020, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan về hưu với cương vị Phó Tổng biên tập tạp chí Tòa án. Chị là nguyên mẫu, nguồn cảm hứng để các tác giả phim Lựa chọn số phận vừa phát sóng trên VTV xây dựng nhân vật thẩm phán Thùy Dung…

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI