Tái nhiễm COVID-19 hay mắc chủng mới Omicron?

08/03/2022 - 10:25

PNO - Hiện nay, có rất nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 đến hai, ba lần. Vậy làm sao phân biệt được tái nhiễm chủng Delta hay nhiễm biến chủng mới Omicron?

Khi được bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính, chị N.T.K.T. (36 tuổi, ở Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức) không tin bản thân mình trở thành F0 lần 3. Theo chị, cách đây khoảng một năm chị mắc COVID-19 lần một, ai cũng… chúc mừng vì chị “bất tử”. Bốn tháng trước, con gái mắc bệnh, chị cũng test nhanh và có kết quả hai vạch nhưng không có triệu chứng. Sau hơn một tuần, chị và con gái khỏi bệnh. “Tôi đã tiêm ba mũi vắc xin, mắc bệnh hai lần rồi nên không thể nào lại tiếp tục là F0. Hai lần bệnh, là hai đợt biến chủng virus khác nhau, nên có thể tôi dương tính giả. Tuy nhiên, bác sĩ đã chẩn đoán tôi mắc bệnh, tôi sẽ tuân thủ cách ly, thuốc điều trị theo chỉ định”, chị T. nói.

Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: PHẠM AN
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: Phạm An

Còn chị H.T.T.M. (ở Q.Bình Thạnh) tự nghĩ bản thân mình mắc COVID-19 lần 2 là do biến chủng Omicron. Chị nói hiện cả nhà chị 5 người đều đang là F0. Trong đó, chị và chồng nhiễm bệnh lần 2, hai con và mẹ chồng mắc COVID-19 lần đầu. Cả 5 người chỉ có triệu chứng nhẹ như sổ mũi, hắt hơi… “Đợt dịch lần trước, tôi và chồng bị mất vị giác, nhiều triệu chứng về hô hấp, khó thở và hụt hơi. Riêng tôi phải nhập viện, thở máy. Còn lần bệnh này, không ai bị mất vị giác hay khướu giác, không tiêu chảy… Tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, tôi nghĩ gia đình mình đang bị biến chủng Omicron”, chị M. kể.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết vừa qua khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 lần hai, thậm chí lần ba. Trong đó, có bệnh nhân tái nhiễm lần hai chỉ sau hơn một tháng khỏi bệnh. Trước nghi vấn của nhiều bệnh nhân cho rằng bản thân mắc biến chủng Omicron, theo bác sĩ Hùng phải giải trình tự gen mới có thể xác định được. Hiện tại, khoa ghi nhận đa số người mắc COVID-19 lần hai có triệu chứng không rầm rộ như đợt đầu. Người bệnh chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi như cúm mùa, rất ít bệnh nhân khó thở, tức ngực. 

“Do ở giai đoạn này, bệnh nhân F0 đều được tiêm 3 mũi, tiêm bổ sung nên khi mắc bệnh hay tái nhiễm, tỷ lệ chuyển nặng thấp. Tuy nhiên, vẫn có người có kết quả xét nghiệm với chỉ số CT thấp, khoảng 8, 12, 17, 19. Gần như một số ít bệnh nhân dương tính lần đầu, hầu hết F0 là những ca nhiễm lần hai và số lượng bệnh nhân đang có dấu hiệu tăng”, bác sĩ Hùng cho biết.

Bác sĩ Hùng cảnh báo, nhiều người khi mắc bệnh dù đã lần hai, ba vẫn chủ quan cho rằng đã khỏi COVID-19 thì “bất tử”. Có người khẳng định lần một là F0 của chủng Delta, lần hai là bệnh nhân của chủng Omicron, nên nhìn chung… “được bất tử hai lần là khỏi triệt để”. Đây là nhận định sai lầm và nguy hiểm, bởi nếu ai cũng chủ quan, dịch bệnh có thể sẽ bùng phát trở lại. Khi đang sống chung với dịch bệnh, không có chuyện chúng ta “bất tử” trước virus, dù nhiễm bệnh lần thứ mấy. Bệnh viện vẫn ghi nhận bệnh nhân đã tiêm 3 mũi vắc xin, từng mắc COVID-19 vẫn trở thành F0 nếu chủ quan. Người dân nên tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và tuân thủ nghiêm quy tắc 5K mới hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Trước biến chủng Omicron nói riêng và COVID-19 nói chung đang lây lan trong cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đã và đang có nhiều phương án, kịch bản ứng phó theo mỗi giai đoạn. Về Omicron, ngành y tế đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng để giám sát. 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Tài, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết tiêm ngừa vắc xin COVID-19 là để giảm nguồn lây, giảm triệu chứng chuyển biến nặng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong chứ không phải tiêm ngừa là để không mắc bệnh. Hơn hết, dù hiện tại TPHCM tạm kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng đây là dịch bệnh của toàn thế giới, lây lan trong cộng đồng, ảnh hưởng sức khỏe thậm chí tính mạng trong thời gian ngắn. Tất cả người bệnh dù diễn tiến nhẹ, âm thầm, không rầm rộ, có người diễn tiến nặng hầu như có khả năng để lại di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Đặc biệt, một người thường xuyên tiếp xúc nguồn lây, điều kiện không đảm bảo phòng, chống bệnh thì nguy cơ lây nhiễm không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Tiêm ngừa chỉ là một trong những biện pháp để chúng ta sống chung với dịch bệnh. Nếu một người mắc COVID-19 nhiều lần, tiếp xúc với tải lượng virus càng nhiều, chưa kể khi mắc bệnh còn phải sử dụng thuốc kháng virus, kháng viêm, kháng đông để điều trị thì hệ lụy sẽ kéo dài khó lường trước.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI