Vì sao vừa hết COVID-19 đã tái nhiễm?

23/02/2022 - 07:04

PNO - Trong đợt dịch lần này, một số bệnh nhân không khỏi bất ngờ khi nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã mắc và được xác nhận khỏi COVID-19 trước đó vài tháng. Theo các chuyên gia, cần sớm có đánh giá, báo cáo về vấn đề này để có những ứng phó phù hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hai tháng sau khi khỏi bệnh, lại dương tính 

Trước tết Nguyên đán một tháng, chị N.T.P. (30 tuổi, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) phát hiện mắc COVID-19 sau khi đã tiêm phòng hai mũi vắc xin COVID-19. Với các triệu chứng nhẹ, sau khoảng chục ngày, chị đã nhận kết quả âm tính trở lại. Thời điểm này, nhiều bạn bè trêu đùa, chị đã “bất tử”, miễn nhiễm với COVID-19.

Nhiều người bất ngờ khi nhận kết quả dương tính chỉ sau hai tháng được xác định khỏi bệnh COVID-19 - ẢNH MINH HỌA: NGỌC LINH
Nhiều người bất ngờ khi nhận kết quả dương tính chỉ sau hai tháng được xác định khỏi bệnh COVID-19 - Ảnh minh họa: Ngọc Linh

Cùng suy nghĩ trên, chị P. cho hay, bản thân mình cũng cảm thấy “dễ thở”, thoải mái hơn khi di chuyển trong những ngày tết. Tuy nhiên, điều bất ngờ là tuần trước, khi cơ quan test COVID-19 định kỳ, chị lại nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

“Tôi cũng nghe nói tới tình trạng tái nhiễm nhưng nghĩ chỉ là số ít, không ngờ lại xảy ra ở chính gia đình mình. Đặc biệt, thời gian tái mắc quá nhanh, chỉ vỏn vẹn trong vòng khoảng hai tháng”, chị P. băn khoăn và chia sẻ, lần tái mắc này mình chỉ có biểu hiện nhẹ như sụt sịt mũi, không sốt cao, mệt mỏi như lần trước. 

Cũng tương tự, đại gia đình gồm chín người nhà bà P.K.L. (66 tuổi, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đều mắc COVID-19 trước tết Nguyên đán khoảng hai tuần. Trong số này, có cả mẹ của bà (101 tuổi) và hai người cháu nhỏ nhất vừa một tuổi. May mắn, sức khỏe của những người trong gia đình bà sau khi mắc COVID-19 đều ổn định, không gặp các biến chứng nặng ảnh hưởng tới tính mạng. Vừa thở phào vì gia đình đã “vượt ải” COVID-19 suôn sẻ thì mới đây, bà P.K.L. lại “ngã ngửa” khi test nhanh lại cho kết quả dương tính.

“Tôi đã tiêm hai mũi vắc xin và sau đó mắc COVID-19 lần một. Do đã nhiễm bệnh nên sau đó tôi chưa tiêm nhắc lại mũi 3 do nghĩ cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Tuần trước, một người hàng xóm của gia đình phát hiện mắc COVID-19 và có dấu hiệu khó thở, tôi và chồng bèn mang bình oxy dự trữ sang, phòng khi cần dùng. Cũng do chủ quan, nghĩ mình vừa khỏi COVID-19 nên tôi không đeo khẩu trang. Nào ngờ sau đó mấy ngày, tôi bắt đầu sốt nhẹ, đau họng, đau người. Kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2”, bà chia sẻ. 

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng xôn xao vấn đề tái nhiễm COVID-19. Trên một diễn đàn, anh H.V.P. chia sẻ, anh bị mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc xin mũi 2 ngừa COVID-19. Sau khi tiêm nhắc lại mũi 3 được hai tuần thì anh cũng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Anh H.V.P. khẳng định: “Bất tử không có trong từ điển của COVID-19”.

Còn chị T.T.G.H. cho hay, con gái và một người chị họ đã gặp tình trạng tái nhiễm lần hai dù tiêm đủ ba mũi vắc xin COVID-19. Trước tình trạng ngày một nhiều trường hợp chia sẻ tái nhiễm COVID-19 lần hai, thậm chí, có thông tin còn khẳng định có người nhiễm tới ba lần, không ít người lo lắng và đặt câu hỏi làm thế nào để không rơi vào tình trạng này.

“Thực sự cũng rất mệt mỏi vì sau khi mắc COVID-19 lần đầu, xương khớp tôi luôn đau mỏi, người thiếu sức sống. Nếu liên tục tái nhiễm thế này thì quá khổ sở”, bà P.K.L. than thở.

Cần thống kê tình trạng tái nhiễm tại Việt Nam 

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân

Lý giải về vấn đề tái nhiễm COVID-19, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay: “Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”. 

Theo vị chuyên gia này, hầu hết những người tái mắc đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng sẽ làm giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong ở người bệnh.

Ông cũng chỉ ra, sau khi mắc COVID-19, những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 nên tiêm đủ, tránh suy nghĩ đã có miễn dịch rồi mà không tiêm vắc xin.

“Mũi vắc xin được tiêm sau khi mắc bệnh đã được chứng minh tăng kháng thể rất nhiều, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19 và tình trạng COVID-19 kéo dài. Bởi vì thực tế cho thấy, có những trẻ vài tháng sau khi khỏi bệnh mới gặp hội chứng hậu COVID-19 vì virus gây tổn thương đa cơ quan, vật liệu di truyền virus để lại trong cơ thể gây phản ứng ở đa tạng. Do đó, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh thì vẫn nên tiêm vắc xin”, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái nói. 

Dù khẳng định có thể xuất hiện tình trạng tái nhiễm, song thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cũng lưu ý cần phải phân biệt rạch ròi giữa tái nhiễm và tái dương tính.

Theo đó, tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc COVID-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn. “Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi COVID-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm”, bác sĩ Cấp giải thích.

Liên quan tới vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khẳng định, đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này.

“Chúng ta cần phải có số liệu để đánh giá cụ thể về vấn đề tái nhiễm để có thêm những biện pháp ứng phó cho phù hợp. Cần xem xét tỷ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, khoảng cách giữa hai lần mắc như thế nào? Ngoài ra, phải giải trình tự gen để xem chủng mắc là gì, có phải mỗi lần mắc là một chủng khác nhau hay không? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh”, ông nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI