“Sống ảo” cũng tốt đó chứ!

15/02/2022 - 11:00

PNO - Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng, người trẻ hiện nay có xu hướng khoe mẽ, thể hiện giá trị vật chất nhiều hơn những gì mình có lên mạng xã hội. Cha mẹ cũng như thầy cô ở trường cần có những kỹ năng phù hợp giúp các em tận dụng mặt tốt của việc “sống ảo”.

 

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên  Trường đại học Mở TP.HCM - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM 

 

Anh nhận xét thế nào về hiện tượng gen Z nghiện mạng xã hội và việc “sống ảo” của người trẻ?

- Theo một thống kê năm 2021 của Liên Hiệp Quốc thì thế hệ Z (gen Z) chiếm khoảng 2 tỷ nhân khẩu trên thế giới và được dự đoán sẽ chiếm tỷ trọng 27% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2025. Tại Việt Nam, theo công bố của tạp chí Forbes ba năm trước, gen Z chiếm khoảng 1/7 dân số (tức khoảng 14 triệu nhân khẩu), hiện nay con số này đã tăng thêm. Gen Z còn có tên gọi khác là Thế hệ kỹ thuật số (Digital Natives). 

Điều đó cho chúng ta thấy rằng gen Z là nhóm nhân khẩu thừa hưởng được sự tiến bộ kỹ thuật sau cuộc cách mạng 3.0 và hiện nay là sự trỗi dậy mạnh mẽ của cách mạng 4.0 mà ở đó trí tuệ nhân tạo đã phần nào thay thế con người ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Việc các bạn trẻ thuộc thế hệ Z áp dụng các tiến bộ của công nghệ kỹ thuật vào đời sống là điều tôi cho rằng rất hợp thời và dễ hiểu. Biểu hiện của sự tiến bộ này là việc các bạn trẻ đã và đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Zalo, Facebook, Instagram, hay TikTok ngày càng nhiều, phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Ngoài ra, trong cuộc sống bận rộn, các thành viên trong gia đình thường có ít thời gian để trò chuyện, hỏi han nhau. Điều này cũng là nguyên nhân ngày càng nhiều các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội để tương tác, tìm kiếm các kết nối, làm quen bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ… 

Một trong những nhu cầu cấp cao của con người theo lý thuyết về tháp thứ bậc nhu cầu của tác giả Maslow (1943) có đề cập đến nhu cầu xã hội (belonging), nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization) và theo tôi đây cũng là một lý giải cho việc người trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều.
 

* Vậy khi thấy con trẻ có dấu hiệu “sống ảo” nhiều, bố mẹ nên làm gì để kéo con về đời sống thực nhằm cân bằng trong các giao tiếp, lối sống?

- Chúng ta cần nhìn nhận rõ khái niệm “sống ảo” là như thế nào. “Sống ảo” hiện nay được hình dung là chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, bất cứ hình ảnh, hoạt động nào cũng được chia sẻ lên các trang mạng nhằm tìm kiếm sự quan tâm, bình luận từ bạn bè, người dùng. 

Bên cạnh đó, “sống ảo” còn được hiểu là sống không thực với những giá trị thực của bản thân (your true self), biểu hiện là người trẻ hiện nay có xu hướng khoe mẽ những giá trị vật chất nhiều hơn những gì mình có lên mạng xã hội. 

Vì vậy, khi bố mẹ nhận thấy con trẻ có các biểu hiện “sống ảo” thì cần xác định rõ bạn trẻ ấy đang “sống không thực” theo cách nào. Nếu con thích chia sẻ hình ảnh của bản thân để được sự tán dương, khen ngợi hay ngưỡng mộ từ bạn bè trên Facebook, Instagram… thì đó cũng là biểu hiện tâm lý rất bình thường của con trẻ khi có nhu cầu được thể hiện mình (self-actualization). 

Ngược lại, nếu con của bạn có khuynh hướng khoe khoang vật chất ảo trên mạng xã hội thì phụ huynh đừng vội cấm đoán con sử dụng mạng xã hội. Vì cơ chế tâm lý của con người luôn thích làm những điều bị cấm. Thay vào đó, phụ huynh cần nhẹ nhàng giúp con nhận ra lợi ích của việc “sống thật”, tầm quan trọng của việc tương tác trực tiếp với các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô. 

Bố mẹ hãy giúp con không có nhiều thời gian rảnh để dùng mạng xã hội bằng cách tạo ra các nhiệm vụ công việc cho các con. Ví dụ bố mẹ có thể nhờ con lên thực đơn cho bữa tối của cả nhà, hướng dẫn con cách làm một tấm thiệp mừng sinh nhật thủ công tặng cho bạn cùng lớp thay vì viết lời chúc mừng và ảnh của một bó hoa tải từ trang web nào đó lên tường Facebook của bạn bè. Hãy nói cho con biết sự tương tác, gặp gỡ và một món quà nhỏ từ con sẽ mang lại niềm vui và sự yêu mến rất nhiều từ người nhận. Tôi tin rằng từ nhận thức được vấn đề một cách đúng đắn thì thái độ sẽ thay đổi. Và khi con cái của chúng ta có thái độ tích cực thì hành vi cũng sẽ được chuẩn mực hóa. 

* Là một nhà giáo, nếu thấy một sinh viên dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, anh sẽ góp ý ra sao với bạn ấy?

- Ở trường đại học, tôi có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều bạn trẻ gen Z, phải công nhận một điều rằng các bạn rất năng động, sáng tạo và nhạy bén với công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội. 

Thời gian dịch COVID-19 phức tạp vừa qua cũng là giai đoạn mà các giảng viên chúng tôi làm việc trực tuyến toàn thời gian. Vì vậy, việc thay đổi phương thức giảng dạy từ “truyền thống” với máy chiếu, bảng, bút thì bản thân tôi đã vận dụng các tiện ích của nền tảng trực tuyến như Zalo, Facebook, TikTok trong việc dạy và học. Chẳng hạn như sinh viên sẽ thực hiện một video nói tiếng Anh trong vòng một phút và đăng tải trên TikTok để nhận được bình luận từ các bạn cùng lớp và giảng viên, hay các bài tập nhóm đều được thảo luận qua nhóm Facebook. Tôi nhận thấy sinh viên của mình tích cực và hào hứng hơn rất nhiều khi tham gia vào các hoạt động học tập có sự kết hợp như thế. 

Tuy nhiên trong các bài học tôi đều lồng ghép vào các nguyên tắc khi sử dụng mạng xã hội. Các nguyên tắc này đều được các bạn sinh viên tự thảo luận và thiết lập trong buổi học đầu tiên cùng nhau, ví dụ như không like hay chia sẻ (share) các trang thông tin không chuẩn mực, nếu vi phạm và bị phát hiện sẽ nhận điểm trừ. Chúng tôi xem đó là các giao kèo với nhau và vui vẻ thực hiện. Bản thân tôi cho rằng không có một nguyên tắc hay lời khuyên nào thực sự hữu ích hơn chính bản thân chúng ta nhìn nhận ra vấn đề và điều chỉnh thói quen cá nhân của mình một cách phù hợp. 

* Theo đánh giá của cá nhân anh, mạng xã hội tốt hay xấu? Anh có lời khuyên nào với người trẻ cũng như phụ huynh khi tham gia mạng xã hội?

- Mạng xã hội cũng giống như một đồng tiền xu vậy, luôn có hai mặt. Cá nhân tôi cho rằng việc sử dụng mạng xã hội là tốt, không chỉ với các bạn gen Z mà cả thế hệ 7X, 8X vì giúp chúng ta cập nhật được các thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó, nền tảng mạng xã hội cũng là nơi giao lưu, chia sẻ và mở ra cho người dùng những cơ hội công việc.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 
Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội là cần tránh. Thứ nhất, sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Thứ hai, việc tiếp xúc với các thông tin mà phần lớn chưa được kiểm chứng tính đúng sai thì người dùng dễ bị nhiễu loạn và từ đó hình thành nên các quan điểm lệch lạc. Thứ ba, và đây cũng là một vấn đề hay mắc phải của các bạn trẻ gen Z, đó là sự so sánh bản thân với những “hình mẫu lý tưởng” mà các bạn xem được trên mạng xã hội. Tôi cho rằng điều này là vô cùng nguy hại bởi lẽ khi so sánh và nhận ra bản thân mình thua thiệt các “nhân vật ảo” trên mạng, chúng ta dễ có tâm lý tự ti, mặc cảm. Từ các suy nghĩ tiêu cực này, người trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. 

Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh nhất là điều mà tôi luôn tự nói với bản thân mình và cũng là lời khuyên dành đến các bạn trẻ. Hãy nhớ rằng bạn là người tạo ra và thiết lập các chế độ sử dụng mạng xã hội của mình. Vì vậy hãy làm chủ các nền tảng mạng xã hội, biến chúng thành công cụ phục vụ cho công việc, học tập và giải trí của bản thân. Ví dụ, thay vì bạn lướt mạng xã hội chỉ để xem các video giải trí thì hãy tranh thủ theo dõi (follow) các trang hướng dẫn học từ vựng tiếng Anh, biết đâu bạn sẽ cần dùng các từ vựng, mẫu câu đấy trong lần phỏng vấn xin việc sắp tới. Hãy thực sự tập trung vào mục tiêu cá nhân của bản thân, xác định mục đích của cuộc đời mình và đừng xao nhãng quá nhiều thời gian vô bổ vào mạng xã hội. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI