Sau những mái tóc là biết bao câu chuyện…

21/05/2023 - 18:43

PNO - Không đơn giản chỉ là cho đi, phong trào “nuôi tóc” làm tóc giả tặng bệnh nhân ung thư đã lan tỏa cảm hứng cho cả ngàn người có cơ hội lắng lại để yêu thương, chăm chút bản thân.

Cả xóm sốc vì mái tóc 

Rất ngẫu nhiên, chị Bích Ngọc (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tự tay cắt mái tóc dài của mình vào ngày Quốc tế nói dối. Khi chị chia sẻ hình ảnh tóc ngắn trên mạng xã hội, nhiều người bạn của chị bình luận khá giống nhau: “Hôm nay 1/4 nhé”, “cá tháng Tư”…

Chị Ngọc chia sẻ: “Có người bạn cùng xóm mở hình ảnh tôi với mái tóc ngắn cho các bà, các mẹ xem, không ai tin là tôi cắt tóc thật. Họ đều nói “chắc là ảnh ghép”. Cả xóm không tin, bạn bè không tin, cha mẹ tôi cũng nhìn con không chớp mắt vì gần 40 năm qua, họ luôn thấy tôi với mái tóc dài.

Chị Bích Ngọc trước khi cắt tóc tặng bệnh nhân ung thư
Chị Bích Ngọc trước khi cắt tóc tặng bệnh nhân ung thư

Chị Ngọc chia sẻ, bản thân chị cũng tiếc khi cắt đi mái tóc dài bởi mái tóc còn là nơi lưu giữ tình cảm giữa chị với những người bạn. Họ rất thích mái tóc đen, dài, khỏe của chị. “Có người bạn vong niên, hỏi thăm tôi sau nhiều năm gián đoạn liên lạc, câu hỏi cũng liên quan đến mái tóc, rằng “Ngọc vẫn để tóc dài đấy chứ?”. Thực ra, với mái tóc 100% tự nhiên của mình, tôi chỉ cần cắt 25cm là đủ tiêu chuẩn để tặng. Cắt 25cm, tóc tôi vẫn dài quá vai nhưng tôi nghĩ đã cùng công tặng thì mình cắt tối đa có thể, để bệnh nhân ung thư có được bộ tóc dài dài một chút” - chị nói.

Anh Phạm Văn Ninh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng từng làm cả xóm sốc vì thấy anh với mái tóc dài. Tết Nguyên đán 2020 mưa rào, sấm sét, vợ anh lại đang ở cữ nên gia đình anh hầu như không đi đâu. Mùa hè đưa con về quê, anh mới “xuất hiện” trước họ hàng, xóm giềng. Mọi người sốc khi thấy anh với mái tóc đuôi gà. Ai hỏi gì, anh cũng chỉ cười, nói đùa: “Cháu nuôi tóc để bán lấy tiền mua sữa cho con”. 

Cùng sẻ chia 

Là chủ chuỗi cửa hiệu làm tóc, đồng thời là nơi kết nối với những dự án tóc tặng bệnh nhân ung thư; anh Nguyễn Mạnh Chiến (TP Hà Nội) đã đón không ít phụ nữ với mái tóc dài được nuôi suốt 15-20 năm. Họ từ Thái Nguyên xuống, Hải Dương sang, Nam Định lên… Tất cả chung nguyện vọng tặng một phần mái tóc của mình để làm tóc giả nhằm mang niềm vui đến cho bệnh nhân ung thư. Anh Chiến cũng chứng kiến nhiều chị em rơi nước mắt khi lần đầu tiên cắt đi mái tóc dài. Nhưng, cùng những giọt nước mắt ấy là nụ cười hạnh phúc khi được sẻ chia.

Phong trào tặng tóc cho bệnh nhân ung thư đã lan tỏa trên cả nước, chạm vào nhận thức non nớt của các em nhỏ, hiện hữu cùng các gia đình. Chương trình Tóc cho bệnh nhân ung thư của Bệnh viện K Hà Nội cũng như Thư viện tóc hồng của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã nhận được rất nhiều mái tóc của trẻ em: Minh Tâm 7 tuổi, Kiều An 10 tuổi, Gia Hân 12 tuổi… 

Ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nguyên đưa 2 con gái đến điểm kết nối để cắt tặng tóc. Nghe cuộc trò chuyện giữa mẹ và thợ tóc về niềm vui của bệnh nhân ung thư khi được đội tóc giả làm từ tóc thật, cả bé lớp Ba và bé lớp Một nhà chị đều xin mẹ được cắt tóc.

Ở Cần Thơ, chị Bùi Thị Nga và cô con gái 10 tuổi cùng trao đi mái tóc dài. Không có điểm kết nối cắt và nhận tóc ở Cần Thơ, chị Nga tự cắt tóc cho mình và con rồi gửi đến Thư viện tóc hồng ở TPHCM qua đường bưu điện. Vợ chồng anh Phạm Văn Ninh cùng nhau nuôi tóc để hiến tặng. Chị Hồng - vợ anh - có lần xuất hiện với mái tóc rất đàn ông vì “anh Ninh xúi cắt ngắn thêm chút nữa”… 

Từ Nhật về, chàng trai này đã đến điểm kết nối của anh Nguyễn Mạnh Chiến để hiến tóc. Anh đã nuôi mái tóc này trong 3 năm - ẢNH: MẠNH CHIẾN
Từ Nhật về, chàng trai này đã đến điểm kết nối của anh Nguyễn Mạnh Chiến để hiến tóc. Anh đã nuôi mái tóc này trong 3 năm - Ảnh: Mạnh Chiến

Anh Nguyễn Mạnh Chiến sẽ cắt, gội, chăm sóc tóc miễn phí với bất kỳ ai đến hiến tóc tại hệ thống cửa hiệu của anh tại Hà Nội và TPHCM. Anh Võ Sơn (TPHCM) cũng tranh thủ thời gian ngoài giờ ít ỏi sau khi làm việc ở hiệu tóc để cắt, tạo kiểu miễn phí cho những người tặng tóc.

Cô sinh viên Thái Kim Ngoan (TPHCM) chọn cách hỗ trợ người tặng, đưa tóc tới trụ sở Thư viện tóc hồng; hỗ trợ thư viện gửi giấy chứng nhận, tri ân tới từng cá nhân tặng tóc.

Ở Hà Nội, bà mẹ đang nuôi con nhỏ Trần Lê Trang cũng là cầu nối tiếp nhận tóc từ khắp nơi gửi về rồi chuyển đến thư viện tóc. Trang còn tranh thủ trọn 2 ngày cuối tuần để xử lý những việc phát sinh với những mái tóc được gửi đến như tóc nấm mốc vì ướt, tóc rối tung vì cột không đúng cách…

Vượt lên định kiến và yêu thương bản thân hơn 

Nếu với phụ nữ và trẻ em, việc cắt tóc là vượt qua cảm xúc bản thân để sẻ chia thì với nam giới, đó là câu chuyện quyết tâm, kiên định vượt qua định kiến để nuôi tóc dài. Với những người đàn ông nuôi tóc tặng bệnh nhân ung thư, lời xì xào “gay à” hay bị gọi nhầm “chị gì ơi”… không phải là chuyện hiếm gặp.

Không chỉ với người ngoài mà nhiều khi chính người thân trong gia đình cũng nhìn họ như một phiên bản “dị”: “Cha mẹ tôi hay giục “Cắt tóc đi cho ra… con người”, “Mẹ tôi hỏi “mày có làm sao không mà đầu tóc trông gớm thế kia?”… Bên cạnh đó là những rắc rối nho nhỏ như: “Khi mình để tóc dài, không phải ai cũng sẵn sàng đi cùng mình ra đường”…

Sau 1,5 năm, nhóm “Những người nuôi tóc dành cho bệnh nhân ung thư”  có gần 9.800 thành viên
Sau 1 năm rưỡi, nhóm “Những người nuôi tóc dành cho bệnh nhân ung thư” có gần 9.800 thành viên

“Trước đây, mẹ tôi từng được chẩn đoán ung thư, phải trải qua hóa trị và rụng hết tóc nên khi biết có chương trình tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, tôi quyết định nuôi tóc để hiến”; “Tôi làm phần mềm cho bệnh viện, bệnh nhân điều trị ung thư ở ngay tầng dưới nên tôi có nhiều cuộc tiếp xúc với họ. Từ đó, tôi quyết tâm nuôi tóc, ít nhất là 1 lần”… là những chia sẻ, cũng là động lực và quyết tâm để những người đàn ông vượt qua định kiến giới, nuôi tóc dài trao tặng bệnh nhân ung thư.

Sau 2 lần nuôi và tặng tóc, cuối năm 2021, anh Phạm Văn Ninh tạo nhóm “Những người nuôi tóc dành cho bệnh nhân ung thư”. Cuối tháng 2/2022, số thành viên tham gia nhóm chạm mốc 500. Đến nay, nhóm đã có gần 9.800 thành viên. Không chỉ chia sẻ về tiêu chuẩn tóc hiến, cách thức hiến tặng; nhóm còn là nơi chia sẻ bí quyết chăm sóc để có được mái tóc khỏe, nhanh dài, nhanh được hiến tặng… Mái tóc chị Bích Ngọc vừa trao đi còn là câu chuyện của hành trình 5 năm.

Năm 2018, suy giáp sau sinh làm tóc chị rụng, khô, xơ, chẻ ngọn… Khi đó, chị mới biết Thư viện tóc hồng. Không muốn tặng bệnh nhân ung thư mái tóc đang “ốm yếu”, chị tìm mọi cách khắc phục: từ quay về với việc dùng bồ kết, cỏ cây để gội đầu đến dùng các loại thực phẩm tự nhiên làm mặt nạ cho tóc. Những công đoạn chăm sóc tóc đều là sự chấp nhận tốn thêm thời gian, công sức giữa nhịp sống hối hả. Cuối năm 2019, tóc chị bắt đầu hồi phục và năm 2020, mái tóc ấy đã khỏe đẹp “như chưa hề suy giáp”.

Anh Lý Phúc Thịnh (trái), Nguyễn Tấn Tài (phải) cùng mái tóc nuôi 4 năm tặng bệnh nhân ung thư - ẢNH: MẠNG LƯỚI UNG THƯ VÚ VIỆT NAM
Anh Lý Phúc Thịnh (trái), Nguyễn Tấn Tài (phải) cùng mái tóc nuôi 4 năm tặng bệnh nhân ung thư - Ảnh: Mạng lưới ung thư vú Việt Nam 

Khi chia sẻ câu chuyện mẹ bỉm sữa U40 suy giáp sau sinh, đang cho con bú vẫn có thể dành tặng bệnh nhân ung thư mái tóc chất lượng; chị Ngọc khá bất ngờ khi nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi cặn kẽ công thức, cách chăm sóc tóc đối với người mắc suy giáp cũng như cách khắc phục các vấn đề về tóc mà họ đang gặp phải. Nhiều người đã lắng lại, dành nhiều sự chăm chút, yêu thương cho mái tóc. Họ bắt đầu lích kích làm “sinh tố” bơ, chuối, dầu, trứng… để bù dưỡng chất cho tóc khỏe, nhanh dài. Có người khoe “nhờ chăm sóc tóc mà mình bớt nghiện điện thoại”.

Nhiều người còn quyết tâm bỏ thói quen thường xuyên uốn, nhuộm để có mái tóc khỏe cho chính bản thân đồng thời có mái tóc đẹp trao đi. “Dường như khi quyết tâm làm điều có ích cho người khác thì mình cũng cảm thấy yêu thương và dành nhiều thời gian chăm chút bản thân hơn” - chị Ngọc chia sẻ. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI