Sao cứ phải nghe lời chồng răm rắp?

17/07/2019 - 13:54

PNO - Chẳng mong muốn trở thành một người vợ hoàn hảo, nhưng trong vô thức, Giang cứ tự chuyển hóa mình dần dần theo tâm tính của chồng.

Blogger nổi tiếng người Mỹ Mark Manson vừa thực hiện một cuộc khảo sát thú vị trên trang cá nhân của mình với câu hỏi đơn giản: những ai đã kết hôn được hơn mười năm và vẫn đang hạnh phúc, bài học kinh nghiệm của bạn là gì?

Câu trả lời đáng chú ý nhất của khảo sát này là: “Tôn trọng sự khác biệt của nhau. Mỗi người sẽ có những sở thích và quan điểm không giống nhau. Hãy nhớ lại lý do mà ngay từ đầu bạn đã lựa chọn họ...”.

Nghe thì vô cùng đơn giản, nhưng để làm được điều đó, quả thật không phải dễ dàng.

Tại sao lại đánh mất chính mình sau kết hôn?

“Mình là ai, mình là người như thế nào, mình đã từng nuôi những ước mơ, hoài bão gì?”, những câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn đó, Giang cứ phải tự hỏi mình qua bao nhiêu năm tháng.

Sao cu phai nghe loi chong ram rap?
Ảnh minh họa

Chẳng mong muốn trở thành một người vợ hoàn hảo, nhưng trong vô thức, Giang cứ tự chuyển hóa mình dần dần theo tâm tính của chồng. Giang tâm niệm, phải vừa lòng chồng thì gia đình mới mong có được bình an và hạnh phúc. Nhưng rốt cuộc, chính bản thân Giang cũng phải nghi ngại: bình an là gì, hạnh phúc có hình dáng ra sao, vừa lòng chồng bao nhiêu là đủ?

Với nhiều người, lấy chồng, nghĩa là sẽ phải từ bỏ những bộ quần áo mình yêu thích, không dám nhuộm màu tóc đang là xu hướng mới, không thể ngồi nán lại với cô bạn thân thêm một chút vì chồng bảo đúng giờ phải về nhà, bài hát muốn nghe cũng phải thay bằng giai điệu chồng ưa chuộng, đôi giày không được quá năm phân vì sợ đứng cạnh sẽ cao hơn chồng, trang phục không được hở hang, mỏng manh vì chồng rất hay ghen... 

Rất nhiều điều chúng ta buộc phải từ bỏ chỉ vì muốn làm vui lòng chồng, bất chấp sự hy sinh đó có làm mình hạnh phúc không. Những người phụ nữ ấy luôn khát khao được giỏi giang, nhạy bén, lanh lẹ hơn, để làm tốt vai trò hậu phương vững chắc cho chồng mình. Đó là lý do phần lớn phụ nữ thay đổi sau khi kết hôn. “Có chồng rồi mà, phải khác thôi”... chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một ngày nọ, cô bạn thân thổ lộ với bạn điều đó.

Khác, nghĩa là sẽ không còn là mình nữa, thay vào đó là một nhân vật xa lạ mà chính mình cũng không còn nhận ra, lạnh lùng và nhiều buồn tủi...

Tại sao mình thay đổi, tại sao mình không còn là mình? Với phụ nữ, sự thay đổi này là vì chồng, vì nhà yên bếp ấm. Còn với đàn ông, họ nghĩ gì khi muốn người khác phải thay đổi theo ý họ? Phải chăng vì tâm lý mình là trụ cột trong gia đình, nên nhất nhất mọi thứ phải thuận theo mình, cái cột đổ thì mái nhà cũng đổ theo?

Chỉ vậy thôi, mà nguyên lý hôn nhân đảo lộn hết. Đàn bà vội thay đổi, đàn ông vội giương oai. Mà đôi khi chỉ cần chậm lại, chịu khó suy xét, nghĩ sâu hơn, thì đã có một cuộc hôn nhân hoàn thiện.  

Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt

Hôn nhân, theo cách nghĩ thông thường chính là sự gắn bó của hai con người khác nhau, độc lập về mọi thứ, kể cả suy nghĩ. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, bản thân người trong cuộc đã tự biết rằng mình bị đối phương hấp dẫn bởi sự khác nhau đó. 

Hôn nhân cũng vậy, sự khác nhau sẽ bổ sung cho đời sống vợ chồng thêm gắn bó và hoàn thiện. Thế nhưng, phần lớn phụ nữ khi sống đời hôn nhân đều không tin vào điều đó. Họ luôn cố gò mình để trở thành một phiên bản mà chồng yêu thích, thậm chí sẵn sàng từ bỏ những gì làm nên chính con người mình để đổi lấy sự hài lòng của chồng.

Trí - một kỹ sư xây dựng chua chát thừa nhận hôn nhân của anh thất bại, bởi vợ anh thay đổi nhiều quá, mà nguyên nhân của sự thay đổi ấy là do... anh. Trí từng yêu vợ mình bởi cá tính mạnh mẽ, cương quyết, nói là làm và làm thì đến cùng. 

Lúc mới quen, cô ấy tóc tém, đi giày thể thao, rất nhanh nhẹn hoạt bát. Nhưng một cách vô thức, Trí cứ từ từ uốn vợ theo sở thích vô lý của mình: “Em nên mặc đầm xòe khi dự tiệc cùng anh”, “Phụ nữ tóc dài là đẹp nhất”, “Thôi, chỗ đó không phù hợp với em đâu”, “Màu son này đậm quá, em đi làm hay đi diễn thời trang đấy?”. 

Sao cu phai nghe loi chong ram rap?
Hình minh họa

Và cô ấy đã nhất nhất làm theo lời Trí, chỉ sau vài tháng. Bạn bè khen Trí tốt số, khi có vợ ngoan, khen Trí bản lĩnh khi dạy vợ nghe lời răm rắp. Và đỉnh điểm của sự đánh mất chính mình là cô ấy bỏ công việc phải đi công tác quá nhiều, để về làm tiếp tân cho một công ty gần nhà. Sáng quần áo chỉnh tề đi làm, chiều về lao vào cơm nước, dọn dẹp. Trí nói rằng mình sai rồi, nhưng bản thân cô ấy cũng không đúng. Bởi, cô gái năng động, cá tính mới là hình ảnh mê hoặc Trí ngày xưa, chứ không phải cô vợ an phận và bình thường của ngày hôm nay.

Vợ chồng nếu biết tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận mỗi con người là một cá thể độc lập, sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự khác biệt đó. Mọi thứ chẳng bao giờ là hoàn hảo cả, tại sao phải thay đổi mình, hoặc muốn người khác phải thay đổi theo ý mình? 

Tôn trọng, nghe thì có vẻ xa vời, nhưng thực sự, trong đời sống hôn nhân, nên nhìn sự khác biệt của bạn đời bằng một cái nhìn quen mắt nhất có thể, lâu dần chính cái khác biệt đó cũng thuộc về mình từ lúc nào chẳng rõ.

Phải luôn tin rằng, khác biệt, chính là chìa khóa cho cuộc hôn nhân bền vững. Bạn chẳng có lý do gì phải thay đổi cho giống, cho vui lòng bất cứ cá nhân nào. Vì mình là duy nhất, là một cá thể độc lập không bao giờ trùng lắp. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI