Trầm cảm vì vợ chồng thiếu hợp tác

26/04/2019 - 06:00

PNO - Trầm cảm đôi lúc được diễn tả như tình trạng có một khoảng cách giữa con người thực tế và con người mong đợi. Khoảng cách càng lớn thì nguy cơ trầm cảm càng cao, bởi nó chứa sự thất vọng trong tâm hồn.

Anh Cường là doanh nhân. Hơn 3 năm nay, bị áp lực và căng thẳng vì việc kinh doanh của mình, về nhà anh còn phải lo chiều chuộng chị Diễm, nhất là giai đoạn chị mang bầu và hiện con vẫn còn rất nhỏ. Anh Cường có quá nhiều tâm tư, nhưng không thể nói với vợ; trong khi chị Diễm cũng đành đợi, vì không quen với chuyện không chịu nói của chồng. Cứ thế, sự im lặng chờ người kia hiểu thấu đã đẩy họ đến… tòa.

Ngược với cặp Cường - Diễm, anh Thắng và chị Loan từng đánh nhau vài lần, nhưng vẫn quyết sống với nhau. Suốt gần 5 năm hôn nhân, họ luôn nỗ lực kiềm chế để không gây tổn thương cho nhau. Chuyện cãi vã của họ riết thành quen với hàng xóm, đôi khi vừa mới như không đội trời chung lúc khuya thì đến sáng đã thấy vợ chồng quấn quýt tiễn nhau đi làm.

Tram cam vi vo chong thieu hop tac
 

Chị Loan lắm lúc muốn vợ chồng nói chuyện hòa bình, nhưng chỉ cần có chuyện thì từ ngữ như tự động phát ra từ miệng anh Thắng: “Tao đập mày chết”, khiến chị “hăng tiết”, sau đó là đồ đạc đổ bể. Cho đến tuần trước, anh Thắng phát hiện trong bóp của vợ có gần trăm viên thuốc ngủ.

Bà Sally Connolly, một chuyên gia có trên 30 năm trị liệu cho các cặp đôi cho biết: sự mâu thuẫn của vợ chồng, sự cô đơn hay cảm giác xa cách luôn có khả năng dẫn đến trầm cảm. Bà cũng chỉ ra, khi một bên không chịu hợp tác với bên kia để điều chỉnh mô hình hôn nhân, tình trạng trầm cảm sẽ tiếp tục.

Gặp chuyên gia, anh Thắng kể: “Vợ tôi là người than phiền chứ không phải tôi, nên cô ấy mới cần được trợ giúp. Tôi có thể có vấn đề dưới mắt vợ, nhưng tôi thấy ổn, chỉ cần cô ấy cư xử cho đúng là một người vợ”. Yêu cầu của anh Thắng càng khiến chị Loan thêm bế tắc, bởi chị thấy mình đang hành xử như một phụ nữ hiện đại, ngang hàng với chồng và không thể “hạ mình làm một người vợ như chồng tôi muốn”. Hay như khi chị Diễm đề cập ở trên, không thể trở thành người “gợi cho chồng nói về khó khăn của ảnh, bởi anh ham làm ăn quá, chứ tôi đâu có nhu cầu gì nhiều. Tôi cần anh ấy hiểu mình, nhưng thứ ảnh mang về chỉ có tiền thôi. Giờ tiền kiếm không ra nữa nên đổ bể hết”. 

Cả hai cặp dường như là điển hình cho nhiều đôi khác. Các vấn đề lẽ ra được cải thiện, nhưng cả hai lại thiếu động tác cùng tiến hành việc cải thiện với nhau, hướng đến mục tiêu chung. Chúng ta sống với quá nhiều định kiến trong đầu - những niềm tin hình thành từ khi còn thơ bé. Có điều, ta không biết các niềm tin đó sai lầm thế nào.

Tram cam vi vo chong thieu hop tac
Ảnh minh họa

Trầm cảm hoàn toàn có thể nảy sinh từ các trục trặc trong đời sống hôn nhân. Nghiên cứu cho thấy, một khi các vấn đề hôn nhân không được cải thiện, tình trạng và mức độ trầm cảm của một hoặc cả hai người sẽ không thể chuyển biến tích cực. Trầm cảm đôi lúc được diễn tả như tình trạng có một khoảng cách giữa con người thực tế và con người mong đợi. Khoảng cách càng lớn thì nguy cơ trầm cảm càng cao, bởi nó chứa sự thất vọng trong tâm hồn. 

Thật ra, nếu các đôi vẫn còn thương, đồng lòng muốn “cứu” hôn nhân thì vẫn còn cách, chẳng hạn:

1. Cùng nhau học hỏi để hiểu biết về đời sống hôn nhân cũng như các nguy cơ và kiến thức về sức khỏe tâm thần nói chung hay trầm cảm nói riêng.

2. Cải thiện các kỹ năng giao tiếp tích cực và hòa bình. Kỹ năng có thể tập luyện được, nhưng điều gây khó khăn cho các đôi và thái độ đối với việc bàn luận với nhau về các vấn đề của cuộc sống hôn nhân. Có những người tin rằng, chỉ nên nói chuyện vui thôi, còn những căng thẳng hay lo lắng, buồn chán thì không nên nói cho người kia biết, vì “chuyện đó mà mình không giải quyết được thì còn ra gì nữa”. Tư duy đó không đúng. Một mối quan hệ an toàn và tin tưởng là có thể nói với nhau mọi thứ tốt xấu. Về kỹ thuật thì đương nhiên là phải hòa bình, không gây hấn hay khiêu khích và không làm tổn thương nhau.

3. Bàn bạc với nhau về các cảm giác hay dấu hiệu trầm cảm cùng những hệ lụy của nó trên người còn lại và trên các mối quan hệ xã hội khác, kể cả các khả năng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Sau đó lên kế hoạch điều chỉnh và kiên trì giúp đỡ nhau.

4. Tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn và trị liệu. Cần mạnh dạn bày tỏ vấn đề của mình và xác nhận mình đang gặp khó khăn. Mọi chuyện sẽ được giải quyết và trở nên tốt hơn. 

Ngô Minh Uy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI