“Riêng một góc nhà” của vợ

04/12/2021 - 12:20

PNO - Gian bếp - góc nhà của vợ tuy "nhỏ nhặt" nhưng lại chứa đựng bao câu chuyện vui buồn.

Dù đã gọi nhau là người cũ nhưng bà Lyudmila Putina vẫn nhớ tính cách đặc biệt trong đời sống gia đình của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin chưa bao giờ khen những món ăn do vợ nấu. Tân thủ tướng Nhật Kishida Fumio thì ngược lại. Mới đây ông trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội Twitter vì đăng bài cảm ơn vợ đã làm món bánh xèo Nhật ngon tuyệt đãi chồng. 


Trong văn hóa Việt, quan niệm công - dung - ngôn - hạnh đi cùng nữ giới vẫn đang được giữ gìn. Con gái lớn lên, mẹ dạy để ý để tứ, vén khéo việc bếp núc, sau này lập gia đình biết nấu bữa ăn ngon, góp phần bồi đắp hạnh phúc, vì người ta thường nói vui rằng “con đường ngắn nhất đi đến trái tim người đàn ông là đi qua dạ dày”. 

Chính tinh thần trách nhiệm của người làm vợ, kết hợp lòng nhiệt tình không biên giới đã thôi thúc chị em thường xuyên đổi bữa, thi thoảng còn học nấu thêm món mới để bạn đời đổi khẩu vị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Éo le thay, không phải người chồng nào cũng tích cực hưởng ứng. Có ông dùng cơm xong thì điềm nhiên gác chéo chân xem ti vi, bấm điện thoại. Vợ sốt ruột lò dò hỏi ý kiến. Vui thì chồng ừ à “được, được” cho qua. Hôm nào khó ở trong người, sẵn không ưng trong bụng, miệng nói ra thẳng tuột lời nhận xét khiến đầu bếp chẳng vui chút nào.

Nấu mệt, một lời khen an ủi cũng không có, vợ đâm hờn. Đang yên đang lành bỗng dưng gặp họa, chồng gắt: “Ai bảo bày biện cầu kỳ cho lắm vào”. Vậy là bữa cơm trở thành bữa giận.

Chồng tôi theo “trường phái” vô khen giống ông Putin, nhưng điều đó chưa bao giờ làm tôi mảy may phiền lòng. Tôi là người say mê nấu nướng, từ cơm canh, bánh trái, xôi chè các kiểu. Nấu ăn với tôi không hẳn là nhiệm vụ. Sau những bộn bề lo toan ngoài cuộc sống, tôi tìm về góc bếp thân thương, xào nấu cho tan biến những ưu tư vụn vặt. Tôi hân hoan khi cho ra lò thành công mẻ bánh mới. Tôi tìm thấy liệu pháp khơi nguồn vui sống trong chính ngôi nhà bé nhỏ của mình.

Chồng hững hờ với “tài hoa ẩm thực” của vợ, thành thử, năm khi mười họa tôi mới mời anh dùng thử thành quả một lần. Miễn cưỡng thì không hạnh phúc. “Biết người ta không thích “món ngon vật lạ” mà mình bắt người ta ăn thì chẳng khác nào mình làm tội làm tình người ta”, tôi thường đùa lẩm bẩm một mình như thế.

Chồng tôi trung thành với thực đơn đơn giản, lặp đi lặp lại nhiều lần. Anh vốn cốt cách nông dân nên chỉ ưng các món dân dã miệt vườn như thịt, cá kho khô mặn, canh bầu bí nấu tép, mắm chưng, khổ qua xào. Các món chè, cháo, bánh chưng, bánh bèo... một đời anh chẳng buồn đụng đũa. Lắm lúc bạn đến chơi nhà, tôi vẽ vời bày tiệc. Chồng luôn xông xáo giữ chân chạy bàn giúp vợ. Anh bưng bê nhiệt tình, mời chào rôm rả. Khách ra về, chồng lục tục xuống bếp ăn cơm như ngày thường.

Ở nhà thì chồng “chừa bụng” đã đành, về quê thăm má anh cũng chờ chiều về ăn cơm vợ nấu. Sợ má xót ruột con gái suốt ngày lui cui xó bếp nên tôi kể má nghe vài câu chuyện về chàng rể má thương. Chẳng hạn như, cơ quan anh gần cửa hàng thực phẩm lớn. Món nào khó tìm khu chợ nhỏ, tôi lên danh sách nhờ anh mua dùm. Tiếng là nhờ nhưng tiền thì “quên” gửi. “Nhà tài trợ kim cương” cũng không bao giờ nhắc. Chiều anh đến cửa, thể nào anh cũng tay xách nách mang và rồi túi hàng tự rơi ành ạch xuống đất, câu cảm thán buồn cười nào đó sẽ nhanh chóng rơi kèm. Đại loại như: “Của bồ nè, lo học may đi, không là sắp tới không có chỗ nào bán quần chui lọt!”.

Chồng nói thế thôi chứ hôm trước tôi đút lò thố thịt bò hết công suất. Nóng quá lò hư cái bụp. Chồng lọ mọ sửa chữa, bỏ mấy tiếng đồng hồ chạy mua phụ tùng về thay cho tôi “phá” tiếp... Ngồi nghe con gái kể chuyện, má tôi tủm tỉm cười, bảo: “Đừng nghe những gì anh ấy nói, hãy nhìn những gì anh ấy làm”. Còn tôi thì nhủ với mình rằng: “Chồng không ga lăng nhưng trân trọng góc tự do của vợ là mình may mắn lắm rồi”. 

 

Vô vàn món chồng tôi hững hờ nhưng vợ vẫn thích nấu
Vô vàn món chồng tôi hững hờ nhưng vợ vẫn thích nấu

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI