Quốc tế thiếu nhi 1/6: Muốn làm cha mẹ tốt, cứ về nhà học con

01/06/2022 - 07:18

PNO - Trong khi nhiều phụ huynh tìm học phương pháp dạy con của người Do Thái, Nhật, Pháp, Mỹ… thì có một ông bố tiến sĩ khuyến khích “về nhà học con”. Đó cũng là tiêu đề hội thảo tiến sĩ Bùi Hồng Quân (giảng viên Khoa Tâm lý Trường đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ tại Trung tâm ILA (Q.3, TP.HCM) trước thềm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, được đông đảo phụ huynh quan tâm.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân tại hội thảo “Về nhà học con”
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân tại hội thảo “Về nhà học con”

“Theo con, bố nên thay đổi điều gì?”

Tiến sĩ (TS) Bùi Hồng Quân thường hỏi hai con trai câu này. Câu hỏi tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để dám hỏi và “hứng chịu” cú phản hồi từ con. Đâu phải lúc nào câu trả lời cũng bùi tai như lần cậu con trai 7 tuổi của TS Quân bày tỏ: “Con thấy bố cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao với con và làm những gì bố thích”.

Đôi lúc người được đào tạo chuyên môn về tâm lý như bố Quân cũng “rát mặt” khi nhận lấy lời phê: “Có khi bố khó chịu, lớn tiếng với con. Tại sao bố dễ la con như vậy?”. 

TS Quân nhìn nhận tình huống này không khác gì “thầy giáo nhí” ra đề buộc “trò trưởng thành” phải giải ngay và luôn. Đề bài về quản trị cảm xúc. Giải không ra hoặc giải quá chậm trễ đều bị trừ điểm. Nhiều phụ huynh trách ngược rằng “không có lửa sao có khói”, nếu con không hư, không hỗn thì bố mẹ la mắng con làm gì.

Dù hỏi “Bố/mẹ có điều gì khiến con chưa hài lòng?” tưởng rất cầu thị nhưng khi con thể hiện chính kiến thì bố mẹ vội dập. Rút kinh nghiệm, những lần sau, khi được hỏi, con sẽ không dám/không thèm trả lời nữa. Và sự im lặng này đương nhiên không đồng nghĩa với bố mẹ đã hoàn hảo, không chút tì vết, không cần sửa đổi. 

Gia đình nhỏ luôn rộn vang tiếng cười của tiến sĩ Bùi Hồng Quân
Gia đình nhỏ luôn rộn vang tiếng cười của tiến sĩ Bùi Hồng Quân

Chỉ có lắng nghe với lăng kính của sự sàng lọc và quyết tâm khắc phục thì hình ảnh người bố người mẹ mới được hoàn thiện, mối quan hệ gia đình ngày thêm “nhuận sắc”.

Theo TS Quân, góc nhìn tích cực của vấn đề này là cảm xúc của mình thuộc về mình, cảm xúc đáp ứng nhu cầu của mình chứ không phải do tác động từ người khác nói chung, từ con trẻ nói riêng. Phụ huynh thử tự hỏi việc lớn tiếng, dằn ném đồ đạc hay đánh tát con có tốt cho con không, và có tốt cho mình không? Nếu nhận thấy không tốt cho ai cả thì mình chọn thái độ, hành động hay hơn, phù hợp hơn và quyết tâm tập rèn khi tương tác với con. 

Ai chưa từng sai sót trong “nghề” làm bố mẹ? Không ai cả, bởi tuổi “nghề” của bố mẹ cũng chỉ tương đương với tuổi của con. Sự sai sót đó có khi đến từ việc thiếu kiến thức, kỹ năng, nhất là với người đàn ông ít ai được học để bước vào hành trình làm bố. Sự sai sót đến từ một tổn thương trong quá khứ và rồi ngấm sâu vào tiềm thức để một ngày nào đó lặp lại, trút xả lên người khác, người yếu thế như con trẻ. Sự sai sót càng được gia cố khi phụ huynh dán nhãn lên con nào là đua đòi, nào là ương bướng, ngỗ nghịch… mà không tự hỏi chính mình đã làm gì để đưa đến tình trạng ấy. 

Thế giới trẻ thơ - tinh cầu lung linh của cha mẹ
Thế giới trẻ thơ - tinh cầu lung linh của cha mẹ

“Tinh cầu lung linh là con mình đó!”

Trước câu hỏi “Chị đã học được điều gì từ con?”, chị Kim Minh (Q.1, TPHCM) đáp bằng cách kể một câu chuyện thực tế. Đó là khi chị dắt bé gái đi học bơi, bé lạnh run, môi tím mà vẫn không chịu lên bờ và thay đồ ra về như chị gọi.

“Con cứ học tiếp. Chừng nào hết giờ con mới lên nha mẹ!” - con gái chị nói với theo, hai hàm răng vẫn đánh cầm cập. Bên cạnh nỗi lo con bị cảm lạnh, chị nhận được một điều đáng giá là con đã trân quý giờ học và quyết tâm, trì chí học cho bằng được. Con đã nghiêm túc và nỗ lực như vậy, mình làm mẹ sao có thể thấy khó mà vội nản lòng?

Đồng cảm với chị Kim Minh rằng con trẻ có cả kho phẩm chất đáng cho người lớn học, chị Nguyễn Quỳnh (Q.Gò Vấp, TPHCM) đơn cử vài vốn quý trong “kho” ấy là: Các con rất sáng tạo, không rập khuôn, đặc biệt là con rất dễ vui. Nhắc đến điều này, nhiều người lớn ngẫm lại thấy sao mà người lớn chúng ta thường khó chịu với cuộc đời này.

Với chị Quỳnh, tinh cầu lung linh nhất chính là bạn nhỏ bên cạnh. Do nhiều rào cản mà mình chưa chịu nhìn ngắm, công nhận. Theo con trai 10 tuổi của chị Quỳnh, một trong những rào cản là người lớn xem thường đứa trẻ, cho rằng chúng nhỏ tuổi, ít hiểu biết, chẳng có gì hay ho để người lớn phải học hỏi. “Thực ra, con trẻ có thể giúp bố mẹ bắt kịp xu hướng của xã hội, của mạng xã hội và cải thiện góc nhìn của bố mẹ để không bị cổ hủ” - cậu phát biểu một cách nghiêm túc, chín chắn. 

10 năm trước, chị Hằng Ngôn (Bình Dương) có lần chở bé trai 6 tuổi đi về quê miền Tây bằng xe máy. Vì sơ ý làm rớt chiếc nón vải, bé khóc sướt mướt: “Nón, nón, mẹ ơi!”. Đường xa, mưa giông, xe chở đùm đề, chị Hằng Ngôn quát cho con im. Bé lại càng khóc lớn và đòi tuột xuống khiến chị không chạy tiếp được nữa, đành tấp vào lề. 

Bé nói: “Mẹ quay lại tìm cái nón cho con đi!”. Mệt mỏi, bực dọc, chị Hằng Ngôn cố giữ bình tĩnh, nhẹ giọng: “Chạy xa lắm rồi con, đâu biết rớt đoạn nào đâu mà tìm. Thôi mai mốt mẹ mua cho con cái nón khác mới hơn, đẹp hơn”. Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy: “Không, con không cần cái khác. Không bỏ Lu Lu được đâu. Xe người ta sẽ cán lên Lu Lu đau lắm! Có khi nó bị chết đó mẹ!”. 

Đến lúc này thì chị Hằng Ngôn nghe khóe mắt cay cay. Thì ra là nón ấy có in hình chú cún dễ thương mà bé đặt tên Lu Lu. Cậu ghiền cái nón, đi đâu cũng đem theo. Chị không ngờ cậu trai bé bỏng nhà mình lại dạt dào tình cảm, giàu lòng trắc ẩn như thế. Với bé, hẳn là “vạn vật hữu linh”. Chị ôm con vào lòng, nói: “Chắc chắn sẽ có một người đi đường tốt bụng nào đó nhặt được Lu Lu đem nó về nhà và cưng nó y như con đã cưng nó vậy”. Bé dần nín khóc và đi tiếp một tiếng đồng hồ sau còn hỏi: “Mẹ nghĩ người lượm Lu Lu về là chú hay là cô vậy mẹ?”. 

Mới đây, trong một lớp giá trị sống, kỹ năng sống, chị Hằng Ngôn học được yêu thương vạn vật cũng là một trong năm cấp độ yêu thương, mà tình yêu thương là giá trị cốt lõi của con người. Chị thắt lòng khi nhớ về chiếc nón Lu Lu bị mất trong cơn mưa giông mười năm trước và thầm cảm ơn nhân vật hai trong một: vừa là đứa con - vừa là “ông thầy” dạy yêu thương của mình. 

Tô Diệu Hiền

Các bé nhà tiến sĩ Bùi Hồng Quân rất thích ra đường sách chơi, chọn sách
Các bé nhà tiến sĩ Bùi Hồng Quân rất thích ra đường sách chơi, cả nhà cùng chọn mua sách

CÓ MỘT TẤM BẰNG MANG TÊN “HẠNH PHÚC”

Mỗi đứa trẻ là một phiên bản độc nhất, cách giáo dục cần khác nhau và bài học tỏa ra từ các con cũng rất khác nhau. Ai từng ước chiếc vé về tuổi thơ? Việc đồng hành với con sẽ cũng cho ta niềm vui ấy. 

Khi học trò sẵn sàng thì người thầy xuất hiện. Hành trình của bố mẹ và con song song cùng nhau. Học là để cùng nhau phát triển. Về nhà học con, không phải học theo nghĩa đen - “lên lớp” mà là chiêm nghiệm, rút tỉa những điều tích cực bằng lăng kính nhìn cuộc đời của mình.

Con học để lớn, bố mẹ học để làm bố mẹ tốt hơn. Lời nói, thái độ, hành động của con là những chỉ báo quan trọng cho bố mẹ soi rọi, hoàn thiện mình.

“Lá vàng là bởi đất khô/ Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình”. Trong công thức 5T để làm bố mẹ tốt thời nay, bên cạnh tôn trọng, thấu hiểu, tỉnh thức, tự điều chỉnh thì có một yếu tố không thể thiếu là tinh thần học hỏi. Mà một trong những nơi mình học là chính các con của mình. 

Khóa học là trọn đời và tấm bằng là hạnh phúc, gắn kết.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI