Phước của đời con

24/03/2014 - 07:15

PNO - PNO - Sau này, bà nội thường kể lại chuyện ngày con xuất hiện trong gia đình ra sao. Bà bảo, ba đi công trình hai tháng, khi về mang theo đứa bé gần một tuổi đèo đẹt, gầy nhẳng, suy dinh dưỡng nặng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cả nhà náo loạn, hàng xóm láng giềng bàn tán xôn xao. Ba chỉ thản nhiên kể một câu chuyện nghe đến… khó tin. Con là con một gia đình rất nghèo ở vùng ba đang làm việc hai tháng qua. Trong một buổi ngồi giải lao, anh em công nhân nghe hai vợ chồng tính đem con xuống thành phố cho người ta vì nghèo quá, không nuôi được. Ba và mọi người ngăn cản. Rồi ba nói đùa: “Không nuôi, để tôi nuôi”. Vậy mà hết giờ giải lao, ba và mọi người vào làm việc, vợ chồng đó lặng lẽ để con lại, bỏ đi. Không còn cách nào khác, ba ngày ngày gửi con cho các cô cấp dưỡng cho ăn, cho uống sữa. Công trình kết thúc, ba mang con về cho bà nội.

Phuoc cua doi con
 

Bà nội nhìn con, dở khóc, dở cười. Bà bảo: “Nếu là con rơi con rớt của con thì cứ nói cho bà mừng, chứ có ai mà vứt con, rồi có ai mà nhận con kỳ lạ như vậy”. Ba vẫn cười hiền lành: “Con bé là con nhặt được vậy đó. Mẹ nuôi nó giúp con”. Bà chép miệng, thôi thì… chừng ấy tuổi đầu, ba không chịu lấy vợ sau đổ vỡ của mối tình 10 năm, giờ có đứa con để nuôi cũng là điều hay.

Mọi người chỉ thực sự tin con là đứa con ba nhặt về nuôi khi 18 năm sau, ba mẹ con tìm đến thăm. Hóa ra, bỏ con lại cho ba, nhưng họ không để mất dấu ba, vẫn theo dõi cuộc sống của con với người cha nuôi. Ba mẹ con giờ vẫn nghèo, vẫn gánh nặng mấy đứa em ở vùng quê xa, nên tìm đến chỉ để nhìn con chứ không có ý định đưa con về. Mẹ con bảo: “Thôi, số con vậy là có phước hơn các em. Ráng ở đây phụng dưỡng ba con. Như vậy là ba mẹ yên tâm về con rồi”.

Không giống như nhiều đứa con nuôi khác, lớn lên mãi mơ hồ về thân phận của mình, rồi tới khi phát hiện sự thật thì suy sụp, đau đớn. Từ khi còn nhỏ, con đã biết mình chỉ là con nuôi của ba. Nhưng, điều đó không làm con mặc cảm, buồn tủi như người ta thường nói. Bởi, từ cái ngày còn chưa hiểu biết, chưa cảm nhận được điều gì, con đã được ba rất thương yêu, chăm sóc. Ba không giàu có, công việc thất thường, có khi phải đi rất xa để kiếm việc làm… Thế nhưng, lúc nào con cũng cảm thấy sự ấm áp, yêu thương ba dành cho con. Những ngày ba đi xa, vài hộp sữa, những món tiền nho nhỏ ba phân ra từng ngày cho con ăn sáng, mua nước ngọt, bánh trái ở cổng trường luôn làm con có cảm giác ba vẫn ở cạnh con. Những khi ở nhà, ba chải tóc cho con, dặn dò con, xem bài con và dỗ con ngủ. Con lớn lên, trắng da, dài tóc cũng nhờ bàn tay ba.

Phuoc cua doi con

Con nhớ, có lần ba mang về cho con lọ dầu ủ tóc, bảo con đi gội đầu hấp dầu cho tóc láng mượt. Con cười khúc khích hỏi: “Đâu ra mà ba biết ba mua vậy”. Ba cười lúng túng nói: “Ba vào tiệm mua kem đánh răng, nghe người ta hỏi mua. Người ta đi rồi, ba bắt chước mua cho con”. Con cười trêu chọc ba mà nghe lòng rưng rưng…

Ba ơi, con thường nghĩ lại lời của mẹ con nói, con là đứa con có phước. Điều đó nghe thật vô lý phải không ba? Là con nuôi, là đứa con bị cha mẹ bỏ đi, sao lại là có phước? Nhưng, con hiểu mẹ con nói là lời chân thật. Mọi đứa trẻ trên đời này, nếu được nuôi dưỡng, lớn lên trong tình yêu thương thì đó là đứa trẻ có phước. Tình yêu của ba chính là phước của đời con. Con cám ơn ba.

HẠNH CHI

Từ khóa gia đìnhcon nuôi
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI