Phụ nữ bây giờ khác xưa nhưng đòi hỏi của các ông thì... vẫn thế

22/11/2019 - 05:32

PNO - Cánh phụ nữ ngồi cà phê nghe một cô U30 tuyên bố tiêu chuẩn chọn chồng mà ai nấy… hoảng hồn. Cô khẳng định, tiêu chuẩn của cô nhẹ nhàng lắm, đàn ông chỉ cần làm ra tiền, đổ rác, dọn toilet và lau nhà. Thế là đủ!

Mới nghe qua thấy tiêu chí cô đặt ra không có gì to tát. Làm ra tiền thì dứt khoát rồi, đàn ông thường phải có sự nghiệp họ mới nghĩ đến việc lập gia đình. Vai trò ông chủ khẳng định trước tiên là kinh tế. Còn những chuyện nhà cửa là chuyện vặt vãnh, chỉ cần làm siêng chút xíu là xong. 

Phu nu bay gio khac xua nhung doi hoi cua cac ong thi... van the
Ảnh minh họa

Thế nhưng, ngẫm kỹ mới thấy cô này khôn. Phân công lao động ngay từ khi mới quen nhau, sau này cưới về, việc ai người nấy làm, không nói nhiều. Thế nhưng, chỉ các bà mẹ nhiều năm kinh nghiệm mới hiểu những tiêu chí nhẹ nhàng ấy khi thực hiện khó bằng trời. 

Khoảng cách thế hệ nảy sinh nhiều vấn đề. Các cô gái ngày nay cho rằng, cha/mẹ mình cổ hủ, kiểu như: “bây giờ khác xưa rồi cha/mẹ ơi”; hay “nếu là con, con sẽ không xử sự như mẹ, không chịu đựng như mẹ”… “Con cái bây giờ khác xưa” là thế nào? Hãy thử xem một tình huống.

Một bà mẹ (U50) có tính chu đáo, việc nhà cửa một tay bà lo toan, từ cái chén ăn cơm đến việc lên kế hoạch sắm sửa lớn. Bà đi công tác xa một tuần. Sau khi chuẩn bị mọi thứ cho ba cha con ở nhà đâu ra đấy xong xuôi, bà sực nhớ thùng gạo vơi gần sát đáy. Kiểm tra lại, bà thấy vừa đủ cho mấy cha con trong ba ngày. Khi ấy cửa hàng bán gạo quen đã đóng cửa, bà mẹ dặn con trai khi nào hết gạo thì đi mua tại cửa hàng đó, loại gạo đó, giá tiền chừng đó.

Cậu con đang say sưa trò chơi trên máy tính gật đầu cho qua chuyện. Bà quay sang chồng đang coi ti vi, bảo nhớ nhắc con đi mua gạo kẻo trưa về nhà cập rập. Bà còn dặn thêm nơi bán gạo. Ông chồng mải chăm chú vào màn hình, gật đầu lia lịa để bà vợ không nhắc đi nhắc lại nữa. Bà mẹ yên tâm ra đi. 

Đến chiều tối ngày thứ hai, bà mẹ đang ngồi cà phê với các đồng nghiệp thì chồng gọi hỏi gạo mua ở đâu, nhà hết gạo rồi! Giọng ông chồng có chút khó chịu, rằng dặn dò thế nào mà thằng con không biết nơi mua gạo? 

Phu nu bay gio khac xua nhung doi hoi cua cac ong thi... van the
Ảnh minh họa

Có lẽ câu chuyện với bạn bè đang vui thì bị điện thoại cắt ngang bất thình lình, thêm âm giọng có hơi to của ông chồng khiến bà mẹ đâm cáu: “Hôm bữa dặn nó kỹ lắm, cửa hàng ABC gần nhà đó”. Ông chồng bực mình: “Đã bảo nó nói không biết. Dặn lại đi”. Vậy là bà mẹ vẽ bản đồ qua điện thoại đường đi đến cửa hàng gạo cách nhà chỉ… 300m.

Tuy đã hướng dẫn rất cặn kẽ là ra khỏi nhà quẹo trái, rẽ phải… sẽ thấy cửa hàng uốn tóc, sát bên đó là cửa hàng gạo nhưng bà mẹ vẫn chưa yên tâm. Quay sang phân trần với các đồng nghiệp có mỗi chuyện mua gạo mà chồng cũng hỏi đi hỏi lại, bà thấy bực mình. Liền khi ấy sực nhớ có số điện thoại cửa hàng gạo trong danh bạ, bà định gọi cho người mang gạo đến tận nhà.

Hai nữ đồng nghiệp trẻ thấy thế liền can ngay: “Không được. Không cần phải gọi điện thoại, hãy để họ tự lo. Chắc chắn họ không đói đâu”. Một người còn nhấn mạnh: “Chị cứ bao cấp vậy hoài chỉ khổ thân mình. Bơ đi, chẳng ai chết đâu mà lo. Chỉ có mình ôm hết mới… chết!”. 

Rất nhiều ý kiến kiểu vậy, nhưng bà mẹ vẫn nhấp nhổm. Bà suy nghĩ, chỉ cần một thao tác bấm điện thoại gọi, người ta sẽ đem gạo đến nhà, mọi thứ nhẹ nhàng biết bao. Giờ, hai cha con đang nạnh nhau về việc mua gạo. Lên lầu, mặc bộ quần áo, lấy tiền rồi mở cửa trong, cửa cổng, dắt xe ra… cũng thấy nhiêu khê, trong khi đó chỉ cần một cú điện thoại… 

Tuy biện minh vậy nhưng các cô bạn đồng nghiệp trẻ vẫn khăng khăng: “Quên đi. Không việc gì phải bận tâm chuyện nhỏ như vậy từ nơi cách xa hàng trăm cây số”. Các cô còn nói: “Lo như vậy biết bao giờ mới hết khổ!”.

Bà mẹ bị số đông “áp lực” đành ngồi im. 

Từ đấy đến kết thúc đợt công tác, chẳng có cú điện thoại nào hỏi bà mẹ về chuyện mua gạo nữa. Các cô gái lúc này đắc thắng: “Thấy chưa, phải tập cho họ biết tự thân vận động. Người phụ nữ khổ bởi lúc nào cũng vơ việc vào mình”.

Các cô mạnh miệng tuyên bố thế hệ các cô sẽ không như vậy, phân công trách nhiệm rõ ràng, thậm chí, người đàn ông phải gánh vác nhiều việc… nặng trong gia đình như mua gạo, lau nhà, quét mạng nhện, và cả giặt đồ, rửa chén… Phải tập cho mọi người trong gia đình (ý nói là chồng và con) có… kỹ năng sống chứ! Cuối cùng, họ kết luận rằng, chắc chắn thế hệ của họ sẽ không dại gì mà ôm hết việc gia đình, đó mới gọi là… bình đẳng. 

Bà mẹ suy nghĩ, có lẽ giờ đây vấn đề bình đẳng đối với bà đã quá trễ, bà cũng nhận ra rằng, bấy lâu nay bà đã ôm quá nhiều việc không cần phải lo toan như thế. Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn một điều, đúng là phụ nữ ngày nay có khác với thế hệ của bà, nhưng xét cho cùng yêu cầu của các ông chồng bây giờ chẳng khác cha ông ngày xưa bao nhiêu! 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI