Phụ huynh choáng với tâm thư "con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước"

24/01/2021 - 11:14

PNO - "Con muốn mẹ đánh con nhẹ hơn", "Ba ơi ba đừng nhậu nữa", "Con muốn mẹ đừng so sánh con với người khác"... những dòng tâm thư khiến cha mẹ giật mình, cay mắt.

Thời điểm họp phụ huynh của lớp con tôi diễn ra đã 1 tuần, nhưng trong group của hội cha mẹ vẫn rôm rả những chuyện cười ra nước mắt.

Ấy là khi chúng tôi kể cho nhau nghe tâm thư của các con viết cho cha mẹ khi kết thúc một học kỳ. Những nét chữ vẫn còn sai chính tả, cách diễn đạt còn vụng về nhưng chất chứa những tâm tư mà lâu nay chúng tôi nghĩ “tụi này thì biết gì”.

Đầu tiên là lá thư của con trai tôi. Sau khi tổng kết những việc làm được và chưa làm được trong suốt học kỳ vừa qua như: các môn thi đều trên 5 điểm, đã tự giác học bài nhưng không thể tự giác hơn, vì cần thêm  thời gian nghỉ ngơi…

Đọc ngang đấy, chúng tôi bật cười vì đều chung suy nghĩ “mấy cô mấy cậu học thì lười, suốt ngày ôm tivi, mà còn cần thời gian để nghỉ ngơi”. Nhưng tôi giật mình khi những dòng chữ tiếp tục hiện ra: “Con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước, vì con biết mẹ nhiều gánh nặng trong cuộc sống nhưng con không muốn những gánh nặng đó lại chồng lên con” (đập nghĩa là đánh đòn- tiếng địa phương).

Tâm thư con trai gửi mẹ: con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước
Tâm thư con trai  gửi mẹ: "Con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước"

Cứ ngỡ rằng ngày thường con ngô nghê, chơi và ăn không biết nhường em, gọi vào học bài thì khóc lên khóc xuống, tôi đâu ngờ con trai suy nghĩ già dặn như vậy. Đọc những lời mong mỏi của con, trong đầu tôi hiện lên những trận đòn mỗi khi anh chàng lười học. Dù đã nhiều lần cố kìm chế và tự hứa với lòng “bình tĩnh, không được đánh con”, nhưng khi  mẹ khảo bài, con ú a ú ớ vài câu, “máu điên” trong tôi lại trỗi dậy.

Đánh con xong là mẹ im lặng vào phòng đánh lại mình để xem có đau không. Đúng là đau thật, rồi lại tự hứa với mình sẽ kiềm chế, sẽ nhẫn nại, nhưng rồi lại... đâu vào đấy. Giờ thì tôi mới hiểu ra, lâu nay con trai ít trò chuyện với mẹ là vì vậy!

Rồi đến câu chuyện của bé M.H. Tâm thư của con khiến mắt chúng tôi cay cay: “Ba ơi, ba đừng nhậu nữa có được không. Ba dành thời gian đó chơi với chị em con và dùng tiền ấy cho con nộp học”.

Buổi họp phụ huynh chùng xuống khi chúng tôi nghe cô chủ nhiệm kể về gia cảnh của H. Em là học sinh cuối cùng của lớp chưa nộp tiền bảo hiểm khi hạn cuối chỉ còn mấy tiếng đồng hồ. Tưởng phụ huynh quên nên cô giáo gọi điện, nào ngờ mẹ cháu biết mà không có tiền nên nhắm mắt mà làm lơ. Dịch COVID- 19 khiến gia đình cháu phải về quê nương nhờ nhà nội, mẹ đi làm giúp việc theo giờ. Ba cháu thất nghiệp lại ốm đau nên tìm đến rượu giải sầu...

Không muốn mẹ so sánh mình với ai là nội dung tâm thư của con chị Thảo. Cháu viết: “Lên cấp II, con thấy mình đã chững chạc … Con chỉ muốn mẹ không so sánh con với người khác, hiểu con hơn và không đặt nặng áp lực lên vai con. Con học trên lớp đã quá mệt mỏi rồi.”

Mong mẹ đừng so sánh con với người khác và hiểu con hơn...con học trên lớp đã quá mệt mỏi.
"Mong mẹ đừng so sánh con với người khác và hiểu con hơn... con học trên lớp đã quá mệt mỏi".

Nhìn điểm tổng kết 9,2 cuối kỳ của con, chị Thảo thấy hối hận hơn là hãnh diện. Nghe chị kể qua lịch học của cháu mà giật mình. Ngoại trừ các buổi chiều đi học chính khóa, tất cả các buổi sáng và ngày chủ nhật con chị kín mít lịch học. Nào là Ngữ văn, Toán, Lý, Anh văn. Trong đó tiếng Anh và Toán đi học những 2 nơi để vừa học kiến thức cơ bản, vừa làm bài tập nâng cao.

Đi cùng những tâm thư cười ra nước mắt, có những bí mật riêng tư cũng được “bật mí” ra. “Nửa cuối học kỳ I, con có thích một bạn gái ngồi bàn trên, nhưng con chưa dám thổ lộ” hay “có bạn trai đã gửi con một lá thư tỏ tình mà con chưa biết trả lời sao mẹ ạ, vì con cũng có tình cảm với bạn ấy…”.

Người mẹ ấy đã chạy đến cô chủ nhiệm để hỏi thăm xem “một nửa” của con mình là ai. Trong suy nghĩ của người lớn “em không nghĩ cháu lại biết đến chuyện này”.

Quả thật, có nhiều điều chúng ta không biết và không nghĩ rằng con mình đã lớn, đã có những chính kiến, suy nghĩ độc lập và mong được ba mẹ tôn trọng. Chỉ có điều, ba mẹ không hiểu hoặc không muốn tìm hiểu “con muốn gì, cần gì”...

Tôi đã đánh con vì áp lực cuộc sống, vì nôn nóng muốn con tiếp thu nhanh, làm bài tập đúng và đủ, để mẹ còn làm việc khác. Bạn tôi muốn con duy trì điểm số dẫn đầu như bao năm nay để lên bục nhận thưởng ở cơ quan mẹ. Có nhiều gia đình không khí cứ sôi lên sùng sục khi điểm của con dưới 8 hay cô bộ môn phê “chưa học bài cũ,  nhưng cũng không hiếm cha mẹ bằng chân như vại khi nghĩ rằng “lên lớp bây giờ dễ như ăn cháo, không lo lưu ban đâu mà đầu tư cho lắm”.

Mỗi một nếp nghĩ của người lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới con trẻ. Cha mẹ nào cũng thương và lo cho con, nhưng ít ai thực sự hiểu con mong muốn gì.

Đi họp phụ huynh về, chúng tôi vỡ ra nhiều điều. Trẻ cấp II đã lớn rồi, tâm tính thay đổi khác hẳn hồi tiểu học, cha mẹ buộc phải tìm cách tiếp cận và lắng nghe con, biết được điều gì đang diễn ra với đứa trẻ mình yêu thương, sau đó xử lý và sắp xếp mọi việc trên tinh thần tôn trọng con...

Đức Hoàng

                                                                                                

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI