Phạt con thành… hại con

02/06/2016 - 06:09

PNO - Quá tức giận vì con trai bảy tuổi không ngừng ném đá lên xe ô tô của mình, ông bố Takayuki Tanooka để con ở khu rừng gần thị trấn, tỉnh Hokkaido...

Quá tức giận vì con trai bảy tuổi không ngừng ném đá lên xe ô tô của mình, ông bố Takayuki Tanooka để con ở khu rừng gần thị trấn, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) và bỏ đi cùng vợ với ý định hù dọa, trừng phạt con. Chạy được 800m, họ quay lại thì chẳng thấy con đâu. Từ cuối tuần đến nay, hơn 150 tình nguyện viên cùng chó đặc vụ lùng sục khắp khu rừng tìm cậu bé Yamato Tanooka nhưng chưa có thông tin khả quan nào.

Ngay lúc không tìm thấy con trai, ông Takayuki đã gọi báo cảnh sát nhưng không kể thật rằng chính mình bỏ con ở khu rừng mà lại nói con trai đi lạc trong lúc cả nhà leo núi. Hai giờ sau, ông mới thú thật sự tình trong tâm trạng rối bời. Khu vực cậu bé bị bỏ lại rất vắng vẻ, không có người dân sinh sống. Theo phân tích của nhân viên tình nguyện thì không thể tránh khỏi rủi ro cậu bé bị gấu tấn công.

Chỉ trong tháng Năm, hai người đàn ông ở phía Bắc Nhật Bản bị gấu tấn công tới chết. Riêng khu vực Hokkaido hiện có khoảng 3.000 con gấu giống Ussari sinh sống. Khi câu chuyện này được đăng tải trên truyền thông, nhiều người ái ngại với cách phạt con thiếu suy nghĩ của vị phụ huynh trên. Một số người đặt vấn đề, hành động bỏ con giữa rừng có phải là bạo hành không?

Có lẽ, trong cơn giận, ông Takayuki không thể nghĩ gì ngoài việc phải răn đe, buộc con… biết sợ. Giữa những luồng ý kiến chỉ trích người bố trên, độc giả Johan Alfredsson viết: “Tôi không nghĩ ông bố này muốn bạo hành con, chỉ vì ông ấy không lường trước hậu quả. Hàng ngày, tôi thường xuyên thấy những ông bố bà mẹ phạt con giữa chốn đông người rồi quay lưng bỏ mặc con tự xoay xở. Chẳng may, nếu có kẻ bắt cóc trẻ con ở đó, điều gì sẽ xảy ra? Không chỉ ông bố trên mà rất nhiều người trong chúng ta đã dạy con sai cách”.

Phat con thanh… hai con
Người bố quỳ sụp khóc lóc thảm thiết khi hay tin con gái Zhang Li đã tử vong - Ảnh: CHINA DAILY

Phần lớn bố mẹ phạt con là vì đứa trẻ có ứng xử, hành vi không đúng như mong đợi, khiến bố mẹ thất vọng. Trường hợp thương tâm xảy ra ở Trung Quốc tháng Tư vừa qua đến nay vẫn được nhắc đến như bài học về cách dạy con phản giáo dục. Bé gái Zhang Li (11 tuổi) lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn ở tỉnh Chiết Giang. Hàng ngày, bố em phải nai lưng làm thuê, dành dụm tiền cho em ăn học. Một tối nọ, người bố về nhà và phát hiện con đang chép bài của bạn, không tự làm bài tập về nhà, thế là ông nổi cơn giận, đánh mắng con tới tấp, trói con bằng dây thừng rồi treo lên cao. Quá tức giận, người bố bỏ đi, nửa giờ sau, ông quay về thì con gái đã bất tỉnh. Zhang Li qua đời trong lúc được cấp cứu ở bệnh viện. Lúc này, người bố quỳ sụp xuống đất, khóc lóc hối hận nhưng đã quá muộn.

Trừng phạt con bằng đòn roi, xúc phạm tinh thần của trẻ là một trong những đề tài các chuyên gia tâm lý rất quan tâm vì ảnh hưởng để lại không hề nhỏ. Học viện Nhi khoa Mỹ thực hiện khảo sát với 20.000 người ở độ tuổi 20 về những trải nghiệm đối với hình phạt đòn. Gần 10% số người được hỏi cho biết họ từng bị đánh, nhéo, tát tai và có khuynh hướng gặp các vấn đề về tâm lý, thần kinh nhiều hơn những người chưa từng bị bố mẹ đánh.

Họ cho biết rất dễ bị căng thẳng, rối loạn cảm xúc và hành vi. Đồng thời, họ thừa nhận mình cũng thường dùng bạo lực để đối phó những tình huống ngoài kiểm soát. Giáo sư tâm lý học George Holden thuộc Đại học Southern Methodist ở Dallas cho hay, bạo hành phụ huynh gây ra với một đứa trẻ không chỉ là đòn roi mà còn là lời nói, mắng nhiếc nặng nề. Nó ăn sâu vào tâm thức của đứa trẻ ấy, khiến trẻ bật ra lời nói, hành vi mang tính bạo lực mà chính người lớn cũng bất ngờ. Theo các nhà trị liệu tâm lý, những người từng bị bạo hành thời thơ ấu thường lặp lại chu kỳ bằng cách bản thân họ trở thành kẻ bạo hành người khác. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, khoảng 30% số trẻ bị bạo hành và bị bỏ mặc sau này sẽ bạo hành lại chính những đứa con của họ.

Một trong những sát thủ máu lạnh được nhắc đến nhiều là Edmund Kemper (SN 1948). Bố mẹ sớm chia tay khi Edmund mới chín tuổi. Edmund được giao cho mẹ nuôi và tỏ ra không thích điều này. Bà Clarnell, mẹ của Edmund nhốt hắn ta trong tầng hầm suốt thời gian dài. Chính sự bạo hành tinh thần là mầm mống thôi thúc Edmund suy nghĩ mình là cái gai trong mắt mẹ ruột. Ý nghĩ và khuynh hướng bạo lực cũng hình thành từ đây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI