Phải nói gì với con trẻ khi người thân ra đi?

13/05/2023 - 17:21

PNO - Mất đi người thân yêu là nỗi đau buồn ở mọi lứa tuổi và đặc biệt khó khăn với trẻ em. Phải nói gì với trẻ khi người thân yêu ra đi?

 

Sự ra đi của người thân là điều một đứa trẻ rất khó chấp nhận, cần phải có cách giải thích hợp lý và khéo léo (ảnh minh họa
Sự ra đi của người thân là điều một đứa trẻ rất khó chấp nhận, cần phải có cách giải thích hợp lý và khéo léo (ảnh minh họa)

Gần đến ngày Giỗ đầu của ba chồng. Vì sự ra đi quá nhanh chóng và bất ngờ nên đến giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác lo lắng và bối rối khi không biết phải nói với con trai 5 tuổi của mình như thế nào khi ông nội mất.

Thằng bé từ lúc mới đẻ đã có sự gắn kết lạ kỳ với ông nội. 2 ông cháu có thể dành cả ngày để chơi trò lính chì cùng nhau. 2 ông cháu cùng trồng một cây cà chua trên vườn thượng, ngày ngày cùng nhau chăm bẵm. Những môn học như Mỹ thuật, Công nghệ của thằng bé, ông nội rất hào hứng và chú tâm làm cùng. Tuần nào 2 ông cháu cũng chờ đón kỳ tiếp theo của báo Nhi Đồng - Rùa Vàng để đọc truyện tranh và làm các vật phẩm thủ công báo hướng dẫn. Thằng bé có hẳn một hộc tủ chỉ để cất những vật dụng đã làm với ông. 

Rồi, ông bất ngờ phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn 4. Cả nhà bàng hoàng vì ngay khoảng thời gian phát bệnh ông lại về quê ở mấy tháng. Gia đình chuẩn sẵn sàng tâm lý. 

Mất đi người thân yêu là nỗi đau buồn ở mọi lứa tuổi và đặc biệt khó khăn với trẻ em. Phải nói gì với con khi ông nội - người mà con trai rất yêu quý sắp ra đi? Tôi biết rằng mọi người trong gia đình tôi đều cần phải chuẩn bị trước sự mất mát này và người non nớt nhất chính là con trai của tôi.

Vào những ngày cuối cùng của ba chồng, tôi định sẵn trong đầu sẽ không nói với con trai kiểu mà người lớn ngày xưa hay nói với trẻ em vì sự ra đi của người thân như: “Ông nội đang ngủ”.

Tôi nghĩ câu nói này có thể gây bất lợi vì hai lý do: Thứ nhất, nó ngụ ý rằng người thân sẽ sớm thức dậy và sẽ ổn thôi, nhưng sự thực không phải như vậy. Thứ hai, ngủ là việc mà trẻ làm hàng đêm nên việc này có thể kích động nỗi sợ hãi rằng chúng cũng có thể rơi vào trạng thái bất động, ai gọi gì cũng không nghe khi đi ngủ.

Tôi cũng không nói với con trai rằng: “Con đừng buồn vì con cũng may mắn còn bà nội”. Câu nói này cũng không ổn vì 2 lý do: Một là không ai có thể thay thế những tình cảm, mối gắn kết thực sự giữa 2 con người; hai là khi bà nội cũng ra đi thì sẽ ra sao?

Mặc dù những người còn sống là rất quan trọng nhưng sẽ không thể xoa dịu nỗi đau mất người thân. Trẻ em, giống như người lớn, cần nỗi đau và sự đau buồn của chúng được nhìn nhận thay vì giảm bớt bằng cách bấu víu vào những điều khác.

Trước đây, tôi tình cờ xem một bộ phim nước ngoài, một cậu con trai 7 tuổi có bố qua đời vì một cơn đau tim, cậu bé được thông báo rằng “cậu sẽ là người đàn ông của ngôi nhà”. Cậu bé sau đó sống trong áp lực phải học hành và kiếm tiền nuôi mẹ và hai em gái. Cậu tâm sự rằng niềm vui và sự hạnh phúc của cậu đã bị chôn cùng thi hài của người cha xuống lòng đất. Một câu nói có thể khiến một đứa trẻ hiểu sai và gây tác động lớn. Vì vậy nên tôi cũng sẽ không nói: “Ông nội mất rồi, giờ con phải lớn nhanh để trở thành chàng trai mạnh mẽ và trưởng thành”. 

Nói rằng: “Ông con sẽ đi xa để nghỉ ngơi một thời gian” hoặc “ông đang ở một nơi tốt hơn” liệu có ổn?. Tôi nghĩ thằng bé cũng sẽ càng tổn thương hơn khi cho rằng ông đi nghỉ/đi chơi đâu đó mà lại không cho nó theo cùng. Cậu bé nhỏ cũng sẽ nghỉ rằng ông không còn yêu quý nó nữa nên mới chọn ra đi không quay trở lại.

Vào lúc ông mất, thằng bé đang ở trường học. Suốt quãng đường đón con từ trường về nhà tôi nghĩ mình sẽ khuyên bảo và giải thích thật nhiều nhưng khi đón con, tôi chỉ nói một câu đơn giản, thành thật: “Ông mất rồi con. Thật buồn đúng không. Mẹ ôm con nhé”.

Thằng bé lặng im. Tôi nói tiếp: “Giờ mình đi chào ông lần cuối”. Trong lúc ở nhà chuẩn bị đồ đạc để sang nhà ông bà nội. Tôi đã và con đã nói nhiều về ông: “Ông nội con là người tốt, thương con cháu. Ông rất thương con và hay chơi với con lắm phải không”. Thằng bé vừa khóc vừa chạy lại hộc đồ chơi mà 2 ông cháu từng làm: “Con sẽ mang những thứ này đến để chào ông nữa mẹ nhé”.

Những ngày cuối lo tang lễ cho ông nội là những ngày cảm xúc của thằng bé thay đổi nhiều cung bậc. Lúc bình tĩnh nói năng, lúc chơi đồ chơi, lúc buồn bã không nói gì, lúc lại khóc. Dù cảm xúc thay đổi liên tục, tôi hiểu rằng đó là hoàn toàn bình thường đối với một đứa trẻ vừa mất người thân yêu.

Mỗi khi con khóc, tôi và chồng đều ôm chặt, an ủi cháu. Chồng tôi lấy quyển album gia đình, có rất nhiều hình chụp của ông cháu. Chồng tôi nói: “Nếu còn buồn và nhớ ông thì cứ lấy hình ra để xem lại. Bất cứ lúc nào con muốn nhớ lại những kỷ niệm vui của con và ông thì con đầu có thể làm bất cứ khi nào con muốn”.   

Đến nay, ông ra đi đã gần một năm và thằng bé vẫn lớn lên trong những ký ức đẹp về ông. Tôi đã rất sợ con bị khủng khoảng tâm lý khi biết ông không còn, nhưng có lẽ những lời khuyên bảo, giải thích và cách mà vợ chồng tôi chọn để nói với thằng bé là đúng.

A. Nhiên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI