“Ôm” con

07/12/2013 - 08:10

PNO - PN - Nghe điện thoại của chị xong, tôi lại thấy câu chuyện của sáu năm nay cứ diễn biến theo vòng tròn, lặp đi lặp lại, chẳng có lối thoát. Chị vẫn là mẹ của một đứa trẻ vị thành niên, mà quên mất con gái mình năm nay đã 24...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ ngày Trân chân ướt chân ráo lên thành phố học đại học, là người quen duy nhất ở Sài Gòn, tôi được chị giao cho bao nhiêu là nhiệm vụ. Suốt mấy năm Trân học đại học, không ngày nào chị không gọi điện cho tôi hỏi thăm con gái, từ chuyện con đi học tiếng Anh ban đêm cho tới chuyện con tham gia hoạt động ngoài giờ. Cứ hai ba ngày, chị lại nhờ tôi qua nhà trọ của Trân “trông chừng”, để “xác nhận” giúp chị xem lịch học của con có đúng như vậy không. Lúc đầu tôi vui vẻ nhận lời, vì cũng muốn qua thăm chừng cháu, nhưng cứ hai ngày chị lại muốn “xác nhận” chuyện này chuyện kia, tôi đâm khó xử. Ngày Trân “tuyển” được một cô bạn về ở cùng để chia sẻ bớt tiền thuê phòng, chị quáng quàng gọi điện, nhờ tôi sang “xem mắt”, coi cô bạn đó có phải là người hiền lành không, có… nguy hiểm không.

Nhiều lần hai cô cháu trò chuyện với nhau, Trân thường thở dài về sự “siêu phàm” của mẹ, khi tất cả bạn bè của con, chị đều có lý lịch trích ngang và số điện thoại liên lạc.

“Om” con

Chuyện Trân đùng đùng đòi bỏ bốn năm đại học sắp hoàn thành để chuyển trường, đối với chị như một cú trời giáng. Chị thất vọng, hụt hẫng. Rồi chuyện cũng qua khi Trân thi đậu vào ngành học yêu thích. Riêng chị, từ cú sốc này, chị rút kinh nghiệm quản lý con chặt hơn. Những hôm biết tôi rảnh rỗi, chị lại nhờ tôi lên trường, xem có thật là con bé đi học không. Tôi viện lý do này nọ để thoái thác, chị lại “gửi gắm”: “Em nhớ thỉnh thoảng qua nói chuyện với con bé cho vui”. Mỗi lần biết cô cháu tôi gặp nhau, thì y như rằng chị sẽ gọi điện “khai thác” cho bằng được, là “nó có nói gì không, có gì mới không?”. Biết con có Facebook, chị cũng tập tành mở tài khoản Facebook, kết bạn với tất cả bạn bè của con. Nếu vài ngày không thấy con xuất hiện trên “phây”, chị lục tung tất cả các mối quan hệ của con lên để tìm nguyên nhân. Riết rồi cô bạn cùng phòng của Trân cũng bỏ đi chỗ khác, vì không chịu nổi khi cứ phải trở thành “tình báo” bất đắc dĩ của chị. Bạn bè hoặc tránh gặp Trân, hoặc Trân tránh gặp để đỡ phiền toái.

Biết chị đã sai lầm và thất bại trong việc gần con, tôi tìm cách giải thích, can ngăn thì chị lại thở dài: “Hở ra một chút, lỡ nó có chuyện gì thì mình ân hận cả đời em ơi!”. Không “để hở ra chút nào”, vậy mà lần này chị lại gọi điện than thân trách phận, vì con gái không hiểu lòng chị, “cứ muốn đi xa khỏi vòng tay chị”. Chị than “buồn muốn khóc lên được”, vì biết chắc con gái đang yêu mà… chẳng làm gì được, khi nó chẳng mảy may tâm sự gì.

Khi bị “kèm” quá chặt, con cái sẽ có xu hướng “tự vệ” bằng cách che giấu, hoặc cố tình nổi loạn để tỏ thái độ với cha mẹ. Cha mẹ cần làm quen và học cách chấp nhận những “ẩn số” ở con mình, thay vì cứ loay hoay tìm cách “giải mã” chúng. Ngay cả trong mối quan hệ mẹ con, sự chia sẻ cũng xuất phát từ hai phía, nếu một bên đã “tắt” tín hiệu, thì mọi “dò tìm” đều không mang lại kết quả gì. Trong khi, càng được tin tưởng và ủng hộ, người ta sẽ càng muốn mở lòng, để nương tựa, sẻ chia.

 MINH TRÂM

Từ khóa Ôm con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI