Kê đơn thuốc điều trị 90 ngày: Thuận lợi cho bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện

09/07/2025 - 06:00

PNO - Việc tăng thời gian kê đơn thuốc bảo hiểm y tế từ 30 ngày lên 90 ngày đang được nhiều bệnh nhân ủng hộ vì giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, giảm tải cho cơ sở y tế. Dù vậy, vẫn có những lưu ý quan trọng về việc theo dõi sức khỏe, tái khám định kỳ, tránh việc người bệnh chủ quan dùng sai thuốc, tái phát bệnh hoặc biến chứng.

Người mắc bệnh mạn tính nhẹ nhõm

Chờ tái khám, lấy thuốc điều trị cao huyết áp, đái tháo đường type 3, bà P.T.N. (62 tuổi, ở TPHCM) cho biết định kỳ mỗi tháng một lần, bà phải vào bệnh viện khám và nhận thuốc uống. Tuy nhà gần Bệnh viện Gò Vấp nhưng để khám bệnh, bà phải dậy từ rất sớm vì ngại chờ đợi. Từ lúc nghe bác sĩ nói có thể lấy thuốc 3 tháng/lần, bà N. thở phào nhẹ nhõm.

Việc tăng thời gian kê đơn thuốc giúp Bệnh viện Ung Bướu TPHCM giảm tải, tăng chất lượng điều trị - ẢNH: PHẠM AN (chụp khu vực đăng ký khám bệnh của bệnh viện)
Việc tăng thời gian kê đơn thuốc giúp Bệnh viện Ung Bướu TPHCM giảm tải, tăng chất lượng điều trị - Ảnh: Phạm An (chụp khu vực đăng ký khám bệnh của bệnh viện)

“Thuốc huyết áp, tiểu đường tháng nào cũng giống nhau, ít khi đổi thuốc. Nhiều khi tôi muốn mua ở tiệm thuốc cho nhanh nhưng con cái không chịu. Tôi đi lại khó khăn nên mỗi lần đi khám bệnh là một lần phiền cháu nội chở đi. Ngồi đợi từ gần 6 giờ sáng, cháu cũng mất một buổi làm. Nếu một lần khám mà được thuốc vài tháng thì rất mừng” - bà N. nói.

Mắc ung thư phổi giai đoạn 2, anh T.V.H.K. (45 tuổi, ở Đắk Lắk) phải nhập viện phẫu thuật khối u và theo dõi điều trị từ năm 2022. Cuối năm 2023, anh phải chuyển sang xạ trị. Qua hơn 10 lần xạ trị, anh được hướng dẫn khám ngoại trú, theo dõi tái khám hằng tháng. Nhà xa, mỗi lần đi khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, anh K. phải di chuyển hơn 6 tiếng đồng hồ. Nếu kịp đến bệnh viện vào sáng sớm, anh kịp khám, lấy thuốc về nhà. Hôm nào trễ xe, anh phải tìm thuê phòng trọ ở lại thêm một ngày.

Anh K. chia sẻ: “Mỗi lần đi, về mất ít nhất 2 ngày, đến nơi lại phải hối hả khám bệnh, làm xét nghiệm, đợi lấy thuốc càng mệt hơn. Vậy mà quay qua quay lại thì đã đến lịch tái khám, nhiều khi tôi muốn bỏ ngang điều trị. Bây giờ, nghe được lấy thuốc uống 3 tháng, tôi nhẹ người hẳn, không phải xin nghỉ làm mỗi tháng, lại còn tiết kiệm được 2 đợt vé xe, cơm nước, nhà trọ…”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp (TPHCM) - cho biết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân ngoại trú đến khám. Trong đó, đa số mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Hiện, bệnh viện đang áp dụng quy định đơn thuốc điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày. Từ khi triển khai, bệnh viện đã giảm được tình trạng bệnh nhân đông, chen chúc tại khu khám bệnh, lấy thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Nhân viên y tế cũng có thêm thời gian điều trị cho các trường hợp bệnh phức tạp hoặc mới phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân là người cao tuổi, ở xa rất vui mừng vì tiết kiệm được thời gian, chi phí đi tái khám hằng tháng.

Tuy nhiên, hiện tại bệnh viện chỉ áp dụng đơn thuốc 90 ngày với người mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định, chỉ cần tái khám, lấy thuốc duy trì. Còn với các trường hợp bệnh tim mạch, đái tháo đường giai đoạn đầu, mỡ máu cao… mới được phát hiện, sức khỏe chưa đảm bảo, các chỉ số xét nghiệm chưa ổn định, cần theo dõi hằng tháng. Qua đó có thể điều chỉnh liều lượng thuốc, kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh phác đồ kịp thời, thời gian tái khám phải theo chỉ định của bác sĩ.

Phù hợp với xu thế quản lý y tế hiện đại

252 loại bệnh mạn tính được kê đơn thuốc 90 ngày

Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành cuối tháng Sáu, có hiệu lực từ ngày 1/7, cho phép bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày đối với 252 loại bệnh mạn tính cho người có thẻ BHYT như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer và sa sút trí tuệ… cũng nằm trong danh sách được áp dụng.

Theo bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, việc áp dụng quy định đơn thuốc 90 ngày tiện lợi nhưng phải linh hoạt. Đặc biệt với bệnh nhân vừa được phát hiện bệnh, bệnh nhân có cholesterol chưa ổn định, cần xét nghiệm lại và điều chỉnh thuốc, đánh giá lâm sàng, biến chứng… không thể kéo dài lịch tái khám bởi khả năng bệnh tiến triển phức tạp vẫn có thể xảy ra.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Hồng Minh Phước - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho hay, kéo dài thời gian kê đơn thuốc của bệnh nhân từ 30 ngày lên 90 ngày là chủ trương, chính sách rất phù hợp với xu thế quản lý y tế hiện đại, cũng như nhu cầu thực tiễn của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang thúc đẩy chuyển đổi số và y tế thông minh. Chính sách này nếu được triển khai có kiểm soát, có phân loại, có công nghệ hỗ trợ và có sự phối hợp liên ngành, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân, đội ngũ y tế và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

“Cải cách này thể hiện sự nhân văn, lấy người bệnh làm trung tâm, nhất là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa đang điều trị duy trì bệnh mạn tính, ung thư giai đoạn ổn định. Người bệnh vừa giảm được chi phí đi lại, ăn ở, cũng như thời gian chờ đợi mỗi khi uống hết đơn thuốc hoặc tái khám” - bác sĩ Võ Hồng Minh Phước nói.

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là bệnh viện đặc thù, tuyến cuối, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ khoảng 4.800 đến 5.000 lượt khám ngoại trú. Số lượng ca bệnh đang có xu hướng gia tăng nên nguy cơ quá tải cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, mà còn tác động đến tinh thần và hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên y tế.

Việc giảm tần suất tái khám đối với bệnh nhân đã vào giai đoạn ổn định, tái khám định kỳ để nhận thuốc điều trị duy trì giúp cơ sở y tế tái phân bổ nguồn lực, tập trung cho những ca bệnh phức tạp hơn. Từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tải cho hệ thống y tế tuyến cuối, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Theo bác sĩ Võ Hồng Minh Phước, trường hợp áp dụng đơn thuốc 90 ngày cho bệnh nhân cần đi kèm với cơ chế giám sát, phân loại bệnh nhân rõ ràng nhằm tránh xảy ra nguy cơ người bệnh dùng thuốc không đúng liều, không đúng thời điểm, sử dụng thuốc sai mục đích hoặc quên tái khám, theo dõi định kỳ. Đặc biệt đối với một số bệnh nhân dù sinh hiệu ổn định trên lý thuyết nhưng vẫn cần theo dõi sát. Việc kéo dài đơn thuốc mà không có giám sát chặt chẽ có thể làm chậm phát hiện biến chứng, hoặc bỏ sót triệu chứng tái phát, di căn, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

Vì vậy, để đảm bảo việc kê đơn 90 ngày được triển khai an toàn, hiệu quả, có kiểm soát bệnh, bác sĩ Võ Hồng Minh Phước đề xuất các đơn vị quản lý nên ban hành hướng dẫn các tiêu chí, tình trạng bệnh cụ thể đối với những người bệnh được kê đơn. Ví dụ như các tiêu chí đánh giá sự ổn định về lâm sàng, cận lâm sàng, và không có dấu hiệu tiến triển của người bệnh.

Bên cạnh đó, người thầy thuốc cần có những hướng dẫn theo dõi người bệnh từ xa bằng cách kết hợp telemedicine hoặc gọi nhắc lịch tái khám, kiểm tra cận lâm sàng giữa kỳ. Thiết lập các kênh tư vấn trực tuyến, y tế địa phương hỗ trợ xử lý các biến cố khi dùng thuốc tại nhà.

Cần đẩy mạnh liên thông dữ liệu

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, công tác số hóa y tế cần đẩy mạnh liên thông dữ liệu kê đơn lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, hệ thống thông tin giám định BHYT, để theo dõi số lượng, thời hạn dùng và đảm bảo bệnh nhân không nhận trùng thuốc ở các cơ sở khác. Điều này rất quan trọng trong kiểm soát kê đơn, tránh tình trạng người bệnh nhận thuốc nhiều nơi, sử dụng thuốc không đúng…

Khi kéo dài thời gian kê đơn thuốc, bác sĩ phải được tập huấn, hiểu và nắm bắt rõ ràng, rành mạch về tiêu chí kê đơn dài ngày. Người bệnh cần được hướng dẫn cách dùng, bảo quản thuốc đúng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên được chỉ rõ triệu chứng nghi ngờ bị tác dụng phụ và có số điện thoại để liên lạc với cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường trong thời gian điều trị tại nhà.

Phạm An - Thanh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI