Truyện Kiều - hành trình 150 năm của áng văn chương bất hủ

09/07/2025 - 06:40

PNO - Triển lãm và tọa đàm chuyên đề 150 năm hành trình Truyện Kiều Quốc ngữ cho bạn đọc/người yêu văn chương được dịp nhìn lại những ấn bản sách quý cũng như giá trị của một áng thơ kinh điển, một di sản văn chương của văn học Việt Nam.

“Trăm năm trong cõi người ta…”

Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của đại thi hào Nguyễn Du đã có bản chữ Nôm từ năm 1872, năm Tự Đức thứ 25. Riêng bản chữ Quốc ngữ Kim Vân Kiều truyện xuất hiện từ năm 1875 do học giả Trương Vĩnh Ký phiên âm, được in ở Sài Gòn. Các bản Quốc ngữ khác còn có: Đoạn trường tân thanh (Kiều Oánh Mậu chú thích, in ở Hà Nội năm 1902), Kim Vân Kiều tân tập (nhóm Thời Hiền Thi khắc in, 1906), Kim Vân Kiều tân truyện (Phúc Văn đường tàng bản, 1918), Kim Vân Kiều (Quan Văn đường tàng bản, 1923)…

Các ấn bản sách quý được trưng bày tại tọa đàm 150 năm hành trình Truyện Kiều Quốc ngữ
Các ấn bản sách quý được trưng bày tại tọa đàm 150 năm hành trình Truyện Kiều Quốc ngữ

Nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm đã có trong tay bản chữ Quốc ngữ đầu tiên của Truyện Kiều (1875) và nhiều ấn bản chữ Quốc ngữ quý giá khác. “Có lần tôi đã đấu giá với số tiền thật cao để mua cuốn Kim Vân Kiều do học giả Nguyễn Văn Vĩnh chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ (1923). Thời điểm đó, chữ Quốc ngữ vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi nhưng người dân đã mê Truyện Kiều đến mức sách đã in đến lần thứ tư” - nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm chia sẻ. Đầu thế kỷ XX, Truyện Kiều không chỉ được phiên âm Quốc ngữ mà còn được dịch ra tiếng Pháp và đăng tin rao mời mua sách trên báo chí lúc bấy giờ.

Triển lãm 150 năm hành trình Truyện Kiều Quốc ngữ đã cho công chúng thưởng lãm các ấn bản: Truyện Thúy Kiều (Trần Trọng Kim), Truyện Kiều (Nguyễn Can Mộng), Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (Đào Duy Anh), Thúy Kiều truyện tường chú (Lê Mạnh Liêu), Vương Thúy Kiều (Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu), Truyện Kiều dẫn giải (Hồ Đắc Đàm)… Bên cạnh các bản sách xưa quý hiếm cuối thế kỷ XIX, triển lãm cũng trưng bày nhiều ấn bản đương đại: Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, 1974), Truyện Kiều (1976), Truyện Kiều (1995)…

Không cần đợi đến “ba trăm năm lẻ nữa”, người đời đã luôn nhớ và lưu giữ trân trọng các tác phẩm cũng như tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du. Suốt 150 năm qua, Truyện Kiều chữ Quốc ngữ không chỉ được tái bản, in mới mà còn có thêm nhiều đầu sách từ điển, nghiên cứu về tác phẩm. Những ấn bản được trưng bày tại triển lãm lần này không chỉ cho người đọc cùng nhìn lại hành trình một thế kỷ rưỡi của Truyện Kiều mà qua từng bản sách/nét chữ/kỹ thuật in còn cho thấy mối quan hệ giữa văn hóa, văn học và ngôn ngữ Việt.

Vẻ đẹp bắt đầu từ ngôn ngữ

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học chữ Nôm đầu tiên được chuyển Quốc ngữ (1875). Tác phẩm đã xuất hiện ở thời điểm chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa phổ biến ở miền Nam và miền Bắc chưa có báo chí Quốc ngữ. Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng, ngay cả khi chưa biết chữ, người dân vẫn có thể biết đến Truyện Kiều qua truyền khẩu.

Một phụ bản tranh trong ấn phẩm Kim Vân Kiều
Một phụ bản tranh trong ấn phẩm Kim Vân Kiều

“Bà nội tôi là một phụ nữ nghèo khó, sống ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh miền Tây Nam Bộ. Dù chưa bao giờ có cơ hội đến trường học chữ Quốc ngữ, càng không biết chữ Nho, chữ Hán nhưng bà đã thuộc làu hơn 3 ngàn câu thơ Truyện Kiều cũng như Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm khúc…, chỉ hoàn toàn bằng truyền khẩu. Và chính bà nội là người đầu tiên dạy cho tôi hiểu Truyện Kiều” - tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ. Về sau, bà trở thành nhà nghiên cứu và là người thường xuyên đi diễn giải, trò chuyện với bạn trẻ về tác phẩm kinh điển này. Bà từng có không ít lần gặp gỡ những người nước ngoài say mê Truyện Kiều và cũng nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ Việt Nam chưa hiểu hoặc chưa đọc hết tác phẩm.

“Tôi chỉ muốn nói rằng là người Việt Nam, nếu không biết đến Truyện Kiều quả là điều rất đáng tiếc. Đọc Truyện Kiều để hiểu và yêu hơn tiếng Việt. Bạn trẻ đọc tác phẩm trước hết hãy để ý điều này: Truyện Kiều sử dụng rất nhiều từ ngữ cho phép chúng ta hiểu tiếng Việt đầu thế kỷ XIX như thế nào. Ví dụ như từ “thương” đã được cụ Nguyễn Du sử dụng rất nhiều trong tác phẩm. Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Của - Huỳnh Tịnh Của, “thương” cũng có nghĩa là “yêu”. Tưởng rằng chỉ người miền Nam mới hay dùng từ ấy nhưng đọc Truyện Kiều, tôi hiểu rằng cả nước thời điểm đó đều dùng từ “thương” với nghĩa là yêu” - tiến sĩ Bùi Trân Phượng nói.

Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh đã thu thập những từ, thành ngữ, tổ hợp từ được Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm để diễn giải. Có thể nói Truyện Kiều vừa là áng văn chương kinh điển vừa là tác phẩm lưu dấu ấn đổi thay của lịch sử ngôn từ và vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt. Truyện Kiều đến nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, trở thành di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sau hơn 100 năm, hậu thế vẫn còn ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh - Chủ bút Nam Phong tạp chí - vào năm 1924: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI