Đông Nam Á và nguy cơ lớn về sức khỏe từ hạt vi nhựa

09/07/2025 - 07:19

PNO - Là một trong những khu vực ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, Đông Nam Á đang đứng trước sự đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng do hạt vi nhựa có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường…

Vi nhựa len lỏi vào bữa ăn hằng ngày

Cá măng sữa là món ăn chính của người Indonesia. Một nghiên cứu năm 2024 phát hiện trong mang và ruột của gần 94% mẫu cá từ vịnh Jakarta chứa nhiều những mảnh nhựa độc hại với kích thước mỗi mảnh chưa đến 5mm.

Widodo Setiyo Pranowo - nhà nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia - cảnh báo: “Nếu cá hấp thụ vi nhựa và sau đó con người tiêu thụ cá, vi nhựa sẽ tích tụ trong cơ thể con người”.

Vi nhựa hình thành khi rác thải nhựa phân hủy thành các hạt gần như vô hình thông qua quá trình bào mòn và phân hủy tự nhiên.

Một nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) năm 2024 cho thấy, người dân Indonesia tiêu thụ nhiều vi nhựa hơn bất kỳ nơi nào khác: 15g/tháng/người, tương đương với việc nuốt 3 chiếc thẻ tín dụng. Malaysia đứng thứ hai với 12g/tháng/người, Philippines là 11g/tháng/người.

Đông Nam Á có thể xem là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có đến 6 quốc gia nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều chất ô nhiễm nhựa nhất vào đại dương.

Hạt vi nhựa đang tích tụ và “có mặt” trong nhiều bộ phận cơ thể chúng ta - Nguồn ảnh: Getty
Hạt vi nhựa đang tích tụ và “có mặt” trong nhiều bộ phận cơ thể chúng ta - Nguồn ảnh: Getty

Những mảnh nhựa cực nhỏ đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách của môi trường, từ đất liền, đại dương cho đến bầu không khí.

Hầu hết các hạt này có nguồn gốc từ sản phẩm tiêu dùng thông thường, bao gồm chai đựng đồ uống làm từ polyethylene terephthalate (PET) và túi nhựa.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, khoảng 80% rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Một trong những tác nhân lớn nhất là bao bì nhựa dùng 1 lần, không được tái chế.

Năm 2020, tổ chức Greenpeace ghi nhận 855 tỉ bao nhựa đã được bán trên toàn thế giới, trong đó riêng Đông Nam Á chiếm một nửa.

Với Clarizza Bacungan - 35 tuổi, sống tại khu ổ chuột Happyland ở Manila (Philippines) - việc thu gom rác thải nhựa để bán kiếm sống luôn là công việc mạo hiểm. Cô bộc bạch: “Truyền hình cảnh báo nguy hiểm khi trẻ em chơi với nhựa hoặc nếu nhựa bị trộn lẫn vào thức ăn. Điều này khiến tôi lo lắng”.

Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được tác động của vi nhựa đối với sức khỏe. Báo cáo gần đây trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ phát hiện nồng độ vi nhựa rất cao trong nước biển có liên quan đến việc tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường và bệnh động mạch ở người dân quanh khu vực cao hơn các khu vực có nồng độ vi nhựa thấp từ 5 - 6%, tỉ lệ đột quỵ tăng khoảng 4%.

Một nghiên cứu năm 2024 phát hiện dấu vết của vi nhựa trong mảng bám động mạch ở một nửa số bệnh nhân mắc bệnh tim. Những cá nhân này có khả năng đau tim hoặc đột quỵ cao hơn gần 5 lần so với những bệnh nhân không bị ô nhiễm nhựa trong động mạch.

Hạn chế thói quen sử dụng nhựa

Từ ngày 1/1/2025, Thái Lan ngừng nhập khẩu rác thải nhựa nhằm hạn chế ô nhiễm độc hại trong nước.

Giai đoạn 2018-2021, nước này nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn phế liệu nhựa. Những mặt hàng nhập khẩu này thường được xử lý kém, với nhiều nhà máy đốt rác thải thay vì tái chế.

Tại Indonesia, lệnh cấm nhập khẩu tất cả rác thải nhựa đã được đưa ra và có hiệu lực từ năm 2025. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á thắt chặt các quy định về buôn bán rác thải nhựa.

Chính phủ Indonesia cho biết, lệnh cấm nhằm ngăn chặn khoảng 260.000 tấn nhựa tràn vào quốc gia mỗi năm, giúp các đơn vị tái chế địa phương có điều kiện tập trung xử lý rác thải nhựa trong nước.

Đầu tháng 7/2025, Chính phủ Malaysia tuyên bố ngừng mọi hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa có nguồn gốc từ Mỹ. Năm 2024, Mỹ đã xuất khẩu 35.000 tấn phế liệu nhựa sang quốc gia này.

Ngày càng nhiều thành phố của Philippines áp dụng chương trình “Đổi rác lấy tiền mặt”. Theo đó, cư dân có thể dùng nhựa tái chế để đổi lấy thực phẩm và nhu yếu phẩm. Được triển khai vào năm 2021, chương trình nhằm mục đích giảm dần lượng nhựa dùng 1 lần và đã nhận về hơn 300.000kg rác thải nhựa tính đến năm 2024.

Indonesia cũng đang mở rộng mô hình tái chế. Rác thải nhựa sẽ được phân loại tại các điểm thu gom địa phương, sau đó được tái chế. Nhưng tái chế vẫn chưa phải là giải pháp hoàn hảo.

Một báo cáo vào tháng 6/2025 của nhóm nhà khoa học Thụy Điển và Đức cho thấy nhựa polyethylene tái chế có thể làm rò rỉ hơn 80 loại hóa chất khác nhau vào nước.

Giáo sư Bethanie Carney Almroth - thành viên nhóm tác giả - cho biết: “Chúng ta không thể sản xuất và sử dụng nhựa tái chế một cách an toàn nếu không thể theo dõi các hóa chất trong suốt quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ”.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, các quốc gia đang tập trung xem xét lại cách sản xuất và tiêu thụ nhựa ngay từ đầu.

Indonesia đã cam kết loại bỏ dần nhựa dùng 1 lần cho đến khi cấm hoàn toàn vào năm 2029. Những thay đổi về hành vi cũng đang dần đi vào cuộc sống.

Sau khi TP Jakarta cấm túi nhựa dùng 1 lần tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và chợ vào năm 2020, lượng túi nhựa sử dụng hằng năm ở cấp hộ gia đình đã giảm 42% chỉ sau 1 năm.

Ngày càng nhiều quốc gia cũng đang xem xét luật trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm cả chất thải sau khi tiêu dùng.

Phó giáo sư Deo Florence L Onda (Viện Khoa học hàng hải, Đại học Philippines Diliman) kết luận: “Nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa về mặt kinh tế xã hội thì sẽ rất khó giải quyết vấn đề về môi trường”.

Ngọc Hạ (theo CNA, The Diplomat, Science Daily, Resource-recycling, Al Jazeera, ABC News)

Hạt vi nhựa và những tác động chưa được biết với sức khỏe

Thế giới đang bị ô nhiễm bởi nhựa - những vật liệu có chứa hơn 10.000 loại hóa chất, bao gồm chất gây ung thư và chất gây rối loạn nội tiết. Nhựa có ở khắp mọi nơi, xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Dưới dạng các hạt nhỏ, những hợp chất này đã được xác định trong gan, thận, ruột, não, máu, bào thai, cuống rốn thai nhi và cả buồng trứng (phụ nữ), tinh hoàn (nam giới). Chúng được cho là có hại, nhưng cộng đồng khoa học vẫn chưa biết tác động thực sự của chúng đối với sức khỏe khi tồn tại trong cơ thể. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy chúng gây tổn hại đến DNA của tế bào. Hạt vi nhựa được nghi ngờ có thể gây ra nhiều bệnh tật, từ viêm nhiễm đến bệnh tim mạch.

Tai họa nhựa trên hành tinh được làm rõ qua số liệu thống kê: có 6 tỉ tấn rác thải nhựa nằm rải rác trên toàn cầu. Và con số này đang tăng lên. Năm 2019 có 353 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Những mảnh vụn này không chỉ nằm trong bãi rác mà chúng có mặt khắp nơi, trong đại dương, không khí và nguồn cung cấp thực phẩm...

Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu những tác động của thực tế đó đối với sức khỏe nhưng không dễ. Vài tháng trước, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Medicine đã cảnh báo rằng nồng độ vi nhựa tìm thấy trong mô người cao hơn từ 7-30 lần trong các mẫu não, gan hoặc thận. Não của những người mắc chứng mất trí nhớ có nhiều vi nhựa hơn não của những người khỏe mạnh. “Chúng ta biết vi nhựa xâm nhập vào cơ thể người nhưng không biết chúng gây ra tác động gì và ở liều lượng thế nào. Trong mọi trường hợp, việc có những mảnh nhựa trong não của chúng ta là không bình thường. Theo nguyên tắc phòng ngừa, chúng ta không nên để tình trạng trở nên tồi tệ hơn” - bà Emma Calikanzaros - nhà dịch tễ học môi trường, Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona (ISGlobal) - kết luận.

Theo giáo sư Alba Hernández (Khoa Di truyền học và vi sinh vật học, Đại học Tự trị Barcelona, UAB) - tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người sẽ ngày càng gia tăng. “Chúng tôi thấy rằng vi nhựa và nano nhựa có khả năng gây tổn hại đến DNA của tế bào. Và khi các tế bào tiếp xúc trong thời gian dài, chúng bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu chuyển đổi tế bào ung thư” - giáo sư Hernández giải thích đồng thời lưu ý tất cả những điều này có thể dẫn đến các vấn đề về miễn dịch, đường tiêu hóa, khả năng sinh sản, sức khỏe thai nhi hoặc liên quan đến ung thư.

Lệ Chi (theo El País, Nature Medicine)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI