“Cô cần làm gì ạ? Mình có từng trực tuyến chưa?"
Sáng đầu tuần, tại Trung tâm Hành chính công phường Phú Nhuận, nhiều người đang xếp hàng chờ làm giấy tờ. Cùng với đó, những bạn trẻ mặc áo xanh tình nguyện cũng có mặt để hỗ trợ người dân.
Ở lối vào, một vài bạn trẻ đang dìu các cụ lớn tuổi trên những bậc thềm, một số bạn khác hướng dẫn người dân lấy số thứ tự. Ở khu vực máy tính, vài bạn đang kiên trì giải thích từng thao tác tra cứu thông tin điện tử, nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người dân chăm chú lắng nghe rồi gật đầu.
 |
Lễ ra quân các đội hình thanh niên tình nguyện đồng hành cùng địa phương hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp sáng 7/7 |
Bà Lý Thị Thanh Nhã (65 tuổi) bước vào, nhìn quanh và có phần bối rối. “Cô cần làm gì ạ? Mình có từng dùng điện thoại, máy tính để làm trực tuyến chưa?” - một bạn trẻ hỏi. Bà Nhã gật đầu rồi hỏi lại: “Tôi đến từ khu phố 3, muốn kiểm tra lại thông tin VNeID. Ông xã đã tạm trú lâu rồi mà không thấy hiển thị trên hệ thống. Còn con tôi bị bệnh tự kỷ, không thể đến phường làm được. Giờ muốn đăng ký VNeID cho cháu thì phải làm sao? Có thể làm tại nhà được không? Có mất phí không? Thanh toán các dịch vụ trực tuyến, lệ phí hành chính như thế nào?”. Bà được bạn Nguyễn Ngọc Như Nguyệt - Bí thư Chi đoàn khu phố 14 - hướng dẫn tra cứu thông tin, đăng ký hồ sơ trực tuyến ngay tại quầy máy tính. Những thao tác tưởng chừng phức tạp lại trở nên dễ dàng nhờ sự nhanh nhạy và nhiệt tình của các bạn trẻ.
Như Nguyệt cho biết, nhiều cô chú lớn tuổi không rành công nghệ, chưa từng sử dụng điện thoại thông minh, không biết cách đăng ký dịch vụ công. Vì vậy, các bạn được phường tập huấn kỹ càng để hỗ trợ mọi người từng bước, từ việc tạo tài khoản, nhập thông tin, đến cách tra cứu kết quả, nhận hồ sơ qua điện thoại…
Ngoài có mặt tại phường, các bạn tình nguyện viên còn lập đội hình “đến tận nơi, hỗ trợ tại nhà” cho người già neo đơn, người khuyết tật hoặc những gia đình không thể tự đến trung tâm hành chính công của phường. “Tiếp xúc với người dân, mình nắm rõ hơn những khó khăn cụ thể mà họ đang gặp phải, giải quyết giúp họ những việc trong khả năng. Còn những khó khăn lớn hơn, tụi mình sẽ tổng hợp rồi phản ánh với cán bộ phường để có hướng giải quyết phù hợp. Mỗi ngày được góp một chút công sức, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chuyển đổi số, lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng, mình cảm thấy rất vui” - Như Nguyệt nói.
Tại một góc khác, một bạn trẻ đang hướng dẫn bà Hồ Ngọc Mỹ (80 tuổi) hoàn thành thủ tục xin trích lục giấy khai sinh cho con gái đang sống ở nước ngoài, đồng thời giới thiệu và hướng dẫn bà cài đặt ứng dụng VNeID. Bà Mỹ cho biết: “Tôi không biết khu vực làm hồ sơ đã thay đổi sau sáp nhập, đi lòng vòng mãi mới tới được đây. May có các cháu tiếp đón ở cửa, hỏi han, hướng dẫn… tôi mới có thể hoàn thành”.
Tại phường Diên Hồng, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Trang - sinh viên năm hai, Học viện Hành chính và Quản trị công tại TPHCM - nổi bật với dáng vẻ năng động và tác phong chuyên nghiệp. Là chiến sĩ tình nguyện của đội hình chuyên, Quỳnh Trang cùng các bạn trẻ hỗ trợ để các công chức của phường phục vụ người dân được hiệu quả và gần gũi.
Đội hình tình nguyện mà Trang tham gia tại phường Diên Hồng gồm 15 bạn trẻ, chia ca túc trực theo sự điều phối của lãnh đạo trung tâm phục vụ hành chính công của phường. Tại đây, các bạn hỗ trợ phường tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký đất đai, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng thực bản sao, nhập liệu hồ sơ, thanh toán trực tuyến, hướng dẫn đăng ký tạm trú, tạm vắng, cấp giấy khai sinh, khai tử, hỗ trợ người lớn tuổi, người khó khăn trong di chuyển tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính.
Quỳnh Trang cho biết, những thao tác công nghệ số tưởng chừng đơn giản với giới trẻ lại là rào cản lớn đối với người lớn tuổi. Việc tiếp cận và sử dụng công nghệ là xu thế tất yếu, nhưng nếu không có người hướng dẫn tận tình, người dân sẽ e ngại. Bạn tin việc kiên trì hỗ trợ và đồng hành của các bạn tình nguyện viên sẽ từng bước thay đổi thói quen, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công một cách dễ dàng và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tương tự, tại phường Tân Hòa, đội hình thanh niên tình nguyện đã trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Bạn Phan Thị Hồng Huỳnh - cán bộ phụ trách Đoàn Thanh niên phường - cho biết, đội hình gồm 22 bạn trẻ là đoàn viên, sinh viên, thanh niên đang sinh sống và học tập tại địa phương. Để đảm bảo hiệu quả hỗ trợ, mỗi ngày các bạn phân công nhau trực tại bộ phận một cửa, làm việc từ thứ Hai đến sáng thứ Bảy. Trước đó, tất cả tình nguyện viên đều đã được tập huấn kiến thức nền tảng về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng cổng dịch vụ công và nghiệp vụ hỗ trợ người dân.
“Lợi thế lớn nhất của các bạn trẻ là khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ số. Các bạn không ngần ngại tìm hiểu, thử nghiệm và nắm bắt nhanh các thủ tục trực tuyến, nên dễ dàng hướng dẫn lại cho người dân. Dù mỗi bạn đảm nhiệm một khâu khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tinh thần hỗ trợ người dân tận tình, chính xác, kịp thời” - Hồng Huỳnh nhấn mạnh.
Cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở
Theo bạn Trương Nguyệt An - đoàn viên phường Phú Nhuận - tại đô thị hơn 10 triệu dân như TPHCM, khối lượng công việc hành chính hằng ngày rất lớn, đòi hỏi bộ máy phải ngày càng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại. “Thanh niên tụi em không chỉ là lực lượng hậu thuẫn mà còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác” - Nguyệt An bày tỏ. Theo Nguyệt An, các bạn trẻ luôn sẵn sàng học hỏi, tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp.
 |
Các bạn tình nguyện viên hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công phường Phú Nhuận |
Bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận - thông tin, phường nằm ở địa bàn trung tâm của TPHCM. Thời gian qua, phường đã chú trọng đầu tư cho công tác chuyển đổi số và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện toàn phường có hơn 68.000 dân, chia 61 khu phố. Trung bình mỗi ngày, phường tiếp nhận 250-300 lượt người đến thực hiện các thủ tục hành chính. “Chúng tôi xác định xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại và số hóa là hướng đi tất yếu và cùng với đó là hình thành đội ngũ “công dân số”, giúp người dân chủ động, thành thạo trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính số một cách dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm” - bà Nguyễn Thị Như Ý nói.
Ông Lê Tuấn Anh - Phó bí thư Thành đoàn TPHCM - khẳng định, việc ra quân các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền 2 cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường, đặc khu trên địa bàn thành phố là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh cả nước bước vào những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền 2 cấp.
Theo ông Lê Tuấn Anh, thời gian qua, Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên thành phố đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện. Từ 1/6 đến nay, TPHCM đã thành lập hơn 500 đội hình tình nguyện như “Bình dân học vụ số”, “Đồng hành cùng địa phương” để tham gia hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường, đặc khu. Không chỉ trong thành phố, nhiều đội hình còn lan tỏa ra các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Cà Mau, Đồng Tháp.
Ông Lê Tuấn Anh cũng cho biết, năm nay phong trào tình nguyện của thanh niên TPHCM trở nên sôi nổi và kỳ vọng hơn khi có thêm sự đồng hành của các đoàn viên, thanh niên đến từ 2 địa phương mới sáp nhập là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngọc Trăm