Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân COVID-19

10/09/2021 - 06:45

PNO - Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà được lực lượng y tế địa phương theo dõi sức khỏe sát sao; bệnh nhân nặng cũng được y, bác sĩ ở bệnh viện chăm sóc cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Điều trị tại nhà đã yên tâm hơn 

Hơn 400 trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh và tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy được vai trò, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch ở TPHCM. Những ngày qua, các bệnh nhân COVID-19 (F0) điều trị tại nhà ở TPHCM đã không còn chịu cảnh “gọi và đợi hoài mà không thấy bác sĩ”. Mỗi ngày, bác sĩ ở các trạm y tế phường, trạm y tế lưu động đều đến nhà thăm khám, theo dõi sức khỏe, đồng thời tặng các túi thuốc theo gói điều trị với mục tiêu không bỏ sót bệnh nhân. Hàng ngàn F0 đang dần có sự ổn định, làm đúng hướng dẫn của bác sĩ về thuốc, dinh dưỡng, vận động và khỏi bệnh.

Bác sĩ của một trạm y tế lưu động ở Q.11 thăm khám, tặng túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ của một trạm y tế lưu động ở Q.11 thăm khám, tặng túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà - Ảnh: Phạm An

Cả nhà có bảy người mắc COVID-19, bà T.H.K. - ngoài 70 tuổi, ở Q.11 - lo lắng nhất là đứa cháu nội mới hơn ba tuổi của bà. Trước, bà nhiều lần đòi đưa cháu đến bệnh viện, còn bây giờ, hai bà cháu chỉ việc bắc ghế ngồi chờ bác sĩ đến nhà khám. Bà nói: “Nhà tôi may mắn không ai bị nặng, chỉ có tôi hơi đau họng, ho nhiều thôi. Mấy hôm nay, bác sĩ bên trạm đến khám thường xuyên nên tôi bớt lo hẳn. Uống thuốc mấy hôm cũng đỡ rồi, thằng “chó con” (cháu nội bà) nói nhiều hơn nên không khí gia đình cũng bớt nặng nề”.

Mấy hôm trước, sau khi xét nghiệm (test) nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, ông N.B.H. - 62 tuổi, ở P.10, Q.11, đang bị bệnh tim, tiểu đường - phát hoảng, lên cơn khó thở. Nhận tin qua đường dây nóng của trạm y tế phường, anh Nguyễn Cẩm Nguyên thông báo cho nhân viên mang bình ô-xy đến hỗ trợ. Chưa đầy 10 phút sau, tổ phản ứng nhanh của quận đã mang bình ô-xy tới, bác sĩ của trạm cũng có mặt để cấp cứu ngay. Nhờ đó, ông H. qua cơn nguy hiểm.

Người giao bình ô-xy cho biết, không thể chậm trễ với triệu chứng về hô hấp vì chỉ cần trễ vài phút, bệnh nhân có thể chuyển nặng ngay. Chính vì vậy, đội cung ứng bình ô-xy phải chia ca làm việc 24/24 giờ để khi có ca thở mệt, 5-7 phút sau là có ô-xy liền, nhà khó tìm thì mất khoảng 10 phút. Nếu bác sĩ chưa đến kịp, người của đội phải ở đó cho đến lúc bệnh nhân ổn định, bác sĩ đến mới đi.

Nhà có ba F0, con trai và con dâu đều phải nhập viện điều trị do bệnh chuyển nặng, bà P.T.H. - 58 tuổi, ở TP. Thủ Đức - đang ăn cơm một mình bỗng thở dốc, chỉ kịp bấm số điện thoại bác sĩ trên túi thuốc an sinh rồi lịm đi. Do trước khi vào bệnh viện, con trai bà H. đã nhờ bác sĩ “canh” giúp bởi bà bị bệnh khớp, đi lại khó khăn nên bác sĩ trạm y tế lưu động lập tức đến khám, giúp bà vượt qua hiểm nguy.

Phó chủ tịch UBND Q.11 Nguyễn Trần Bình cho biết, để chăm sóc, điều trị cho F0 hiệu quả, thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, UBND quận đã thiết lập và vận hành 16 trạm y tế lưu động tại 16 phường: “Chúng tôi khai thác trụ sở của các cơ quan như nhà văn hóa phường, trường học, thậm chí nhà dân, để làm trạm y tế lưu động. Về nhân lực, ngoài một bác sĩ, một điều dưỡng và hai, ba tình nguyện viên cho mỗi trạm, chúng tôi còn huy động các lực lượng khác như đội ngũ quân y do Bộ Tư lệnh TPHCM chi viện. Hiện toàn quận có 230 bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên phục vụ ở các trạm y tế lưu động, chăm sóc cho hơn 2.170 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Khỏi bệnh COVID-19, vẫn cần được chăm sóc

Bác sĩ của Bệnh viện Thống   TP.HCM chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TPHCM chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh - Ảnh: Phạm An

Vừa đi vào hoạt động được vài ngày, Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 của Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã tiếp nhận, điều trị hơn 10 bệnh nhân từ 30 đến hơn 90 tuổi gặp các vấn đề dinh dưỡng, tiểu đường, tim mạch hoặc tổn thương tâm lý, rối loạn lo âu. 

Theo các bác sĩ của bệnh viện này, khi khỏi bệnh, đủ hai lần xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân vẫn có thể chịu những tác động khác đến sức khỏe như di chứng, biến chứng, tổn thương tâm lý, bệnh nền bộc phát, rất cần được can thiệp để phục hồi toàn diện. Do đó, khoa sẽ kết hợp giữa phục hồi chức năng với điều trị bệnh nền về tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết, kết hợp giữa đông và tây y, điều trị tâm lý, chăm sóc dinh dưỡng cho người khỏi bệnh COVID-19.

Đặc biệt, những bệnh nhân lớn tuổi, người có nhiều bệnh phối hợp sẽ dễ bộc phát bệnh nền do thiếu điều trị chuyên khoa trong thời gian mắc COVID-19. Người bệnh khi xuất viện về nhà, phải cách ly thêm 14 ngày theo quy định. Lúc này, nếu bệnh nền tiến triển âm thầm kèm theo tâm lý e ngại đến bệnh viện khám bệnh rất dễ khiến bệnh nhân rơi vào nguy hiểm.

Vừa qua, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân nữ ngoài 70 tuổi, đã điều trị khỏi COVID-19, đang cách ly tại nhà. Theo người nhà, do ám ảnh về COVID-19 nên dù đau bụng đến lả người, bà nhất định không chịu đến bệnh viện. Khi chịu đựng không nổi, bà được người thân đưa vào cấp cứu nhưng đã quá trễ, bị viêm phúc mạc gây nhiễm trùng quá nặng.

Bệnh nhân đầu tiên mà Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 Bệnh viện Thống Nhất TPHCM tiếp nhận là anh T.T.L. - 44 tuổi, ở Q.Tân Phú. Anh L. được về nhà sau hai lần test cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ và than đau đầu. Cuối cùng, anh lên cơn mệt, ngất xỉu, được đưa vào đây cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán, anh L. bị đột quỵ, may mắn nhập viện kịp thời. Hiện sức khỏe của anh đã ổn định, đang được điều trị hồi sức và phục hồi chức năng với tâm lý căng thẳng, hoảng loạn, nhất là khi thấy bác sĩ mặc đồ bảo hộ. 

Vợ anh L. kể, trước khi mắc COVID-19, anh từng bị tai biến. Lúc hết bệnh COVID-19 về nhà, anh sợ lắm, mất ăn, mất ngủ nên bệnh tiếp tục chồng bệnh. Mấy hôm nay, tinh thần anh đã đỡ hơn, đang tập vật lý trị liệu và được bác sĩ chăm sóc dinh dưỡng.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, trong hành trình bệnh nhân COVID-19 quay trở lại cuộc sống bình thường, sẽ chẳng ai giống ai vì mỗi người có một sức khỏe nền khác nhau, trải qua tình trạng bệnh khác nhau, thiệt hại cơ thể trong lúc chống chọi với bệnh tật cũng khác nhau. Khi người cao tuổi, người có bệnh nền mà phải điều trị COVID-19, bệnh nền có thể diễn tiến nặng và nhanh hơn.

Do đó, khi khỏi bệnh COVID-19, những người này cần có một “vùng đệm” để được chăm sóc, điều trị ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần trước khi được về nhà, vì khi bệnh nền tái phát, bệnh sẽ nặng hơn, nguy hiểm hơn. Trong khi ở “vùng đệm”, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM vẫn tạo điều kiện cho bệnh nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc dịch vụ như khi điều trị các bệnh lý thông thường. 

Phạm An


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI