Những cựu binh sống mãi với chiến dịch Điện Biên hào hùng

07/05/2024 - 06:01

PNO - Với những người lính già, ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” luôn là niềm tự hào mỗi khi nhớ đến.

Nuốt nước bọt tiến về phía trước

Bước qua độ tuổi xưa nay hiếm, ký ức dường như đã phai nhạt theo thời gian, song những khoảnh khắc oai hùng của một thời hoa lửa thì vẫn mãi lưu lại nơi những người lính già, những dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Các cụ hào hứng, say sưa kể về một thời gian khó. Những ký ức ấy dẫu có phần “ngắt quãng” bởi thời gian, nhưng vẫn là những mảnh ghép sống động về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” rất đỗi kiêu hùng.

Vợ chồng ông Thanh cùng nhau xem lại những kỷ niệm xưa
Vợ chồng ông Thanh cùng nhau xem lại những kỷ niệm xưa

Cầm trên tay những kỷ vật xưa, ông Trịnh Văn Quýnh - 100 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - bảo, đó là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời, nên ông luôn xem như báu vật. Để những ký ức này không phai mờ theo năm tháng, ông trưng bày tất cả những kỷ vật cho đến các huân huy chương… kín cả gian phòng khách rộng 20m2.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song ông Quýnh vẫn còn khỏe mạnh, nhớ như in những lời Bác Hồ căn dặn trước lúc lên đường thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ. “Chú lên Tây Bắc giải phóng Điện Biên Phủ phải làm công tác địch vận, dân vận, dùng nhân tài, tiền của tại bản làng Tây Bắc để hạn chế đưa người miền xuôi lên” - ông Quýnh nhớ lại lời Bác dặn dò tại hang Pác Bó (Cao Bằng).

Rồi ông Quýnh được biên chế vào Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao, ông vừa ngụy trang, vừa chống chịu những trận đói và cái rét tê tái khi băng qua những cánh rừng miền sơn cước để vào các bản làng ở Sơn La làm công tác dân vận.

Kể đến đây, giọng người cựu binh 100 tuổi này trở nên đanh thép, đọc lại bài thơ ông sáng tác để kêu gọi thanh niên trong bản lên đường phục vụ quân đội. “Từ ngày con bước ra đi/ Sân nhà vắng vẻ em thì nhớ thương/ Giỗ bố khói lạnh hương tàn…/ Con hãy suy xét lại gần xa/ Yêu nước là một thương nhà là hai/ Ruột đằng đôi đoạn ngắn dài/ Con mau quay súng bắn vào thực dân”. Bài thơ này sau đó được lan truyền khắp bản làng, một bà mẹ còn bạo gan bắc loa kêu gọi các con của mình đang phục vụ thực dân Pháp quay về. Nhiều trâu bò, hoa màu cũng được dân bản đồng loạt mang đi tiếp tế cho quân đội.

Sau 3 tháng làm công tác dân vận, ông Quýnh dẫn đầu Tiểu đoàn 11 vượt đèo Pha Đin vào Điện Biên để chuẩn bị lương thực tại các điểm dừng chân cho Sư đoàn 312. Để tránh máy bay địch phát hiện, ông Quýnh yêu cầu mọi người ngụy trang bằng cành cây rồi bám nhau đi ven theo bờ cỏ. “Cực nhất lúc đó là nước uống, leo được một đoạn ai cũng khát, nhưng không tìm đâu ra nước. Bí quá, tôi bịa ra chuyện ở bên kia đèo có một bản làng chuyên trồng chanh, quả rất nhiều. Nghe đến đây, anh em ai cũng nuốt nước bọt ừng ực, mong nhanh tới nơi để xin ít quả giải khát. Cứ thế anh em hành quân, quên lúc nào không hay” - ông Quýnh cười về chuyện nói dối của mình.

Chỉ vào những vết sẹo trên cơ thể, ông Nguyễn Quang Phiệt - 92 tuổi, trú xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - bảo rằng, đó là vết tích do trúng bom của địch ném vào hầm khi ông cùng các đồng đội ở Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 “giành nhau” với địch từng tấc đất ở cứ điểm Hồng Cúm. Thời điểm giữa chiến dịch, trời Tây Bắc thường xuyên đổ mưa lớn, nước tràn vào hầm trú ẩn và chiến hào. “Nhiều đoạn hầm nước ngập tới lưng quần, hầm lại thấp nên anh em phải cúi người để đi lại, vì chỉ cần nhô lên là địch nó bắn” - ông Phiệt kể.

Để giành nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, nhiều đồng đội của ông Phiệt đã ngã xuống. “Trong một đợt chúng dùng xe tăng 18 tấn che chắn để phản công, chúng tôi đã bám vị trí chiến đấu tới cùng, vì nếu để chúng chiếm được cửa hào là chúng nó xuống chiếm luôn. Lúc đó, chúng tôi phải tập trung hỏa lực làm đứt xích xe tăng để chúng không tiến lên được nữa. Cuộc giao tranh kéo dài từ 9g sáng đến 15g chiều bất phân thắng bại. Lúc này, tôi đang ở sát mép hào thì 1 quả đạn cối rơi ở phía sau. Vụ nổ khiến tôi bị thương nặng, phải chuyển về căn cứ điều trị. May là sau 2 tuần thì tôi bình phục, quay lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu trước khi ta giành chiến thắng” - ông Phiệt kể.

Vượt qua sốt rét vì "sốt ruột"

Dù không trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vẫn đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu”. Vẫn còn nhớ như in những ngày tháng băng đèo, vượt suối 70 năm về trước, ông Lê Minh Truật - 89 tuổi, trú xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - nói rằng, sống giữa rừng, thiếu lương thực và thường xuyên bị vắt cắn, ruồi vàng và muỗi đốt, sốt rét có thể quật ngã anh em bất cứ lúc nào. Nhưng những gian khổ ấy chẳng thể làm nản lòng những thanh niên xung phong đang hừng hực khí thế “phá đá, mở đường”.

19 tuổi, chàng trai trẻ Lê Minh Truật cùng nhiều thanh niên trong vùng tham gia lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài mở đường, sửa cầu đảm bảo thông xe, thông tuyến, ông Truật còn được chỉ dạy cách phá những quả bom còn sót lại trên các tuyến đường. “Ngày chúng tôi mở đường, đêm lại đi kiểm tra cầu xem có hư hỏng gì không để sửa. Khát thì uống nước suối, mệt thì bẻ cành cây trải xuống đất ngủ, nhưng không thấy mệt” - ông Truật kể. Nhưng rồi ông cũng ngã bệnh, phải cách ly vì sốt rét, kiết lỵ. Nằm một mình, buồn và nóng ruột, nên sau 3 ngày ông xin trở lại đơn vị làm việc cùng anh em.

Bà Nguyễn Thị Lan - 87 tuổi, trú phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - nói rằng, phần vì mới từ miền xuôi lên, chưa quen, phần vì muỗi nhiều nên rất nhiều người bị sốt rét. Vốn là y tá xóm, nên ngoài việc cùng đơn vị mở đường, đào hào… bà Lan còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ y tế cho lực lượng thanh niên xung phong. “Tham gia được 3 tháng thì tôi cũng bị sốt rét. Nhưng may là có thuốc kịp thời, tôi tự tiêm cho mình 2 liều rồi tiếp tục công việc” - bà Lan nhớ lại. Dù chỉ tham gia chiến dịch chưa đến 1 năm, song với bà Lan, đó là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời bà. Những tháng ngày chiến trường ác liệt nhưng hào hùng ấy đã “xe duyên” cho bà với người lính công binh Vũ Xuân Thanh.

“Chiến tranh ác liệt nhưng chúng tôi cứ nghĩ như một ngày hội, chẳng thấy ai sợ gì cả, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong. Mỗi khi hành quân gặp nhau, họ nhảy múa, ca hát rôm rả, vui lắm” - ông Thanh kể và minh họa lại điệu múa của bà Lan từng để lại ấn tượng sâu đậm trong ông.

Ở quê, nhà chỉ cách nhau một cái ao, song ông Thanh không biết bà Lan. Chỉ đến khi gặp nhau ở chiến trường, ông mới để ý đến cô thiếu nữ dáng người nhỏ nhắn tràn đầy năng lượng. “Chiến trường mà, gặp đồng hương đã khó, lại còn gặp một người giới thiệu ở cùng quê nên cũng có chút ấn tượng. Nhưng vì chiến tranh nên mãi đến năm 1969 chúng tôi mới tổ chức đám cưới” - ông Thanh nói.

Hồi ức của nữ bác sĩ quân y về chiến thắng Điện Biên Phủ

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, bà Ngô Thị Thái Nghiêm - một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong gia đình trí thức ở Thủ đô Hà Nội - theo tiếng gọi của non sông tham gia quân ngũ và được đào tạo để làm nhiệm vụ quân y.

Năm 1953, bà Thái Nghiêm được phân công ra tiền tuyến. Không khí chiến dịch khẩn trương, bom đạn rền vang suốt đêm ngày, nhưng cô y tá tuổi đôi mươi không sợ mà chỉ thấy háo hức và sẵn sàng hành quân. Ra tiền tuyến, bà Thái Nghiêm làm nhiệm vụ chăm sóc nhóm trung thương và trọng thương ở tuyến 2, đóng ở cây số 31 Tuần Giáo, cách mặt trận 50km.

Bà Ngô Thị Thái Nghiêm - từng là y tá  Đội điều trị 6, Quân y tiền phương Điện Biên Phủ -  nhớ lại thời tuổi trẻ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Bà Ngô Thị Thái Nghiêm - từng là y tá Đội điều trị 6, Quân y tiền phương Điện Biên Phủ - nhớ lại thời tuổi trẻ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Bà nhớ lại: “Có những đêm thương bệnh binh chuyển từ hỏa tuyến về hàng trăm người, tôi cùng đồng đội làm việc không quản ngày đêm. Ngoài chăm sóc cho bộ đội bị thương, đơn vị của tôi còn băng bó, cứu chữa cho tù binh, hàng binh của địch và đưa họ về nơi cách ly để đảm bảo an toàn”.

Sau ngày đại thắng 7/5/1954, bà Ngô Thị Thái Nghiêm cùng đơn vị làm nhiệm vụ trao trả tù binh tại Sầm Sơn. Những năm tiếp theo, bà được đào tạo trở thành bác sĩ, rồi về công tác ở Cục Quân y. Sau khi đất nước thống nhất, bà được chuyển vào công tác tại Bệnh viện Quân y 175 cho đến ngày về hưu.

Năm nay bà Thái Nghiêm đã 92 tuổi, đang ngụ tại quận Gò Vấp.

Tại buổi họp mặt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và sự kiện lịch sử 30/4/1975 là 2 mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Thời gian càng lùi xa thì giá trị và ý nghĩa lịch sử của 2 sự kiện càng tỏa sáng, chứng minh cho ý chí kiên cường, bất khuất, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta.

Thiên Ân

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI