Nhớ một thời...không tiện nghi

04/02/2017 - 11:14

PNO - Đi loanh quanh mấy chục năm lại quay về… chốn cũ. Giờ đây ai mà biết nữ công, gia chánh thấy hãnh diện lắm, được nhiều người tấm tắc, ngưỡng mộ lắm.

Giờ đây mọi thứ phục vụ các bà nội trợ rất tiện nghi, tỉ như, chợ hay siêu thị đều có bán mè các loại đã đãi sạch và rang sẵn chẳng hạn, chỉ cần mua về dùng luôn, có cả mè đen đã xay sẵn mua về pha uống. Thậm chí nhanh, ngay và luôn, cũng có nước mè đen phục vụ. Ấy mà, người ta lại mơ về thời không.. tiện nghi để có cái mà bày ra… làm!

Nho mot thoi...khong tien nghi
 

Có những thứ rất… thịnh hành trong thập niên 80 bây giờ hoàn toàn đi vào cáo chung như  đãi gạo chẳng hạn. Cái thời mà gạo nào cũng có sạn; gạo quốc doanh, càng rẻ tiền càng nhiều sạn. Muốn nấu nồi cơm đầu tiên phải biết đãi sạn. Nấu cơm thành nhiều công đoạn hơn như: gạo đãi xong cho vào rá để ráo (có gia đình thong thả để gạo thật khô rời mới nấu), bắt nước chờ sôi trút gạo vào đảo đều rồi ngồi đợi cơm sôi bớt lửa. Thậm chí, còn phải biết gạt than dưới lò chỉ để lại rất ít, trên nắp thì bỏ than lớn hơn cho nồi cơm chín đều trên, dưới.

Làm sao các bạn trẻ biết thế nào cái rá đãi gạo hay “bòn tro đãi sạn”? Không bàn về nghĩa bóng của thành ngữ này nói lên tính tiết kiệm, hà tiện hay keo kiệt mà, từ việc lượm những hòn than nhỏ trong đống tro để dành đun lại (bòn tro) hay việc đãi sạn. Đừng nghĩ người xưa quá keo kiệt khi họ phải bòn tro.

Một ví dụ rất nhỏ, chai dầu gội đầu chẳng hạn, nếu không còn dầu nữa (bóp không ra) các cô con gái sẽ vứt ngay vào thùng rác thì bà mẹ không chịu, cho nước vào có thể gội thêm hai, ba lần nữa! Mà, không xa lắm đâu, những bà mẹ này, ngày trước đã từng giống con gái bây giờ, vứt đi khi chai dầu gội vẫn còn dùng được vài lần nữa, thậm chí bà còn càm ràm mẹ mình tiết kiệm làm chi không biết!

Trở lại việc… đãi sạn hay nhặt sạn. Nếu không hình dung được công việc này tỉ mỉ, cẩn thận nhằm mục đích cho bữa cơm ngon, không phải nhai nhầm sạn thì làm sao hiểu được hai từ “nhặt sạn” trong văn vẻ người ta vẫn hay dùng?

Đi loanh quanh mấy chục năm lại quay về… chốn cũ. Giờ đây ai mà biết nữ công, gia chánh thấy hãnh diện lắm, được nhiều người tấm tắc, ngưỡng mộ lắm. Không chỉ phái nữ mà các đấng mày râu cũng khoe thành tích… gói bánh chưng, bánh tét, chẳng hạn. Không mua đậu xanh đãi vỏ bán ngoài chợ đâu.

Đậu xanh cà mang về, ngâm nước qua đêm cho mềm rồi đãi. Tất nhiên, các ông không làm công việc này mà đãi thế nào là việc của các bà. Phải có tay nghề… đãi đậu mới nói chuyện, lóng nga, lóng ngóng, hao hụt đậu mà lại không sạch vỏ. Rổ đậu xanh đãi xong sạch tinh tươm, màu vàng  bắt mắt. Cô con gái tấm tắt khen mẹ… giỏi ghê. Bà mẹ mắng yêu, cô chỉ giỏi cái nói nịnh!

Đãi đậu xanh mà khéo rồi thì đãi nếp là chuyện nhỏ! Loáng tí là xong. Mọi thứ để ráo. Thịt ba chỉ hay mông sấn thái miếng và ướp thế nào là việc các ông. Xấp lá dông cũng để đấy, khi nào gói các ông tự sắp xếp. Rất nhanh chóng. Khuôn sẵn. Mọi thứ bày thuận tay, hai ông ngồi gói, một ngày veo veo cả trăm cái bánh chưng. Làm gì có “văn ôn võ luyện” thường xuyên, mỗi năm gói một lần mà tay nghề vẫn “suya”. Các cô lại có dịp nịnh bố: “Công nhận bố khéo tay thật”. Ông bố cốc đầu con gái, tôi cũng mong cô lấy được chồng khéo để cô nhờ!

Đến công đoạn nấu bánh mới vui. Cả nhà thay phiên nhau canh nồi bánh ở ngoài sân. Bày bộ bài rồi cứ thế mì gói, bánh, trái… thức nói chuyện cười đùa đến sáng. Vừa quấn cái mền chợp mắt chút xíu đã bị mẹ đánh thức đi vào nhà mà ngủ. Càu nhàu mắt nhắm, mắt mở vô nhà, thậm chí không hề biết hôm qua đã thức đến mấy giờ, có việc gì phải thức nữa kia! Tết vui, sum vầy là ý nghĩa đó đâu cần mâm cao cỗ đầy, nhà biệt thự hay xe hơi?  

Nho mot thoi...khong tien nghi
 

Có bà mẹ chạnh lòng, bao nhiêu năm chưa bao giờ nhà biết gói cái bánh chưng. Làm được hủ kiệu, thịt ngâm là quá sức rồi. Thế nên con cái hơn hai mươi tuổi mà chưa bao giờ biết thế nào là đãi đậu xanh, gạo nếp. Than thở, bánh chưng mua hai cái (loại xịn nhất) ăn không hết để mốc, vậy mà chúng đi nhà người khác ăn miếng bánh chưng tấm tắt khen ngon.

Thật ra, không phải với ai cũng có ngày Tết vui, đầm ấm hạnh phúc vì mỗi người mỗi cảnh đời. Thế nhưng, bởi ý nghĩa thiêng liêng xuân về, năm mới đến mà người ta quan trọng việc Tết. Còn nữa, được nghỉ dài ngày, con cháu kéo nhau về (ăn) với cha mẹ. Nên, những ngày hiếm hoi trong năm đó, chín bỏ làm mười. Có buồn cũng nén xuống.

Vậy truyền thống là gì? Biết đãi nếp, đậu xanh,  ướp thịt, tập gói một cái bánh chưng, bánh tét. Ngồi lại bên cha mẹ kể chuyện một năm dài. Đó mới đúng là Tết!

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI