Nhiều người “sập bẫy” vì bức thư giả danh tỷ phú Bill Gates

26/03/2020 - 00:05

PNO - Trên các phương tiện truyền thông xã hội đã xuất hiện bức tâm thư giả về đại dịch COVID-19 của tỉ phú Bill Gates từ chủ nhật 22/3.

Ngay sau khi xuất hiện, bức tâm thư đã được lan tỏa nhanh chóng và chia sẻ lại bởi một số tài khoản Facebook với hàng triệu lượt người theo dõi, cũng như hai tờ báo lớn của nước Anh.

Nội dung của bức thư giả này chủ yếu miêu tả mục đích “tinh thần” của đại dịch COVID-19. Bức thư nói về việc “COVID-19 dạy cho chúng ta về việc mọi người trên thế giới, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp nào... cũng đều bình đẳng trước dịch bệnh”. Đồng thời, bức thư này cũng cảnh báo việc “tiêu thụ thực phẩm ít dinh dưỡng và uống các loại nước chứa hóa chất như soda…”.

Sau đó, bức thư kết luận “khi nhiều nơi coi COVID-19 là thảm họa thì tôi coi đây là cơ hội sửa chữa tuyệt vời”.

Tuy nhiên, người đại diện của Quỹ Bill và Melinda Gates đã bác bỏ nội dung và xác nhận người sáng lập của Microsoft không viết bức tâm thư này.

Trước đó, bức thư này bắt đầu xuất hiện trong một vài nhóm Facebook nhỏ trong ngày chủ nhật (22/3) và được lan truyền rộng rãi bởi nhiều người nổi tiếng, bao gồm Julian Lennon, một ca sĩ người Anh và là con trai của huyền thoại John Lennon.

Tài khoản Facebook của Julian Lennon có khoảng 1,4 triệu lượt theo dõi. Mặc dù Julian đã chú thích về việc chưa xác thực về bức thư nhưng bài đăng đã nhận được hàng ngàn lượt like cũng như lượt chia sẻ trong vòng 24 giờ.

Bức thư giả được trang Unilad chia sẻ lại.
Bức thư giả được trang Unilad chia sẻ lại

Bên cạnh người nổi tiếng, một số tài khoản Facebook có dấu tích xanh với hàng triệu lượt theo dõi cũng đã chia sẻ lại bức thư này như Doc Willie Ong, một bác sĩ người Philippines với khoảng 12 triệu người theo dõi hay CafeBiz, trang tin tức với 1,1 triệu người theo dõi.

Bức thư giả cũng được chia sẻ trên tài khoản Instagram của UniLad, một trang tin tức dành cho giới trẻ của Anh với khoảng 3,8 triệu người theo dõi. Và, UniLad đã xóa bài đăng về bức thư này sau đó.

Không chỉ trên mạng xã hội, ngay cả hai tờ báo trong nhóm lớn nhất của nước Anh là The Sun và Metro cũng đã chia sẻ lại bức thư này. Đại diện của The Sun thừa nhận bộ phận online của tờ báo đã đăng tải sai và đã gỡ bỏ bức thư giả mạo cũng như xin lỗi về sai sót này.

Đến thời điểm này, theo BuzzFeed, khó có thể xác định được mức độ lan truyền là bao xa khi không chỉ Facebook, Instagram và Twitter, bức giả này còn lan truyền qua thư điện tử và WhatsApp.

 Nam Du (Theo BuzzFeed)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI