Nhân viên y tế gồng mình chống làn sóng phủ nhận đại dịch

06/01/2021 - 22:43

PNO - Trước đầy dẫy thông tin sai lệch, nhân viên y tế kiệt sức khi tìm cách đem sự thật đến công chúng, và nhiều người thậm chí còn bị những kẻ bài trừ khẩu trang, vắc-xin đe dọa.

Đám đông biểu tình tại New York phản đối việc tiêm vắc-xin COVID-19 vào tháng 12/2020 - Ảnh: Getty Images
Đám đông biểu tình tại New York phản đối việc tiêm vắc-xin COVID-19 vào tháng 12/2020 - Ảnh: Getty Images

Những người hùng bị phản bội

Vào tháng 11/2020, các bác sĩ ở Ý đã dùng tài khoản mạng xã hội cá nhân để cảnh báo về làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai bùng phát sau sự lơ là chống dịch của người dân. Kết quả, cửa kính ô tô của họ bị đập vỡ, những bức tranh tường tuyên dương họ bị bôi bẩn, một bác sĩ ở Vicenza bị đánh đập sau khi yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang. Đáng ngạc nhiên, từ người hùng, các bác sĩ bỗng trở thành kẻ thù, phải gánh chịu phản ứng dữ dội vì đã mang đến những tin tức mà không ai muốn nghe. 

Chính các bác sĩ chứ không phải các nhà báo hay chính trị gia cảm thấy áp lực trực tiếp bởi làn sóng phủ nhận đại dịch. Khi các phóng viên không thể tiếp cận bệnh viện vì nguy cơ lây nhiễm, nhiều y bác sĩ sử dụng Twitter, YouTube hoặc Instagram để nói về những gì diễn ra ở nơi họ làm việc, vô tình trở thành nhà báo của công dân. Họ có thể diễn giải những biểu đồ đáng sợ nhưng trừu tượng về sự lây nhiễm gia tăng thành những câu chuyện về con người thực tế, và lời thề Hippocrates thúc đẩy họ làm điều đó.

Nhiều nhà khoa học cũng dành thời gian để kiên trì chống lại hàng loạt thông tin sai lệch trên mạng xã hội, như đại dịch đã kết thúc, hoặc số ca nhiễm gia tăng chỉ là do dương tính giả. Một thế hệ bác sĩ đã trở thành rào chắn chống lại sự phủ nhận về COVID-19 cũng như chính bản thân COVID-19, nhưng với một cái giá ngày càng nặng nề.

Bác sĩ Matthew Lee - nhân viên nội trú cấp cao tại Bệnh viện St Thomas ở trung tâm London (Anh) và một người dùng YouTube - thường xuyên đăng bài về cuộc sống của một bác sĩ. Cuối tháng 10/2020, bác sĩ Lee trở nên nổi tiếng sau một ca làm việc muộn. Trong bài đăng của mình, anh mô tả: “Hàng trăm người không đeo khẩu trang, say rượu, la hét COVID là một trò lừa bịp, tụ tập bên ngoài tòa nhà, nơi hàng trăm người đang bệnh và chết dần”. 

Bài đăng của anh nhận được sự đồng cảm từ công chúng và sự thất vọng từ các nhân viên y tế khác, bởi họ hiểu rõ những áp lực khi thực hiện một công việc khó khăn ngoài sức tưởng tượng trong khi bị phản đối bởi những kẻ lừa đảo, cho rằng bệnh viện thực sự trống rỗng. Dù vậy, câu chuyện của Lee cũng đưa ra đủ những bằng chứng cho thấy điều mà y bác sĩ đang gồng mình chống lại.

Matt Morgan - nhà tư vấn y tế tại Bệnh viện Đại học Wales (Anh) - tiết lộ rằng, sau khi truyền tải thông tin về COVID-19, ông bị gọi là lang băm. Trong khi đó, một đồng nghiệp của Morgan thậm chí còn bị dọa giết. Theo Morgan, thật khó khăn sau một ngày làm việc mệt mỏi và nhận thấy nhiều người xung quanh coi công việc của bạn là dối trá, phóng đại.

Sự thù địch và nỗi sợ

Bên ngoài châu Âu, tại Los Angeles (Mỹ) và Sydney (Úc), nhiều người phản đối việc đeo khẩu trang tiếp tục biểu tình vào cuối tuần qua. Video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, những người biểu tình cầm tấm biển ghi “khẩu trang làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh” diễu hành qua trung tâm mua sắm ở Sydney. Tương tự, nhóm biểu tình chống khẩu trang quyết liệt tiếp cận những người mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở khu phố Century City, Los Angeles hôm 3/1, giữa lúc các trường hợp COVID-19 tại thành phố tăng cao và số giường chăm sóc đặc biệt tại khu vực miền nam bang California luôn luôn quá tải.

Dù cũng có nhiều kẻ tự nhận mình là y bác sĩ để đưa ra thông tin giả, nhưng may mắn đây chỉ là số ít. Hầu hết mọi người đều vô cùng biết ơn và ủng hộ tất cả những ai đang chiến đấu với COVID-19. Mạng xã hội rõ ràng không phải là cuộc sống thực nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng. Bất cứ ai đã trải qua kỳ thị, phân biệt chủng tộc hoặc các hình thức bắt nạt khác đều biết cảm giác của nó như thế nào; ngay cả khi không xảy ra đối đầu thể xác, sự đe dọa vẫn có tác dụng tiêu cực lên tinh thần. Và các y bác sĩ xứng đáng có thêm những lời cảm ơn, tràng pháo tay chứ không phải sự chỉ trích vì đã nỗ lực ngăn chặn đại dịch. 

Linh La (theo Guardian, The Wrap)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI