Nhân sinh ngắn ngủi, cớ sao không yêu thương cho trọn vẹn?

04/07/2020 - 12:31

PNO - Suy cho cùng, trong suốt đời mình, chúng ta ai nấy làm sao tránh được những lúc đối diện với rất nhiều cơn sợ hãi, rất nhiều chông chênh, rất nhiều rã rời thậm chí là tuyệt vọng. Và lúc ấy, tự nhiên như nước phải chảy về chỗ trũng, ta lại nghĩ đến nhà mình.

1. Ba lần họp phụ huynh là ba lần chị đều nán lại sau cùng để nói với tôi dăm ba câu về con trai mình - cậu bé hiếu động, nghịch ngợm, ít nhiều xao nhãng việc học… Lần nào tôi cũng động viên an ủi chị rằng, con sẽ ổn thôi.

Hôm nay là lần họp cuối của năm, chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, vẫn là người cuối cùng ngồi lại, chị nắm tay tôi lắc lắc giọng nghèn nghẹn: “Cô thông cảm cho chị nếu cháu đã khiến cô mệt nhọc cả năm qua. Chị cố nương theo con. Cái nhà phải là nơi lúc nào cũng cho con cảm giác muốn về cô ạ. Nếu chị không khéo, làm căng, cháu không biết nơi đâu về, thì tội lắm cô!”. 

Câu nói của chị rơi ra nhẹ tênh vẫn khiến tôi ngỡ ngàng và suy nghĩ mãi. Ừ, cái nhà phải là nơi cho người ta cảm giác muốn về. Dù nơi đó chỉ là một mái lá nhỏ trống trước trống sau. Dù nơi đó chỉ có những cái bàn cái ghế hay bình hoa mình đã trông thấy từ khi nào cũng chẳng nhớ, chỉ biết nhắm mắt cũng có thể mường tượng ra cái nào đặt ở vị trí nào, trầy xước ra sao. Dù nơi đó có những con người thân quen đến nỗi nốt ruồi vết sẹo, thói quen nhún vai hay vuốt mũi ta đều nhớ như in…

Nhân sinh ngắn ngủi cớ sao ta tự bịt lối, không chọn cho mình sự thanh thản yên vui yêu thương cho trọn vẹn?
Nhân sinh ngắn ngủi cớ sao ta tự bịt lối, không chọn cho mình sự thanh thản yên vui yêu thương cho trọn vẹn?

Suy cho cùng, trong suốt đời mình, chúng ta ai nấy làm sao tránh được những lúc đối diện với rất nhiều cơn sợ hãi, rất nhiều chông chênh, rất nhiều rã rời thậm chí là tuyệt vọng. Và lúc ấy, tự nhiên như nước phải chảy về chỗ trũng, ta lại nghĩ đến nhà mình. Còn có nơi nào an toàn ấm áp hơn nơi đó nữa đâu? Còn có nơi nào cứ mãi đợi chờ và sẵn sàng với mình như nơi đó nữa đâu? Dẫu rằng không phải ai và lúc nào cũng kịp nhận ra điều đó.

2. Mấy hôm nay Sài Gòn đón những cơn mưa rất to. Trời đì đùng sấm chớp, gió giật phần phật, lá vàng lá xanh rơi lả tả. Sợ mưa to ngập đường, ỷ lại nhà cũng không xa, tôi mặc vội chiếc áo mưa, lòng khấp khởi nghĩ đến những dòng sông xanh ngắt sóng sánh mặn như nước biển ở miền Tây quê mình sẽ mát ngọt trở lại.

Cơn mưa kéo đến nhanh như một ý nghĩ. Phút chốc, tựa hồ có bàn tay vô hình trùm lên bầu trời một tấm màn khổng lồ. Nước ở đâu trút xuống ào ào. Quãng đường về nhà chưa đầy 2km, có không ít những sáng mát mẻ tôi đã từng ước phải chi đường xa thêm một chút để còn kịp ngẩn ngơ ngắm phố ngắm xá, giờ bỗng dưng xa tít, mịt mờ. Từng vòng bánh xe nặng nhọc rướn trên tứ bề là nước. Nước chảy qua ống quần luồn vào giày nhột nhạt, nước tạt vào mặt rát rạt.

Bàn tay ướt nhẹp bắt đầu lạnh.Tôi bất giác mong mỏi đến cuống quýt giây phút được đặt chân trên bậc thềm nhà mình, lách qua khe cửa, thầm reo lên khe khẽ: “Về nhà rồi!”, nghe nỗi hạnh phúc len đến từng sợi tóc. Nỗi hạnh phúc không nhiều lần trong đời mình kịp nhận ra.

Con người có tuổi nào cho sự yếu mềm? Nếu chẳng có một nơi để về, những lúc không còn chút sức lực nào, bàn tay biết níu vào đâu? Không có một nơi để trở về thì “tội” chứ sao? Cái tiếng “tội” nghe thương đến mềm lòng, nghe bơ vơ đến đau xót.

Thương cho kẻ không về được bao nhiêu thì cũng xót cho người mong ngóng nhiều gấp bội. Có bao nhiêu con người lỡ bước, muốn về mà hai chân cứ bị nỗi hối hận, sự xấu hổ hay ngại ngùng trì kéo, để rồi cứ loanh quanh mỏi mệt không thể về nơi vốn là của mình?

Có bao nhiêu người cha người mẹ, có bao nhiêu người vợ luôn ở đằng sau cánh cửa, mâm cơm vẫn nóng, chiếc giường vẫn dọn, món ăn vẫn nấu mỗi ngày đợi chờ? Vậy hà cớ gì không như lột đôi giày bỏ ngoài bậu cửa?

Có hạt bụi hạt cát, vết nhơ nào trên đường lỡ giẫm phải hãy bỏ bên ngoài để đôi chân trần như thuở mới chập chững biết đi chạm vào từng góc nhà bằng thịt da chân thật? Hà cớ gì không khiến cái nhà trở thành chốn về: an ổn, tin cậy và chỉ có những thương yêu? 

3. Trong các cậu các dì, tôi gần gũi với dì út nhất. Mẹ tôi là con đầu, dì là con cuối cùng trong đàn con hơn mười người của ngoại. Từ nhỏ, mấy dì cháu chơi với nhau như chị em. Ngoại ở cùng cậu, dăm ba tháng có giỗ tiệc hay ngày Tết, mọi người bảo ban nhau có mặt đông đủ. Gia đình ngoại đã có những năm tháng rất vui.

Rồi chẳng rõ mâu thuẫn gì xảy ra giữa dì và cậu. Tôi là con cháu không ở gần cũng không tiện hỏi, chỉ biết dì không còn ghé nhà ngoại nữa. Thậm chí vô tình đụng mặt cậu mợ đâu đó ngoài chợ hay trên đường cũng lơ đi như không phải máu mủ ruột rà, như chưa từng ăn cùng mâm, chưa từng được sinh ra từ một mẹ, chưa từng lớn lên từ một mái nhà. 

Rồi ngoại tôi mất. Dì về, như một người dưng xớ rớ đứng bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình. Không biết cái chén giờ để chỗ nào, không biết bắt đầu nói chuyện gì với anh chị em ra sao. Dì chỉ ngồi thu lu, khuôn mặt rười rượi, đôi mắt thăm thẳm mông mênh. Nước từ trong hai hõm sâu hoắm cứ thi nhau chảy ra, không một tiếng nấc, khi nghe các cháu kể về những lúc giật mình tỉnh giấc nửa đêm, ngoại hay gọi “Út à Út ơi”.

Tôi không bao giờ có thể quên hình ảnh dì đứng rúm ró, tựa vào gốc cây, nơi an nghỉ cuối cùng của ngoại. Tôi cảm nhận được một nỗi hối hận, tiếc nuối tràn ra bao quanh, chực kéo đổ dì xuống đất. Có đáng để đánh mất từng ấy thương yêu, từng ấy thời gian quý giá của một đời người cho những giận hờn tranh chấp để rồi mang mãi một nỗi ân hận tiếc nuối như mang một khối đá nhọn hoắt không tan như thế suốt đời mình hay không?

Nhân sinh ngắn ngủi cớ sao ta tự bịt lối, không chọn cho mình sự thanh thản yên vui yêu thương cho trọn vẹn? Sẽ bao lâu nỗi đau đó có thể mất đi hay vĩnh viễn đeo bám dì tôi?

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

4. Không dưng tôi nghĩ đến bộ xương trong cơ thể con người. Chúng ta sẽ sống ra sao nếu một ngày nào đó từng đốt xương rã ra và biến mất? Chúng ta sẽ ra sao nếu những tháng năm trong đời mình không bao giờ còn có thể nhìn thấy từng ấy những khuôn mặt thương quen?

Chúng ta sẽ ra sao nếu không còn được ngồi nghe cha mẹ nói những việc mình đã thuộc làu, nghe anh chị em nhắc về những ngày xưa, nhìn đám cháu lít nhít ì xèo giành nhau xem bức ảnh gia đình thắc mắc ngây thơ: “Sao đám cưới ba mẹ, đám cưới dì hai, mà không cho con đi?”.

Không dưng, tôi lại nhớ đến R. Tagore - người đã dành cả đời mình đi tìm vẻ đẹp, khám phá sự thú vị khắp nơi đến thế giới - về cuối đời đã thảng thốt nhận ra: “Nơi đáng đi nhất, thứ đáng xem nhất, điều thú vị nhất trên cõi đời này chính là giọt sương trên lá trước sân nhà mình”.
Ừ, nhà mình - mãi là tiếng gọi không có gì thay thế! 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI