Nhân Ngày của mẹ: "Bóng dáng người phụ nữ trong mỗi lối tôi đi... Đó là mẹ"

14/05/2023 - 14:11

PNO - Tháng Năm có Ngày của mẹ, Báo Phụ nữ TPHCM đã gặp và trò chuyện với một người đàn ông gọi mẹ là “chị đẹp”, là “đại gia của tôi”.

 

Lê Hoài Việt và mẹ
Lê Hoài Việt và mẹ

Thạc sĩ Lê Hoài Việt - giảng viên Trường đại học Mở TPHCM và của nhiều trường đại học khác, về bộ môn khởi nghiệp. Anh cũng là tác giả cuốn Ở bên này thương nhớ (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) được bạn đọc đón nhận nhiệt thành.

Ai gặp Việt cũng đều công nhận nơi anh sự gần gũi, thân thiện và luôn hết lòng vì mọi người. Thành đạt từ công việc bên ngoài, trở về nhà, Hoài Việt vẫn thấy mình bé nhỏ trước mẹ như thuở nào, vì “con dù lớn vẫn là con của mẹ”.

Phóng viên: Là con trai, anh có gần và thường tâm sự cùng mẹ không?

Thạc sĩ Lê Hoài Việt: Tôi luôn có chính kiến của riêng mình, nhưng trước những quyết định trọng đại trong đời, tôi lại muốn được nghe ý kiến mẹ, bởi tôi tin vào kinh nghiệm sống cũng như sự cẩn trọng của mẹ, sẽ phần nào dung hòa lại tuổi trẻ, tính dám dấn thân, chấp nhận mạo hiểm và quyết đoán nơi tôi.

Giữa cuộc sống bộn bề, mệt mỏi, về nhà, chỉ cần ôm mẹ, cùng mẹ ngồi ăn bữa cơm, tự nhiên bao muộn phiền dần tan biến mất. Tôi nghĩ mình quá hạnh phúc khi có mẹ cằn nhằn mỗi sáng tôi đi làm rằng sao giày chưa bóng, sao quần chưa thẳng, sao áo lại nhăn… Tôi nghĩ mình quá hạnh phúc khi mẹ mắng tôi sao đã quá trưa mà chưa ăn, sao không nghỉ ngơi chút để chiều đứng lớp tiếp. Tôi nghĩ mình quá hạnh phúc khi vào quán, miếng thịt tôi nhường mẹ, miếng chả mẹ gắp bỏ phần tôi; cứ vậy, mẹ con đẩy đùn miếng ngon qua lại, nhiều khi cãi nhau.

* Mẹ có ảnh hưởng ra sao đến tính cách, con đường, sự nghiệp của anh?

- Cho tới giờ, có một điều mà mẹ vẫn luôn nhắc nhở tôi: “Con ơi, trước khi làm ông này bà nọ, con phải học làm người, làm một người chân thành và tử tế”. Đó chính là cách mà mẹ tôi sống suốt cả cuộc đời bà và điều này cũng ảnh hưởng tới cách mà tôi đối đãi với những người thương quanh mình. 

Tôi tin rằng, cho dù là chuyện tình cảm hay công việc, chỉ cần làm nhiệt tâm, làm từ trái tim, ắt sẽ chạm đến trái tim và thu gặt thành quả. Bằng sự chân thành và tử tế từ bài học mẹ dạy, tôi tự hào khi mình đã chạm đến những cột mốc nhất định trong sự nghiệp. Trên mỗi chặng hành trình tôi đi, tôi luôn có những người ơn bên mình, sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ. 

Lắng nghe nhau... Mọi người vẫn hay nói “khi có con sẽ hiểu lòng cha mẹ”. Tuy nhiên, một cách thẳng thắng thì ba mẹ đã từng là con cái, nhưng con cái (đại đa số) chưa từng làm cha mẹ. Do đó, tôi mong các bạn trẻ sẽ hiểu và cảm thông cho ba mẹ, chứ còn đòi hỏi các bạn phải làm thế như một điều tiên quyết, tôi e rằng có một chút bất công cho các bạn. Sau này có con, tôi sẽ dạy con và cố gắng hiểu con nhiều nhất có thể thay vì đòi hỏi con làm điều ngược lại. Bởi đơn giản, tôi muốn con mình sẽ được sống những ngày rực rỡ nhất có thể.
 

* Trong lần ra mắt sách Ở bên này thương nhớ năm ngoái, Việt kể về tuổi thơ, những ngày khó khăn ở miền Trung quê anh qua hình ảnh một người mẹ tần tảo. Nhớ lại những ngày đó, ký ức nào khiến anh xúc động nhất?

- Tôi nhớ nồi cá cơm kho mặn như muối. Mỗi ngày, mẹ múc một tí tẹo “nguyên liệu” ấy để nấu nguyên nồi canh, thế rồi cả nhà húp ngon lành. Tôi nhớ những đêm mẹ oằn mình thồ từng xe đá xanh từ đầu ngõ vào trong hẻm nhà tôi, thay vì thuê thợ. Cứ vậy, từ từ, ngày qua ngày, một mình mẹ, từng bước đặt từng viên gạch cho ngôi nhà mình. 

Tôi nhớ lần đang đứng trên bục thi thuyết trình văn học cấp thành phố thì dưới hội trường, mẹ bất ngờ bước vào trong khi tôi đã mặc định mẹ vẫn đi làm xa. Nhờ những ngày vắng mẹ, xa ba khi đó, tôi biết cách trân trọng khi hiện tại tôi có ba có mẹ, dưới một mái nhà, cùng ăn một bữa cơm, cùng đi dạo phố mỗi cuối tuần. Nhờ những tháng ngày thiếu thốn, tôi biết cách trân trọng từng đồng tiền nhỏ, cho mình, cho người thân, phòng cho những ngày khó. Đồng thời hiểu, cảm thông và sẵn sàng chia sẻ cho cả những người tôi chưa quen, những kiếp người chẳng vẹn tròn quanh mình.

* Nếu nói về một đức tính ở mẹ mà anh trân quý thì đó là gì?

- Chắc chắn đó chính là sự hy sinh của mẹ. Tôi nghĩ mẹ là hình ảnh điển hình của một phụ nữ miền Trung tảo tần, chịu thương chịu khó, vừa làm kinh tế, vừa chăm lo chồng con hết mực chu đáo mà không mảy may nghĩ gì cho riêng mình. 

Tôi hàm ơn và ngưỡng mộ đức hy sinh của mẹ. Nhưng có lẽ mẹ không biết, chính sự hy sinh của mẹ cũng là một gánh nặng vô hình trên vai tôi. Sống cùng một người mẹ tuyệt vời, đúng kiểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, trăm giỏi ngàn hay, lại đức hạnh và hy sinh như thế, thú thật tôi không tránh khỏi áp lực trong chuyện tìm một người bạn đời từa tựa mẹ mình. Mà điều này lại bất công quá cho người phụ nữ tôi yêu - người sẽ đồng hành cùng tôi sau này. 

Hơn nữa, khi mẹ chọn từ bỏ ước mơ, niềm vui của riêng mình để viết nên ước mơ của chồng, của con; tôi nghĩ phần nào đó trong mẹ sẽ luôn dễ bị tổn thương. Mẹ có lý do để được quyền tổn thương như thế, tôi hiểu và rất thông cảm. Nhưng thật tâm, tôi vẫn muốn mẹ được sống cuộc đời của riêng mình, vui niềm vui của riêng mình, làm những gì mẹ thích, dù chỉ một lần trong đời. Có lẽ khi đó, tôi sẽ hạnh phúc hơn tất thảy những gì mẹ từng làm cho tôi. 

Lắng nghe nhau...

Mọi người vẫn hay nói “khi có con sẽ hiểu lòng cha mẹ”. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn thì ba mẹ đã từng là con cái, nhưng con cái (đại đa số) chưa từng làm cha mẹ. Do đó, tôi mong các bạn trẻ sẽ hiểu và cảm thông cho ba mẹ, chứ còn đòi hỏi các bạn phải làm thế như một điều tiên quyết, tôi e rằng có một chút bất công cho các bạn. Sau này có con, tôi sẽ dạy con và cố gắng hiểu con nhiều nhất có thể thay vì đòi hỏi con làm điều ngược lại. Bởi đơn giản, tôi muốn con mình sẽ được sống những ngày rực rỡ nhất có thể

thạc sĩ Lê Hoài Việt

* Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, người ta lao vào kiếm tiền, tạo sự nghiệp, đôi khi quên chăm sóc gia đình, người thân… Anh nghĩ sao về sự “hy sinh” đó, cần làm gì để cân bằng?

- Ở Trường đại học Mở TPHCM, trừ các môn chuyên ngành, tôi có giảng dạy thêm một số môn kỹ năng như giá trị sống, thông minh cảm xúc và tư duy tích cực. Đây là cơ hội để tôi được gần sinh viên hơn, được lắng nghe tâm tư tình cảm của các bạn, về những điều các bạn băn khoăn, nỗi niềm các bạn chưa trải. Có những bạn trẻ nghẹn ngào chia sẻ với thầy và cả lớp, rằng bạn giận ba mẹ, vì ba mẹ mải mê kiếm tiền mà bỏ quên bạn, hình như ba mẹ không thương bạn. Thực sự tôi rất hạnh phúc mỗi lần được các bạn chọn trao niềm tin để mở lòng như thế. Bởi lẽ, tôi tin, ai cũng có niềm riêng và khi chia sẻ, tự khắc ta sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tôi nghĩ, nếu được lựa chọn, có lẽ không một ba mẹ nào chọn phải cực khổ, quần quật đêm ngày với công việc, thậm chí dãi nắng dầm sương buôn thúng bán bưng… để phải xa cách con mình. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì tương lai con, hay thậm chí vì nỗi ám ảnh về một quá khứ không đủ đầy, các bậc cha mẹ chọn lựa làm việc để hành trình con mình đi được thẳng thớm, nhẹ nhàng thay vì gồ ghề, nhiều chông gai như mình đã trải qua.

Tôi hay kể cho sinh viên nghe chuyện tôi mới 9 tuổi đã đạp xe cả chục cây số đi thi học sinh giỏi. Lúc thi xong, các bạn có ba mẹ đợi trước cổng trường, hỏi thăm kết quả, rồi thì đưa con gói bánh, hộp sữa… còn tôi bụng đói phải tự đạp xe về. Nhưng, tôi thông cảm cho ba mẹ, vì tôi biết ba mẹ đi làm xa cũng chỉ vì các con. Tôi tự hào về sự cố gắng, nỗ lực tự thân của mình. Tôi may mắn được sớm vượt qua nhiều khó khăn từ bé thì sau này tôi đã đủ đề kháng đối diện với tất thảy những giông gió trong đời. Tôi mong các sinh viên cũng có cái nhìn cởi mở, thông cảm, với tư duy tích cực như thế.

* Xin cảm ơn anh. 

 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI