Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Nối dài những mối lương duyên

03/11/2021 - 06:00

PNO - Những ngày giãn cách vì dịch COVID-19, để có được một cuộc nói chuyện trọn vẹn với Nguyễn Đỗ Trúc Phương rất khó. Cô cứ loanh quanh hết điểm này đến điểm kia để làm những công việc khó gọi tên của mình - giúp đỡ những người yếu thế đang thực sự gặp khó. Giữa biết bao điều tiếng mang tên từ thiện gần đây, để Phương tiếp tục theo đuổi công việc ấy quả thực không dễ dàng...

Lăn lộn giúp người mới thấy mình nhận lại quá nhiều

Trên trang cá nhân, Trúc Phương là một cô gái đẹp và thuộc nhóm “sang chảnh”. Từ Úc về Việt Nam quản lý khách sạn của gia đình, cô vấp ngay đại dịch thế kỷ. Mọi công việc bị ngừng trệ và cái duyên làm từ thiện đã đến một cách thật tình cờ.

Trước biết bao câu hỏi tại sao lại chọn công việc này, Phương dường như không trả lời được. Chưa thực sự có nhiều vấp ngã để hiểu hết những câu chuyện mang tên cuộc sống nhưng Phương hiểu rất rõ ý nghĩa hai chữ lựa chọn trong cuộc đời này. 

 

Bạn bè Phương vẫn đùa vui đặt cho cô biệt danh “cô gái vàng trong làng thiện nguyện” dù mỗi lần họ nhắc đến, Phương lại “nhảy dựng” lên phản ứng: “Trời ơi, có gì đâu mà to tát vậy!”. Những ngày còn ở nước ngoài, việc làm từ thiện của Phương chỉ đơn giản là gửi tiền về ủng hộ bệnh nhân nghèo.

Khi có cơ hội về nước, cô lại đi theo đoàn phát thuốc, phát đồ ăn trong các bệnh viện hoặc chùa. Thỉnh thoảng, cô cũng kêu gọi ủng hộ các trường hợp khó khăn trên trang cá nhân và nhận được một ít tiền ủng hộ từ bạn bè thân thiết.

Thế nhưng, tháng 8/2020, khi tình cờ biết được câu chuyện khó khăn của anh Nguyễn Hải làm nghề xe ôm: xe hư cũ không thể chạy được, chẳng có tiền mua cơm ăn... Phương vô cùng trăn trở.

Lần kêu gọi này, Phương nhận được 40 triệu đồng, một số tiền lớn hơn mong đợi rất nhiều. Phương đã cảm động đến nghẹn ngào. Chính người đàn ông ấy cũng không thể nào tin được khi chỉ sau cuộc điện thoại, đã có người dắt mình đi mua xe mới, điện thoại mới để có thể tiếp tục mưu sinh.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương và chú Hải bên chiếc xe mới
Nguyễn Đỗ Trúc Phương và chú Hải bên chiếc xe mới


Sau câu chuyện này, truyền thông tìm đến cô, người khó khăn tìm đến, bạn bè thấy người khó khăn cũng lên tiếng giới thiệu Phương. “Chắc mình mát tay...” - Phương đơn giản nghĩ vậy. 

Phương nói, mỗi sáng thức dậy, trang cá nhân của cô đều có hàng trăm thông báo mới. “Mọi người tag tên tôi vào nhiều nơi, nhiều câu chuyện. Có lẽ cộng đồng tin rằng tôi sẽ có cách nào đó hoặc tôi có thể nhờ ai đó giúp được”. Và Phương biết, điều cô nhận được sau những ngày lăn lộn ngoài đường giúp đỡ người khác chính là niềm tin của rất nhiều người.

Niềm tin, thứ mà ngày càng khan hiếm, đặc biệt là sau những câu chuyện lợi dụng uy tín cá nhân để kêu gọi từ thiện, gần đây được nhắc đến quá nhiều. Khi tôi hỏi Phương có bị những câu chuyện thiện nguyện của người nổi tiếng gần đây làm cho lung lay, Phương trả lời dứt khoát: “Không! Nếu mình bị tác động bởi những điều tiếng xung quanh rồi không làm nữa thì những người khốn cùng còn biết bám víu vào đâu”.

Những chuyến thiện nguyện của Phương gọn gàng, nhanh chóng đến tận tay người cần. Với những trường hợp cần giúp đỡ, Phương thường kêu gọi khoảng một vài ngày sau đó chốt số tiền và lập tức đến trao cho họ. “Tôi luôn luôn biết mình phải có trách nhiệm với số tiền của các nhà hảo tâm. Tôi làm thiện nguyện đều đặn hằng ngày, không làm theo một sự kiện nào. Tôi tin rằng bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống hằng ngày, vẫn có những người cần bàn tay của chúng ta đưa ra” - Phương nói.

Với Nguyễn Đỗ Trúc Phương, người cần giúp đỡ đã cùng cực lắm rồi nên đã giúp thì phải luôn nhanh chóng, thực chất để họ thoát khỏi những ngày tối tăm, cơ cực
Với Nguyễn Đỗ Trúc Phương, người cần giúp đỡ đã cùng cực lắm rồi nên đã giúp thì phải luôn nhanh chóng, thực chất để họ thoát khỏi những ngày tối tăm, cơ cực

 

“Có một tín hiệu lạc quan giữa những ngày dịch bệnh thật dài này”, Phương mở đầu cuộc nói chuyện như thế. Cô tâm sự: “Đã có nhiều, nhiều lắm những cá nhân tổ chức các đợt làm từ thiện ủng hộ người khó khăn. Có những con hẻm mà người dân ở đó chỉ làm công việc quyên góp, chia thực phẩm và mang đi cứu trợ. Họ cũng sợ rủi ro, cũng lo lắng về sự an toàn cho bản thân nhưng những lời kêu cứu khiến họ mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi lo nào. Nếu ai cũng sợ, cũng chùn lòng thì xã hội này thực sự đáng sợ biết bao. Bạn tôi vẫn miệt mài nấu ăn mỗi ngày rồi nhờ các đội cứu trợ mang đi gửi tặng ở các khu phòng trọ. Người quen tôi dốc hết tiền bạc để chuyển khoản cho các bà mẹ có con nhỏ đang khát sữa. Dù các thông tin lừa đảo nhan nhản, họ vẫn tin rằng ít nhiều tấm lòng của họ sẽ đến đúng người cần. Chính những điều họ đang làm, những câu chuyện giúp người vô tư này đã động viên tôi rất nhiều”. 

 

Không thể dừng lại

Cái tâm, theo Phương hiểu, là phải đứng ở góc độ của người cần giúp đỡ. Họ cùng cực lắm rồi nên đã giúp thì phải luôn nhanh chóng, thực chất để họ cầm cự, nhanh chóng thoát khỏi những ngày tối tăm, cơ cực.

Như lần Phương đến nhà một ông lão ở Bình Chánh. Ông bị tai biến, chỉ có thể ngồi một chỗ, lại mù. Vợ ông dù lớn tuổi và yếu vẫn phải đẩy xe nước giải khát đi bán để nuôi ba đứa cháu. Họ đang sống trong cảnh nợ nần chồng chất. Phương đến, mua sắm giường tủ cho ông bà, gọi chủ nợ đến và thay mặt họ trả nợ, đóng tiền thuê trọ nguyên năm.

Phương đã làm thế với hơn 60 mảnh đời khác nhau. Cô luôn đến tận nơi, hỏi han để biết họ cần gì, thiếu gì. “Có người muốn mua xe máy chạy xe ôm, có người cần tủ bán thức ăn... tùy hoàn cảnh và nguyện vọng mà tôi mua sắm hỗ trợ họ” - Phương kể.

Trúc Phương giúp đỡ một trường hợp khó khăn
Trúc Phương giúp đỡ một trường hợp gặp khó khăn trong việc mưu sinh

 

Nhiều người nhớ mãi hình ảnh cô gái xinh xắn, vui vẻ dắt các cụ già vào siêu thị mua sắm trong những ngày chưa có dịch bệnh. Khi đó, các cụ hào hứng vô cùng. Mới thấy, chúng ta có thể dễ dàng mang đến cho người nghèo ít tiền nhưng cúi xuống thật thấp để đồng cảm, để hiểu họ đang thực sự thiếu gì, cần gì lại là chuyện rất khác. “Đâu phải ai cũng từng vào siêu thị, đâu phải ai cũng tự do mua sắm đồ dùng cho mình mà không cần nhìn giá tiền. Tôi biết nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn đã phải cầm lên rồi bỏ xuống một món đồ. Sao không để các cụ ông, cụ bà một lần thỏa ý nguyện được mua sắm cho mình” - Phương nói.

Nghĩ là làm, cô đưa các cụ đi siêu thị mua mắm muối, dầu ăn, nồi niêu, xoong chảo... theo ý họ. Họ vui, còn Phương rơi nước mắt. “Lần đó, nhìn các cụ thật vui. Họ cứ rôm rả bàn nhau mua món này sắm thứ kia hồn nhiên như… trẻ nhỏ. Quả thật khi ấy tôi mới tin việc mình làm có ý nghĩa, ít ra với chính cuộc sống của mình” - Phương tâm sự.

Trên trang cá nhân, Trúc Phương là một cô gái đẹp, sang chảnh. Và cô gái ấy được bạn bè, người quen đặt biệt danh “cô gái vàng trong làng thiện nguyện”
Trên trang cá nhân, Trúc Phương là một cô gái đẹp, sang chảnh. Và cô gái ấy được bạn bè, người quen đặt biệt danh “cô gái vàng trong làng thiện nguyện”

 

“Có khó lắm không Phương, chuyện đi giúp người?” - tôi hỏi. Phương nhắc đi nhắc lại về hai chữ niềm tin trong cuộc sống vì cô biết đâu dễ cứ lên Facebook kêu gọi, người ta lại giúp ngay mà không đắn đo.

Nên được chọn để tin yêu, gửi gắm cũng là duyên và Phương muốn nối dài những mối lương duyên đó. Theo cách Phương nói thì “Người cần giúp quá nhiều, mọi thứ không thể nào ngừng lại được. Tôi đã leo lên những chuyến xe này, máy đã nổ rồi nên cứ phải chạy thôi. Khi trong lòng gợn lên hai từ dừng lại, tôi liền cảm thấy như thể mình sẽ có lỗi với ai đó và thế là tôi lại đi tiếp”

Bài: Lan Khôi

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI