Nguy cơ lớn cho sức khỏe người dân từ 'chợ thuốc' - Bài 1: Thoải mái bán - mua ở 'chợ trời' thuốc tây

02/02/2018 - 09:57

PNO - Cảnh mua bán thuốc chữa bệnh như mớ rau, miếng thịt... ang ngày ngày diễn ra xôm tụ tại khu vực chợ sỉ lớn nhất TP.HCM trước sự “bất lực” của cơ quan quản lý.

Bất cứ thời điểm nào trong năm, nếu ai có dịp rảo qua Trung tâm Thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế - số 134/1 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM, nơi “mệnh danh” chợ sỉ thuốc tây lớn nhất Sài Gòn - đều sẽ thấy hoạt động mua bán thuốc chữa bệnh cho người ở đây diễn ra hết sức bát nháo, không kém gì những khu chợ trời.

Nguy co lon cho suc khoe nguoi dan tu 'cho thuoc' - Bai 1: Thoai mai ban - mua o 'cho troi' thuoc tay
Hàng hóa bày tràn lan trước các gian hàng không đúng quy định về điều kiện bảo quản - Ảnh: Quốc Ngọc

Bán mua thoải mái, khỏi cần kê toa

Bên trong “trung tâm”, có hàng trăm gian hàng phân phối thuốc tây, trang thiết bị y tế, nội ngoại nhập… với hàng ngàn chủng loại. Chợ bán giá sỉ và phần lớn khách hàng là các tiệm thuốc tây khắp mọi nơi trong, ngoài TP.HCM. Nhiều phòng mạch tư, phòng khám tư cũng “cất hàng” từ chợ sỉ này.

Trước khi mua, chúng tôi thử hỏi các gian hàng, đại lý phân phối về danh sách các mặt hàng, sản phẩm thuốc, giá thuốc niêm yết… thì không nơi nào có danh mục theo quy định. Các nhân viên bán hàng chỉ đáp cùng một câu: “Muốn mua bất cứ cái gì cũng có”.

Tại đây, thuốc bán không cần có toa của bác sĩ, nếu mua lẻ. Nếu muốn “cất hàng” số lượng lớn, tức mua sỉ, khách cũng chẳng cần trình pháp nhân gì để chứng minh có đủ điều kiện được kinh doanh dược phẩm hay không. Chỉ cần nói miệng mình là chủ tiệm thuốc tây và đưa “toa hàng” liệt kê các sản phẩm thuốc cần mua. Nhân viên các cửa hàng tiếp nhận, báo giá trực tiếp hoặc gửi lại qua Zalo cho khách. Đấy là với khách mới đến, còn hầu hết khách của họ là mối lâu năm, chỉ cần ghé qua thảy “toa hàng” rồi đi đâu đó một vòng, khi quay lại thì nhân viên đã đóng hàng, kèm phiếu tính tiền.

Sau một hồi thăm dò, chúng tôi hỏi mua các loại thuốc gây tê tại gian hàng M8. Cô nhân viên giới thiệu có Lidocaine và Emla. Thuốc Lidocaine có hai loại bôi và tiêm tĩnh mạch, có giá chỉ dưới 200.000 đồng/lọ. Còn Emla là thuốc bôi, xoa, giá bán là 205.000 đồng/tuýp. “Mấy hàng này tụi em bán cho các tiệm tattoo, xăm thẩm mỹ nhiều lắm. Anh cứ yên tâm” - cô nhân viên nói.

Khi chúng tôi đề nghị cho xem hàng, cô nhân viên tiếp thị các sản phẩm gây tê qua hình ảnh đã lưu trong điện thoại của mình: “Giá em báo là giá sỉ rồi. Anh mua một lọ hay lấy số lượng bao nhiêu cũng giá đó thôi”. Chúng tôi hỏi về hóa đơn, cô bảo chỉ có hóa đơn bán lẻ, không có hóa đơn VAT.

Nguy co lon cho suc khoe nguoi dan tu 'cho thuoc' - Bai 1: Thoai mai ban - mua o 'cho troi' thuoc tay
 

Lidocaine là một loại thuốc gây tê cục bộ, được sử dụng để điều trị nhịp tim và gây tê thần kinh; nếu được trộn với lượng nhỏ Adrenaline, thời gian gây tê lâu hơn. Khi được sử dụng dưới dạng tiêm, Lidocaine có hiệu lực trong vòng bốn phút và kéo dài từ nửa tiếng đến ba tiếng đồng hồ; các phản ứng không mong muốn khi tiêm tĩnh mạch gồm buồn ngủ, co giật, nhầm lẫn, thay đổi thị lực, tê, ngứa, nôn mửa; nó có thể làm giảm huyết áp và làm loạn nhịp tim.

Còn Emla là thuốc gây tê tại chỗ với thành phần chính là lidocaine và prilocaine, có tác dụng gây tê tại da, sử dụng trong các tiểu phẫu cạn hoặc nhỏ, hoặc còn có thể dùng để xoa lên bề mặt dương vật nhằm chống xuất tinh sớm, kéo dài thời gian “quan hệ”.

Tại gian D1-D2, chúng tôi hỏi mua thuốc trị sốt rét. Nhân viên cho biết, có Choroquin Phosphate 250mg giá 45.000 đồng/lọ 200 viên. Tôi đồng ý lấy thử một lọ và phải đợi gần 20 phút sau mới có hàng. Tương tự, tại gian J5, chúng tôi hỏi mua thuốc phòng ngừa lây nhiễm HIV và được giới thiệu về hai loại thuốc kháng vi-rút là Tenofovir và Lamivudin. Tenofovir có hai loại giá, từ 200.000-700.000 đồng/hộp và Lamivudin có giá chưa tới 180.000 đồng/hộp. Các mặt hàng trên đều được bán cho khách không cần toa bác sĩ. Khách muốn mua bao nhiêu cũng có.

Hổ lốn nguồn hàng, dịch vụ ăn theo

Theo một dược sĩ của một bệnh viện ở TP.HCM, các thuốc mà chúng tôi được nhân viên chợ thuốc giới thiệu đều nằm trong danh mục thuốc kê đơn, nghĩa là khi bán, bắt buộc phải có toa của bác sĩ. Ngoài ra, toa đó phải còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế thì mới được bán, bởi các thuốc đó cần kiểm soát tốt theo điều trị của bác sĩ để tránh lờn thuốc, tránh sử dụng sai mục đích, hoặc gây độc cho cơ thể, trong đó, nguy cơ lớn nhất là tạo ra một hệ vi-rút, vi khuẩn mới kháng thuốc.

Băng qua những lối đi bị choán chỗ bởi các thùng hàng hóa ngổn ngang, cảnh xe máy tấp nập chở thuốc ra vào “chợ trời”, chúng tôi làm quen một “cò thuốc”. Lấy lý do không có thời gian thường xuyên đi chợ, chúng tôi hỏi nhờ anh ta “cất hàng” giùm cho tiệm thuốc tây mới mở của mình. Anh này nhanh nhảu nhận lời, hỏi tên, lưu số và địa chỉ, đồng thời cho biết, chỉ ăn chênh lệch 1-2%, lại còn có thể cho chúng tôi gối đầu.

Dò hỏi về việc ở đây có thu mua không, “cò thuốc” trả lời có, nhưng tỏ ra dè dặt và cảnh giác nói thêm: “Có hàng gì, cứ mang tới rồi tính, nhưng phải có hóa đơn nha”. Một dược sĩ từng làm việc cho một nhà phân phối trong chợ thuốc này gần 10 năm cho biết, không nhân viên nào biết được chủ tiệm nhập hàng, lấy hàng từ đâu. Dù khá nhiều mặt hàng trong chợ thuốc là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, nhưng phải là chỗ thân quen thì họ mới dám thực hiện các giao dịch thu mua.

Hoạt động lấy hàng phi pháp thông qua các trình dược viên cũng được che đậy khá kỹ, chỉ trình dược viên có thâm niên ra vào chợ thuốc mới được chủ hàng tin tưởng lấy thuốc. Mọi giao dịch của họ diễn ra nhanh gọn, sử dụng dấu hiệu, người ngoài nhìn vào khó có thể biết được. Một trình dược viên đã nghỉ làm ở chợ thuốc “bật mí” với chúng tôi vài thông tin về hàng “trôi nổi”: các chủ hàng thường có nhiều nguồn để nhập thuốc vào bán trong chợ, như nguồn từ lượng thuốc dư ở các nhà máy, từ kho các bệnh viện, nhưng số này tương đối ít, phần nhiều vẫn từ các trình dược viên của các doanh nghiệp dược.

Tuy nhiên, đã qua rồi thời của hàng chiết khấu, hàng mẫu không bán, vì các hãng kiểm soát chặt. Một trong những cách tinh vi hơn mà hiện các trình dược viên áp dụng để tuồn thuốc vào chợ sỉ, đó là nhờ một bệnh viện nào đó đặt hàng từ hãng; mọi thủ tục thanh toán, xuất hóa đơn diễn ra bình thường giữa cơ sở y tế và công ty dược, nhưng trình dược viên sẽ lấy thuốc, đẩy ra bán lại cho các thương lái, “cò thuốc” hoặc chủ cửa hàng trong chợ, sau đó, họ trả lại tiền cho bệnh viện. 

Bình quân mỗi ngày, có hàng ngàn người ra vào giao dịch, mua bán tại chợ sỉ thuốc tây ở Q.10. Như đã nói, không những ở TP.HCM, chủ tiệm thuốc tây các tỉnh cũng đến đây lấy thuốc về bán hằng ngày, hằng tuần. Và điều lo lắng thường trực của giới chuyên môn đối với “trung tâm” này chính là nguy cơ hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được lưu chuyển tại đây. Từ đó, các thuốcnày sẽ đến mọi nhà thuốc ở khắp “hang cùng ngõ hẻm” và đến tay người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu ra các nguy cơ và “điều lo lắng” này trong các bài sau, bằng những vụ việc nhức nhối và những ý kiến chuyên môn cụ thể, để thấy rằng vai trò quản lý chợ thuốc - đặc biệt là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về nó là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Mười (Q.10, TP.HCM) - còn bị buông lỏng như thế nào. Quan trọng hơn, đã đến lúc cần đặt vấn đề: có nên để tồn tại một chợ thuốc bát nháo như thế nữa hay không, hoặc phải cải tổ lại như thế nào cho quy củ, bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân. 

Quốc Ngọc

Bài 2: Nhan nhản thuốc giả, không rõ nguồn gốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI