Người trẻ ở Trung Quốc đua nhau lập di chúc

06/04/2021 - 14:07

PNO - Những người trẻ ở Trung Quốc lập di chúc ngày càng nhiều và có cái nhìn lý tính và cởi mở hơn về vấn đề sinh tử.

Lập di chúc, mỗi người một hoàn cảnh

Tiểu Hồng, sinh viên năm nhất vừa tròn 18 tuổi, đã đến Trung tâm đăng ký thứ hai Thượng Hải của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc để lập di chúc cho chính mình. Tiểu Hồng hy vọng sẽ để lại hơn 20.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 70 triệu đồng) trong thẻ ngân hàng cho một người bạn. Lý do Tiểu Hồng đưa ra quyết định này là vì lúc cô đau buồn và khó khăn nhất, người bạn ấy luôn quan tâm và chăm lo cho cô.

"Viết di chúc không phải là dấu chấm hết mà là một điểm khởi đầu mới. Tôi sẽ sống nghiêm túc hơn trong tương lai", Tiểu Hồng chia sẻ.

Mặc dù không để lại số tiền này cho ba mẹ, nhưng Tiểu Hồng cho biết cô sẽ tiếp tục để dành, nếu tài sản tăng lên thì có thể lập lại di chúc và tặng người thừa kế theo di chúc.

Người trẻ lập di chúc ngày càng nhiều. Ảnh Sohu
Người trẻ lập di chúc ngày càng nhiều - Ảnh Sohu

"Sách trắng về Ngân hàng Di chúc Trung Quốc 2020" do Ngân hàng Di chúc Trung Quốc phát hành gần đây cho thấy ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu lập di chúc. Nếu năm 2017, 55 bạn trẻ thế hệ 9X đã lập di chúc ở Ngân hàng Di chúc Trung Quốc thì đến cuối năm 2020, con số này lên 553 người.

Thang Đình Đình, một nhân viên của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc, cho biết 80% trong số các bạn trẻ thế hệ 9X lập di chúc đều đã có nhà riêng. Trong nhóm người này, việc ba mẹ mua nhà sau đó đứng tên con là khá phổ biến. Một số phụ huynh xem việc để con cái đứng tên nhà như là cách để giữ vốn sở hữu. Theo Thang Đình Đình, “đây cũng là lý do quan trọng khiến những người trẻ phải lập di chúc đề phòng sự cố ngoài ý muốn làm thất thoát tài sản”.

Tiểu Thụy (sinh năm 1999) đã lập di chúc từ năm 2017, khi đó anh ấy 18 tuổi (độ tuổi tối thiểu được phép lập di chúc ở Trung Quốc). Khi Tiểu Thụy chưa đầy 2 tuổi, ba mẹ anh đã ly hôn. Mẹ của anh đã quyết tâm lập nghiệp và không tái hôn. Bà mở 3 công ty và mua nhiều bất động sản, chủ yếu đứng tên Tiểu Thụy.

Khi sắp bước vào tuổi 18, Tiểu Thụy định đi du học và mẹ anh sẽ đi cùng. Trước khi đi, mẹ Tiểu Thụy đến Ngân hàng Di chúc Trung Quốc và bày tỏ nguyện vọng trong di chúc sẽ giao toàn bộ tài sản cho Tiểu Thụy.

Tuy nhiên, sau khi nghe tư vấn cẩn thận, mẹ anh biết được rằng nếu Tiểu Thụy gặp chuyện chẳng lành, ba ruột của anh cũng có thể quyền thừa kế tài sản. Để tránh sơ hở, mẹ Tiểu Thụy quyết định con trai của mình cũng cần phải lập di chúc. Trong di chúc, Tiểu Thụy sẽ giao tất cả tài sản cho mẹ hoặc những người thừa kế được chỉ định khác.

Hiểu được tình hình của gia đình, Tiểu Thụy đã lập di chúc sau khi mừng sinh nhật 18 tuổi hai ngày. Đó được xem là sự cố gắng để bảo vệ tài sản của cả hai mẹ con.

"Lập di chúc là một điều hạnh phúc"

Hiện nay, các loại hình tài sản di chúc của người trẻ tuổi đa dạng hơn người già. Những loại tài sản ảo như Alipay, WeChat, QQ, tài khoản trò chơi... rất phổ biến trong di chúc giới trẻ.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở dữ liệu về di chúc của Trung Quốc đã mở chức năng nhắn tin "Di chúc WeChat". Trong đó, người sử dụng chức năng này đa số là người trẻ.

Năm 2020, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc đã nhận được gần 70.000 "Di chúc WeChat". Trong đó, người dùng từ 20 đến 30 tuổi chiếm 38,7%, dưới 20 tuổi chiếm 27,4%.

Nội dung chủ yếu của những “Di chúc WeChat” là những lời nhắn gửi từ tâm can mà họ muốn bày tỏ với người yêu, người thân trong gia đình. 

Di chúc WeChat. Ảnh Sohu
"Di chúc WeChat" - Ảnh Sohu

Mã Hiểu Bình cho rằng ngày càng có nhiều người trẻ lập di chúc, điều này cho thấy xã hội đã cởi mở và lý tính hơn về cái chết. Họ đến với việc lập di chúc bằng một tâm thế thoải mái hơn, nhiều người xem việc lập di chúc là một cách giảm nhẹ áp lực tinh thần.

Trên màn hình điện tử của Trung tâm đăng ký thứ hai Bắc Kinh của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc luôn hiển thị lời nhắc để mọi người đều có thể nhìn thấy: "Đừng khóc khi ghi hình. Lập di chúc là một điều hạnh phúc".

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc đã thành lập 11 trung tâm đăng ký và 60 trung tâm dịch vụ trên khắp cả nước, đồng thời đã đăng ký, lưu giữ hơn 190.000 bản di chúc.

Hiện tại, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc miễn phí cho người trên 60 tuổi, những người chỉ đứng tên một bất động sản. Đối với những trường hợp không được miễn phí, giá lưu giữ di chúc ở mỗi nơi sẽ khác nhau. Ở Bắc Kinh, phí lưu giữ di chúc khoảng 9.000 nhân dân tệ (khoảng 32 triệu đồng).

Lập di chúc xuất phát từ căng thẳng tâm lý

Mã Hiểu Bình, Giám đốc của Trung tâm đăng ký thứ hai Bắc Kinh của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc cho biết, nhiều người công việc rất bận rộn, áp lực tinh thần lớn. Trong quá trình lập di chúc, họ suy nghĩ về sự sống và cái chết. Khi nghĩ thông suốt, áp lực kia sẽ giảm bớt đi. 

Một số người trẻ lập di chúc vì chịu ảnh hưởng bởi nghề nghiệp hoặc gặp một vài sự cố trong cuộc sống, từ đó dẫn đến nhận thức sâu sắc về sự sống và cái chết.

Lý do lập di chúc của người trẻ một phần xuất phát từ căng thẳng tâm lý. Ảnh Sohu
Lý do lập di chúc của người trẻ một phần xuất phát từ căng thẳng tâm lý - Ảnh Sohu

"Một số nhân viên y tế trẻ đến lập di chúc do họ đã nhìn thấy quá nhiều cảnh sinh ly tử biệt. Còn có một thanh niên tuổi đời chưa tới 20 đến lập di chúc vì thần tượng của anh ấy là siêu sao bóng rổ Kobe đột ngột qua đời vào năm ngoái, anh ấy cảm thấy sinh tử là vô thường", Mã Hiểu Bình chia sẻ.

Vũ Hoài (theo Sohu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI