Người quản gia xóm

23/06/2021 - 05:59

PNO - Hễ nhà ai có giỗ quảy, cưới hỏi, cô đều có mặt trước tiên, túc trực lo liệu như một quản gia. Hết thảy người lớn trong xóm đều coi cô như chị ruột.

Ngày tôi vào Sài Gòn, cô Lài đang phụ làm nhà ở xóm dưới. Dưới đó, nhà cô Cúc đang được đập đi xây lại. Công việc cô Lài phụ khuân vác, dọn gạch cũ, nấu ăn… Từ ngày nhà cô Cúc khởi công, cô Lài đi biệt từ sáng tới chiều, mẫn cán như một thợ phụ thứ thiệt.

Cô Lài là hàng xóm của tôi. Xóm nhà ngày xưa vốn là khu tập thể công nhân của một xí nghiệp gỗ. Hồi đó tất cả người lớn trong xóm đều là công nhân, chỉ cô Lài là “chị nuôi”, nấu ăn cho cả xí nghiệp. Giờ, ai cũng nghỉ hưu, nhưng cô vẫn là “chị nuôi” của cả xóm.

Hễ nhà ai có giỗ quảy, cưới hỏi, cô đều có mặt trước tiên, túc trực lo liệu như một quản gia. Hết thảy người lớn trong xóm đều coi cô như chị ruột. Và bọn trẻ con thì xem cô như bảo mẫu. Đứa nào có cha mẹ bận bịu đột xuất sẽ được đem sang “gửi cô Lài”. Đứa nào nghịch ngợm, tắm sông, phá làng phá xóm, sẽ bị cô Lài “ghi sổ”. 

Cô Lài giữ mấy đứa nhỏ trong xóm khi bố mẹ chúng vắng nhà
Cô Lài giữ mấy đứa nhỏ trong xóm khi bố mẹ chúng vắng nhà

Khi đang học năm thứ ba đại học, tôi được gọi về nhà khi bệnh ba trở nặng. Đi xe khách một ngày một đêm, tôi về đến nhà thì đã thấy khung cảnh một tang gia. Má tôi ngồi ở gian nhà trên, khóc đến kiệt sức. Chị tôi lầm lũi ngồi ở góc nhà soạn quần áo của ba. Anh tôi vụng về đỡ giúp tôi mớ đồ đạc. Mọi người đều chưa sẵn sàng làm trụ cột.

Nhưng ơn trời, khi bước xuống bếp, tôi đã thấy cô Lài ở đó. Cô đang tất tả sửa soạn mớ thực phẩm vừa mua từ chợ, rồi từ tốn nói với tôi: “Ba đi vậy thì đỡ đau, nghĩ nhẹ nhàng để ba đi cho nhẹ nghe con”.

Những ngày đó, cô Lài vào vai quản gia, tính toán hết chuyện chợ búa, hậu cần để chỉ đạo những người phụ nữ hàng xóm khác cùng nấu nướng, lo từng mâm cúng, bữa cơm cho đám tang ba tôi.

Đợt này miền Trung nắng hỗn, nắng từ sớm tới chiều, trời oi bức với nhiệt độ có lúc cao hơn 40 độ C. Những ngày mới về quê, tôi thấy má hay bước vào từ ngõ sau, vừa đi vừa càm ràm: “Cái bà Lài ni, trời nóng sôi mà đứng miết dưới bếp củi rang muối, tính hành xác hay răng á!”.

Hỏi ra, tôi mới biết cô Lài không dùng trực tiếp loại muối người ta bán ngoài chợ. Cô mua về, đem ngâm cho muối tan trong nước rồi lóng hết bụi bẩn. Lóng qua nhiều lần, lọc hết chất bẩn, đến khi nước muối chỉ còn màu trắng, cô mới bắc lên bếp, nấu khô lại.

Từng công đoạn đều công phu. Nhưng đến đoạn rang muối mới thực sự cực hình, vì trời quá nắng nóng. Vậy mà cô Lài làm tận mấy mẻ, từ ngày này qua ngày khác, để đủ xài cả năm.

Má chậc lưỡi vì xót người đàn bà U70 vẫn chưa chịu chọn việc nhẹ nhàng. Má dằn dỗi: “Ăn có bao nhiêu đâu mà cứ ôm đồm cho cực…”. Tôi chỉ biết nói thiệt nhẹ: “Thôi kệ, cô Lài thấy vui là được”. Với những người còn giữ nếp sống xưa, từng hạt muối, lon gạo đều được chắt chiu, quý giá vô cùng.

Ngày tôi vào Sài Gòn, cô Lài từ xóm dưới tất tả chạy về nhà. Cô ôm ra một chai nhựa loại 1,5 lít, đựng đầy thứ bột trăng trắng. Cô nói: “Cô Lài cho bé Cà Na chút muối này, đem vô Sài Gòn ăn cho sạch nghe!”. 

Chai muối nặng trịch, ướm chừng phải bằng 2-3 mẻ rang. Tôi ấp úng định nói lời từ chối thật thẳng thừng vì biết chỗ muối ăn này được làm ra từ bao nhiêu công sức. Nhưng cũng vì biết, nên tôi khựng lại. Rồi phụng phịu nói lời cảm ơn.

Chồng tôi ngỡ ngàng với món quà quý, nán lại tung hứng với cô Lài mấy công đoạn làm ra muối rang, rồi xuýt xoa cả cái công phu hiện tại lẫn quá khứ nào đó anh từng có về nó từ hồi xa tít tắp.

Tôi cho chai muối vào một chỗ trống êm ái nơi cốp xe, rồi chở vào thành phố cái ấm áp và sự chăm lo câm lặng, bền bỉ, vô điều kiện của người phụ nữ không ruột rà ở quê xa… 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI