Người phụ nữ có hệ miễn dịch tự chữa khỏi HIV

16/11/2021 - 21:22

PNO - Các nhà nghiên cứu không thể tìm thấy bất kỳ virus HIV nào còn tồn tại trong cơ thể người phụ nữ ngay cả sau khi sử dụng các xét nghiệm cực kỳ tinh vi và nhạy cảm để quét hơn 1 tỷ tế bào của cô.

Điều kỳ diệu từ hệ miễn dịch

Một phụ nữ ở Argentina đã trở thành người thứ 2 được ghi nhận có hệ thống miễn dịch tự chữa khỏi HIV. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho người mẹ 30 tuổi, người lần đầu tiên được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2013, là “bệnh nhân Esperanza”, theo tên thị trấn nơi cô sinh sống. Mặt khác, “esperanza” có nghĩa là “hy vọng”.

Bệnh nhân Esperanza giấu tên chia sẻ: “Tôi có một gia đình khỏe mạnh. Tôi không phải dùng thuốc và tôi sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Đây là một đặc ân".

Các đồng tác giả của báo cáo, được công bố hôm 15/11 trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho biết, họ tin rằng phát hiện thực sự sẽ mang lại hy vọng cho khoảng 38 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với virus và cho lĩnh vực nghiên cứu thuốc điều trị HIV.

Trường hợp này là một trong hai bằng chứng về việc phương pháp điều trị tuyệt đối chống lại HIV dường như có thể thực hiện được thông qua khả năng miễn dịch tự nhiên.

Tiến sĩ Xu Yu - nhà miễn dịch học virus tại Viện Ragon ở Boston (Mỹ), người hợp tác với Tiến sĩ Natalia Laufer - một nhà khoa học tại Viện INBIRS ở Buenos Aries (Argentina) trong cuộc nghiên cứu cho biết: “Đây thực sự là điều kỳ diệu của hệ thống miễn dịch của con người”.

Tiến sĩ Steven Deeks - một nhà nghiên cứu bệnh HIV nổi tiếng tại Đại học California, San Francisco (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu - cho biết: “Bây giờ chúng ta phải tìm ra cơ chế. Làm thế nào mà điều này xảy ra? Và làm thế nào chúng ta có thể tổng hợp lại phương pháp trị liệu này cho mọi người?”

Nhiều thập kỷ trôi qua, thế giới vẫn chỉ ở bước khởi đầu cho một phương pháp điều trị hiệu quả HIV
Nhiều thập niên trôi qua, thế giới vẫn chỉ ở bước khởi đầu cho một phương pháp điều trị hiệu quả HIV

Các nhà khoa học đang theo đuổi giấc mơ chữa khỏi HIV trên nhiều phương diện, bao gồm thông qua liệu pháp gen; nỗ lực loại bỏ virus thông qua cơ chế “chặn và khóa”, bẫy mã di truyền virus trong các tế bào; và vắc xin điều trị có thể nâng cao phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã chữa trị thành công cho 2 người khác, đều thông qua việc cấy ghép tế bào gốc phức tạp và nguy hiểm.

Kìm hãm và triệt tiêu hoàn toàn

HIV đặc biệt khó loại trừ khỏi cơ thể vì nó lây nhiễm sang một số tế bào miễn dịch gọi chung là ổ chứa virus, và có thể trải qua thời gian dài ở trạng thái nghỉ ngơi. Điều này giữ cho DNA của virus (còn gọi là provirus) mã hóa trong các tế bào đó vượt qua hàng rào điều trị kháng virus tiêu chuẩn - vốn chỉ có thể tấn công virus trong các tế bào bị nhiễm khi chúng chủ động tạo ra các bản sao mới của HIV.

Một cá nhân được chẩn đoán HIV thường được coi là đã chữa khỏi virus về mặt chức năng nếu họ giữ lại DNA của virus trong tế bào với khả năng phát sinh các bản sao mới của virus, nhưng chúng bị kìm hãm vô thời hạn mà không cần điều trị bằng thuốc kháng virus.

Kịch bản này đôi khi cũng được gọi là kiểm soát HIV sau điều trị, hoặc sự thuyên giảm của virus. Có một số trường hợp được ghi nhận về những người đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus, đặc biệt là nếu họ bắt đầu liệu pháp đó rất sớm sau khi nhiễm, có tải lượng virus duy trì ở mức rất thấp, ổn định và không tăng trở lại trong nhiều năm.

Đối với một phương pháp điều trị triệt tiêu hoàn toàn, sẽ không còn HIV tồn tại ở bất cứ đâu trong cơ thể.

Những người đàn ông đã được chữa trị thành công bằng phương pháp điều trị triệt tiêu bao gồm Timothy Ray Brown người Mỹ và Adam Castillejo người Anh. Họ được cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và ung thư hạch Hodgkin, tương ứng từ những người hiến tặng có bất thường di truyền hiếm gặp khiến các tế bào miễn dịch của họ có khả năng kháng HIV.

Timothy Ray Brown, được gọi là bệnh nhân Berlin, tại một cuộc họp báo để công bố sự ra mắt của Quỹ Timothy Ray Brown ở Washington, D.C., vào năm 2012
Timothy Ray Brown, được gọi là "bệnh nhân Berlin," tại một cuộc họp báo công bố sự ra mắt của Quỹ Timothy Ray Brown ở Washington, D.C., vào năm 2012

Ravindra K. Gupta của Đại học Cambridge - tác giả chính của nhóm điều trị cho Castillejo - cho biết, đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi Castillejo điều trị bằng tế bào gốc và hiện cơ thể anh không có dấu hiệu virus tái hoạt động. Các bác sĩ đã sẵn sàng khẳng định lần đầu tiên rằng người đàn ông từ Anh “gần như chắc chắn” - chứ không phải “có lẽ” - được chữa khỏi HIV.

Vào năm 2019, Björn Jensen, thuộc Bệnh viện Đại học Düsseldorf (Đức), đã trình bày trường hợp của một người đàn ông thứ 3, được gọi là bệnh nhân Düsseldorf, cũng được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp này. Jensen nói với NBC News rằng người đàn ông này vẫn chưa trải qua sự bùng phát trở lại của virus trong 3 năm sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus.

Dù 3 trường hợp này giúp tạo nên hy vọng đáng kể, nhưng phương pháp điều trị mà những người đàn ông nhận được là quá nguy hiểm và đắt giá để áp dụng chữa trị HIV cho bất kỳ ai không phải đối mặt với căn bệnh ung thư cần cấy ghép tế bào gốc. Kể từ khi trường hợp của Brown lần đầu tiên được công bố trên Tạp chí Y học New England vào năm 2009, các nhà khoa học đã thất bại nhiều lần trong việc chữa khỏi HIV ở các cá nhân thông qua các phương pháp tương tự. Bản thân Brown qua đời ở Palm Springs, California, vào tháng 9/2020 ở tuổi 54 sau khi bệnh bạch cầu quay trở lại.

Ngọc Hạ (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI