Người già đi qua đại dịch

12/12/2021 - 13:06

PNO - Những cụ già, sau thời gian dài đại dịch vần vũ, nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt là một điều quý giá vô bờ với họ.

Những người già đi qua đại dịch cùng nỗi lo âu, sợ hãi, mất mát... khiến con cháu không khỏi bùi ngùi.

Đại dịch tạo ra khoảng trống cô đơn nơi người cao tuổi. Ảnh: internet
Đại dịch tạo ra khoảng trống cô đơn nơi người cao tuổi - Ảnh minh họa từ Internet

Dì tôi mất, cả nhà nhận tin nhưng không ai có thể đến viếng nhìn mặt dì lần cuối. Em trai tôi nhiễm bệnh sau một tháng đi làm trở lại trong khu công nghiệp, cả nhà tôi đều trở thành F1, kể cả mẹ. Mẹ tôi có lẽ là người day dứt nhất. Mẹ không nói gì, chỉ lặng lẽ thở dài. Nhưng tối đến, mẹ thức khuya, lấy cớ coi phim bộ, nước mắt lặng lẽ chảy.

Em họ nhắn dặn cả nhà đừng đưa mẹ tôi qua viếng, vì thật ra khu phố bên ấy đang bùng dịch trở lại. Đám tang dì lặng lẽ. Người khỏe mạnh đến viếng, thắp nén hương rồi vội vàng từ giã. Chúng tôi tưởng nhớ dì trong lòng. Buồn đó, nhưng biết làm sao hơn.

...Tôi đi chợ, vội vàng, thu xếp mua đủ đồ nấu trong vài ngày giống khi còn giãn cách. Nhưng vẫn không quên tìm dì bán rau lớn tuổi vẫn hay cắp rổ rau lang nhiều sâu đi rảo trong chợ bán. Trước dịch, tuần nào tôi cũng mua rau chỗ dì. Có lẽ đã quen với cái nếp đi chợ, mua mối, nên chợ vắng ai, thiếu ai là biết.

Tôi tìm dì nhiều hôm mà chưa gặp được. Dì có bình an đi qua cơn đại dịch? Không ai trả lời tôi câu hỏi thăm đó. Bởi bạn hàng ở chợ này đa phần là dân tứ xứ đến lập nghiệp. Còn người ở đây, chắc chỉ một vài người như dì là còn thú vui cắp rổ ra chợ buôn bán vài bó rau, con cá. 

Những người già thường thích gắn mình với chợ. Như mẹ tôi, trên 70 tuổi vẫn thích ra chợ mua đồ về tự nấu. Ai đã từng đi bán buôn ngoài chợ thì không ở nhà lâu được vì nghiện chợ. Hay như một cụ già bán bánh mà mạng xã hội đưa mấy hôm nay, dẫu buôn gánh bán bưng cực khổ, có hôm chân yếu, vấp té đổ hết mớ bánh, cụ vẫn không nghỉ bán.

Nhiều người làm từ thiện sốt sắng mang tiền, quà đến giúp nhưng cụ từ chối. Có lẽ vì đây là cái nghiệp, là niềm vui duy nhất của cụ khi về già.

Thật may, sau đó tôi vẫn thấy hình ảnh bà cụ bán bánh quen thuộc ở cái chợ quen thuộc. Còn nhìn thấy cụ ở đó, là nhiều người còn an lòng. Vì biết rằng cụ vẫn bình an qua cơn dịch. 

Còn dì bán rau của tôi thì sao? Tôi có chút lo lắng khi nghe tin hẻm nhà dì vừa rồi có tới mấy chục ca F0. Tôi ước, nay mai đi chợ gặp lại dì và rổ rau không phân thuốc quen thuộc.

Gặp nhau bằng xương bằng thịt sau đại dịch chính là niềm hạnh phúc vô bờ của mỗi con người. Ảnh: internet
Gặp nhau bằng xương bằng thịt sau đại dịch chính là niềm hạnh phúc vô bờ của mỗi con người - Ảnh minh họa từ Internet

Hôm tôi đi tiêm vắc xin mũi hai, điểm tiêm rất đông người già. Có cụ chân yếu tay run, được con chở đến, nhờ người đỡ xuống và dìu vào trong chờ tiêm. Có cụ ngồi xe lăn, có cụ mắt mờ, phải bấu vai con mà đi.

Tôi thở phào vì chỗ tiêm ưu tiên người cao tuổi, không mất quá nhiều thời gian.

Tôi cũng ước, đến lần tiêm tiếp theo, tôi vẫn sẽ được gặp lại các cụ. Dù tóc các cụ bạc hơn, mắt mờ hơn, nhưng hề gì, miễn các cụ không bị con virus quái ác này đụng tới.

Và tôi ước, nay mai thôi, mẹ tôi thỏa mong muốn đi thăm chị em họ hàng. Người già gặp nhau, dẫu chẳng nói gì nhiều cũng đủ khiến họ mãn nguyện. Bởi hai năm đại dịch vần vũ, nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt là một điều quý giá vô bờ với họ rồi!

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI