Người dân Nhật Bản phản đối chặt cây hàng trăm năm tuổi để xây cao ốc

27/08/2023 - 18:02

PNO - Trước nguy cơ nhiều cây xanh bị chặt hạ để xây dựng các tòa nhà chọc trời, người dân Tokyo đã lên tiếng phản đối bằng các hình thức khác nhau.

 

Cô Miho Nakashima đang tạo hình một thân cây với nhiều hình vẽ được sơn lên cơ thể - Ảnh: Stephen Wade /AP
Cô Miho Nakashima đang tạo hình một thân cây với nhiều hình vẽ được sơn lên cơ thể - Ảnh: Stephen Wade /AP

Sáng Chủ nhật 27/8, tại khu vực trung tâm của công viên Jingu Gaien (Tokyo, Nhật Bản), cô Miho Nakashima trong bộ đồ tắm hai mảnh đang đứng yên bất động bên một cạnh cây bạch quả 100 tuổi. Toàn thân cô được sơn từ đầu đến chân với các nét vẽ tượng trưng cho những chiếc lá màu xanh và cành cây màu nâu.

“Tôi là một cây xanh. Xin đừng chặt hạ tôi”, Miho nói.

Thông điệp của cô gái trẻ này rất rõ ràng và cô liên tục lặp lại câu nói này để nó để phản đối một kế hoạch phát triển bất động sản đang gây tranh cãi, đe dọa xóa sổ nhiều cây xanh ở khu vực này.

Theo đó, một kế hoạch được Thị trưởng thành phố Tokyo Yuuriko Koike phê duyệt đầu năm 2023 sẽ cho phép các nhà phát triển bất động sản, xây dựng hai tòa nhà chọc trời cao 200 mét ở khu vực thuộc công viên Jingu Gaien, cùng với việc xây lại nhà thi đấu thể thao và một sân vận động bóng chày.

Anh Takayuki Nakamura là một trong số hàng trăm người đang tụ tập để phản đối việc chặt hạ cây cối phục vụ các công trình xây dựng. Anh đã đứng yên, úp mặt vào thân cây trong suốt cả buổi sáng đến tận cuối ngày.

“Tôi thấy sự tồn tại của cây cối ở đây quan trọng hơn là việc dựng lên những tòa cao ốc. Thậm chí tôi còn như nghe thấy tiếng kêu cứu của những cây xanh trong công viên”, anh Takayuki nói.

Anh Takayuki Nakamura đang thể hiện sự phản đối việc chặt cây xanh - Ảnh: Stephen Wade /AP
Anh Takayuki Nakamura đang thể hiện sự phản đối việc chặt cây xanh - Ảnh: Stephen Wade /AP

Theo hãng tin AP thì kế hoạch tái phát triển khu đô thị này sẽ mất hàng chục năm mới có thể hoàn thành do vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà bảo tồn, các nhóm xã hội dân sự và cư dân địa phương.

Đặc biệt, khi biết gần 20 cây bạch quả phía sau sân vận động bóng bầu dục và hơn 100 cây bạch quả chạy dọc theo con đường lớn trong khu vực có khả năng bị đốn hạ, nhiều nhóm học sinh sinh viên và nhân sĩ trí thức Nhật Bản đã bày tỏ thái độ phản đối bằng nhiều cách khác nhau.

Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami đã lên tiếng phản đối kế hoạch chặt hạ cây xanh. Nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto cũng đã gửi bức thư ngỏ tới Thị trưởng Yuuriko Koike chỉ trích kế hoạch này chỉ vài ngày trước khi ông qua đời.

Trước đó, khoảng 1.500 cây xanh ở thủ đô Tokyo đã bị đốn hạ để xây dựng sân vận động trị giá 1,4 tỷ USD phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020. Chưa kể nhiều diện tích công cộng cũng đã bị lấn chiếm để dựng nên các khu phức hợp cao tầng.

“Các công ty phát triển bất động sản đang cố gắng chặt bỏ nhiều cây xanh hơn để tạo thành một khu vực kinh doanh khổng lồ”, bà Mikiko Ishikawa, giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, nói. “Công viên này có lịch sử rất lâu đời, và cần được bảo tồn hơn là phá bỏ như cách mà người ta mong muốn”.

Những hàng cây xanh hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị đốn hạ để thay thế bằng những tòa cao ốc - Ảnh: Stephen Wade /AP
Những hàng cây xanh hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị đốn hạ để thay thế bằng những tòa cao ốc - Ảnh: Stephen Wade /AP

Nguyễn Thuận (theo AP)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI