“Người đàn bà ngồi đan” qua hai thế kỷ

22/03/2021 - 07:34

PNO - Nhìn cụ ngồi đan trong bình yên và nghe con cháu kể chuyện cụ, tôi cứ ngỡ như tìm thấy trong “di sản ký ức” những thước phim đẹp về cuộc đời của “người đàn bà ngồi đan” qua hai thế kỷ.

Cụ bà 97 tuổi Đào Thị Tình - người đan len qua thế kỷ, tựa vào len để nuôi con, và nhờ niềm say mê nghề thủ công truyền thống này mà trí óc minh mẫn. Các con của cụ nói: “Mẹ vẫn chưa quên bất cứ điều gì”. 

Đan len rèn trí

Năm 18 tuổi, cô gái Đào Thị Tình bắt đầu tập đan. Đến bây giờ, khi đã 97 tuổi, những mũi đan của cụ vẫn rất thuần thục. Con cháu trong nhà đều được dùng những sản phẩm khăn, áo choàng, vớ, mũ len… cụ đan.

Cụ Đào Thị Tình vừa tham gia một “thử thách”: trong hai tiếng hoàn thành một chiếc khăn len. Có khoảng mười người tham gia sân chơi này, trong đó cụ là thành viên cao tuổi nhất. 

Người quan sát lo cụ bị mệt khi phải ngồi quá lâu, tỉ mẩn với từng mũi đan. Nhưng không, khuôn mặt cụ nhẹ nhàng, hồng hào và vui vẻ ngồi hàng giờ hoàn thiện sản phẩm. 

Cụ bà Đào Thị Tình - người “đan len qua thế kỷ”
Cụ bà Đào Thị Tình - người “đan len qua thế kỷ”

Nghệ nhân đan len Trương Thị Mi Lan ngạc nhiên khi thấy đôi bàn tay của người già trăm tuổi ấy thoăn thoắt, với những mũi đan sáng tạo. 

“Các cậu ở Mỹ vẫn thường gửi len về cho ngoại đan, mục đích để bà rèn luyện, duy trì trí nhớ. Ở nhà ngày nào ngoại cũng đan như một niềm vui mỗi ngày” - chị Mai Thy Phương, cháu ngoại cụ Đào Thị Tình, hiện đang là giáo viên Trường THCS Phước Long (TP.Thủ Đức) chia sẻ. 

Đan len từng là nghề giúp cụ Tình kiếm tiền phụ giúp gia đình từ năm 19 tuổi. Năm ấy thịnh hành nhất là những bộ len bikini, được giới thượng lưu Sài thành ưa chuộng. 

“Hồi đó mẹ đan thuê cho người ta, cũng học lóm mà ra nghề, vì say mê mà giỏi nghề. Đến khi có gia đình, mẹ tạm ngừng việc đan len, chuyển sang buôn bán để có tiền chăm lo cho các con. Nhưng lúc rảnh mẹ lại đan khăn áo. Giờ trong nhà đứa nào cũng sở hữu những món đồ len của mẹ” - bà Phạm Thị Hải, đứa con đã ngoài 60 tuổi của cụ Tình, kể. 

Những cuộn len các con gửi về từ Mỹ, cụ Tình lại đan áo ấm cho con
Những cuộn len các con gửi về từ Mỹ, cụ Tình lại đan áo ấm cho con


Ngày con cháu mời tham gia sân chơi thử thách đan len dành cho người già, hỏi cụ có vui không, cụ cười bảo rất vui. Quả thật, có vui mới đi từ quận 4 sang quận 2 vào một ngày cuối tuần để sẻ chia sở thích đan len, chia sẻ cả những sản phẩm mà mình đã dày công lặng lẽ đan qua những ngày mưa nắng Sài Gòn, qua cả tuổi già chân mây…Chị Mai Thy Phương vẫn còn nhớ những chiếc áo choàng len có mũ trùm đầu bà ngoại đan cho, mặc vào bé gái trông giống như một nàng công chúa nhỏ. Khi chị đã là cô giáo, bà ngoại vẫn tiếp tục đan tặng cháu những chiếc khăn quàng cổ, áo khoác, nơ, băng đô, quai nón… Những cuộn len đầy màu sắc được cụ Tình cần mẫn sáng tạo nhiều hoa văn, kiểu dáng. 

“Bà ngoại minh mẫn lắm, đến giờ vẫn chưa quên bất cứ thứ gì” - chị Thy Phương tâm tình. Đó cũng là tâm sự ngọt ngào đối với người nghe. Một người già bước gần đến trăm tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh hồng hào, vẫn nhớ từng gương mặt con cháu, vẫn say mê với từng mũi đan và sống vui vẻ, hạnh phúc, thật sự là diễm phúc của đời.

Đan dệt bình yên

 “Cuộn len như quả cầu xanh” vẫn “đang lăn những vòng chậm rãi” dưới chân cụ Đào Thị Tình. Dáng ngồi đan của cụ lặng lẽ, chậm rãi và kiên nhẫn đầy vẻ bình yên.

Thi thoảng cụ ngẩng lên gọi con cháu, báo “hết len rồi, lấy len mới cho bà”. Cụ Tình có tám người con, đến giờ dâu rể cháu chắt trong nhà là “không đếm hết” như lời nói vui của bà Phạm Thị Hải, con gái cụ. Ngày cụ tham gia cuộc thi đan, cả dâu rể, con gái, các cháu và cả chắt đã cùng đi theo, ủng hộ tinh thần cụ. 

Niềm vui của người già trăm tuổi
Niềm vui của người già trăm tuổi

Cuộc mưu sinh của mấy mươi năm trước nào phải là không gian khổ vất vả. “Hồi mới giải phóng, ngoại bán than, bán chuối, gạo, rồi lấy bánh mì đi rảo bán khắp phố. Cậu tôi đến giờ mỗi khi nhắc chuyện xưa vẫn nhớ nhất, và thương nhất là tiếng rao của ngoại: “Ai bánh mì nóng giòn không?”. Tiếng rao lảnh lót trong đêm, mà lúc đó bà đã hơn 60 tuổi. Rồi ngoại còn làm nhiều nghề khác, mở cửa hàng giặt nhuộm, tráng bánh cuốn bán…” - chị Thy Phương bồi hồi.

Mãi đến khi các con đã thành gia lập thất và “chúng cũng ổn” như mong mỏi của người già, cụ Tình mới thảnh thơi. Nhưng vào lúc cụ nghỉ ngơi vui khỏe thì cụ ông mất (cụ ông Phạm Văn Tấn, mất năm 2001). 

Cụ Tình nói, lúc ấy nhìn đâu đâu trong nhà cũng thấy hình ảnh ông, cứ muốn làm việc tiếp để thôi nghĩ ngợi. Con cháu không cho cụ làm gì, lại nghĩ cách đưa bà đi chơi xa cho khuây khỏa. Các con ở Mỹ về đón bà sang chơi. Cứ thế mà đôi chân người già đã được đi cùng con cháu khắp cả nước Việt Nam, sang nước ngoài, rồi cụ đi chùa, làm từ thiện…

Chị Huỳnh Thị Thu Dung, con dâu cụ Tình nói cụ dành yêu thương cho tất thảy con dâu lẫn con rể trong gia đình. Đi chơi xa về, cụ luôn có quà cho các thành viên trong nhà, mua giày luôn vừa chân cả con gái lẫn con dâu. 

“Mẹ thoải mái lắm, lúc nào cũng quan tâm, yêu thương con cháu, dâu rể đều được mẹ thương như con ruột” - chị Dung tâm sự. Vòng tròn tình thương nối dài, tạo nên nguồn năng lượng tích cực, an lành. 

Đời người trăm năm, mấy ai có được một tuổi già hạnh phúc trọn vẹn. Ngày xưa cụ Tình chỉ dạy con cháu tỉ mỉ từ cách ăn uống, bày trí sắp xếp đồ đạc trong nhà sao cho lúc nào cũng phải ngăn nắp, sạch sẽ. Giờ đây, con cháu tự biết chăm sóc bà bằng những bữa cơm tươm tất, nhà cửa luôn giữ gọn gàng, thoáng mát. Và quan trọng là, các con cũng biết cách yêu thương nhau. Những đứa trẻ của cụ Tình lớn lên thành mẹ, thành bà, thành những người phụ nữ thành đạt trong xã hội đều thừa hưởng đức tính quý giá của cụ truyền lại: đề cao tình yêu thương và cách ứng xử. 

Nghệ nhân Trương Thị Mi Lan nói, công việc đan len rèn cho con người ta sự kiên nhẫn, chăm chỉ và cũng cho người ta sự mê say, sáng tạo nên tinh thần sẽ luôn lạc quan, tích cực. 

Cụ Đào Thị Tình được con cháu, dâu rể yêu thương, quý trọng
Cụ Đào Thị Tình được con cháu, dâu rể yêu thương, quý trọng

Cụ Tình ngày xưa đan khăn áo cho chồng con, giờ cụ đan tặng người thân quen hoặc nhờ con mang sản phẩm bán làm từ thiện. Cụ đan bất cứ thứ gì cụ thích: áo ấm dành cho trẻ em, mũ len trùm đầu, khăn choàng cổ, vớ, túi điện thoại… Con cháu cũng sợ nghề đan “thất truyền”, lâu lâu lại có người này người kia về nhà cụ học đan, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai “theo nổi” khả năng đan len sáng tạo của cụ Tình. 

Nhìn cụ ngồi đan trong bình yên và nghe con cháu kể chuyện cụ, tôi cứ ngỡ như tìm thấy trong “di sản ký ức” những thước phim đẹp về cuộc đời của “người đàn bà ngồi đan” qua hai thế kỷ. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI