Người đàn bà gùi măng nuôi con nhà người

22/05/2021 - 12:00

PNO - Bây giờ con gái bà đã có gia đình riêng. Đứa con trai thứ của ông qua đời. Bốn miệng ăn còn lại với tất cả mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt đều trông vào cái gùi còm cõi của bà.

Việc “cái nhà chị Dắng” lấy “nhà anh Săng” làm cả bản Than, cả xã Tân Pheo ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt. Người Tân Pheo ai mà không biết nhà anh Săng gầy khô đét như que củi đã mất đến 40% sức khỏe, gia sản vỏn vẹn ba… đứa con tật nguyền.

Đến khi chứng kiến bà Dắng là lao động chính nuôi ba đứa con tàn tật của chồng, làng bản mới hiểu bà lấy ông Săng bằng lòng thương yêu vô điều kiện.

“Nhìn nó khóc, mình thương”

Từ chiến trường Trung bộ, ông Lường Văn Săng trở về huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xây dựng gia đình. Thế nhưng, ba đứa con của ông: Lường Văn Hú (sinh năm 1982), Lường Văn Hoàn (sinh năm 1987), Lường Thị Hoan (sinh năm 1989) đều lần lượt bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Nhìn những đứa trẻ vừa dị tật bẩm sinh vừa không biết khóc cũng chẳng biết cười; bà con khắp các bản rỉ tai nhau “nhà cái anh Săng bị ma ám”.

Chỉ vì thương ông bố còm cõi nuôi ba đứa con tật nguyền mà người phụ nữ này đã gạt qua nghèo khổ để về ở, làm ấm lên bếp lửa nhà “người dưng”
Chỉ vì thương ông bố còm cõi nuôi ba đứa con tật nguyền mà người phụ nữ này đã gạt qua nghèo khổ để về ở, làm ấm lên bếp lửa nhà “người dưng”

Vợ chồng ông không một lần được nghe tiếng con khóc; không được khấp khởi theo từng bước lẫm chẫm học đi, theo từng tiếng bi bô học nói. Hình ảnh duy nhất của đám trẻ nhà ông là đặt đâu nằm đấy, họa hoằn lắm mới tự lết được vào góc này, xó nọ trong gian nhà bé xíu.

Ông Săng và vợ thay nhau, vừa trông con vừa cày xới những khoanh ruộng cằn cỗi; những quả đồi trơ khấc, bạc màu. Đói nghèo triền miên, chưa được ăn bữa nay đã phải lo tới bữa mai. Những điều vợ chồng ông chia sẻ với nhau dần dần chỉ còn bằng hành động, bằng việc cùng nhau chôn chặt nỗi đau để chăm nom ba đứa con tàn tật.

Có lần, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh muốn đưa ba đứa trẻ về theo chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam, ông Săng đã ngậm ngùi đồng ý nhưng người vợ thì dứt khoát: “Chúng nó ra sao cũng là con mình đẻ ra. Xa xôi thế, tiền thì không có để đi thăm, thương nhớ chúng nó làm sao mà sống được. Thôi thì ở nhà sướng khổ gì cũng bố mẹ con cái có nhau…”.

Nỗi đau tinh thần, rồi thiếu thốn vật chất đã nhanh chóng quật ngã người mẹ. Bà qua đời vì xơ gan cổ trướng, bỏ lại ông Săng với gánh nặng khôn cùng.

Bà Dắng đeo gùi đi rừng quanh năm, hái măng, hái chít, chặt nứa để trang trải mọi khoản chi tiêu trong nhà
Bà Dắng đeo gùi đi rừng quanh năm, hái măng, hái chít, chặt nứa để trang trải mọi khoản chi tiêu trong nhà

Bà Dắng là người xã Trung Thành, từng lập gia đình, chắt chiu nuôi hai đứa con gái. Chồng bà rượu vào là chửi và đuổi mấy mẹ con đi.

“Nó bị tâm thần mà. Nhà cửa, nó cũng không làm cho con cái ở đâu. Rượu vào, mười hai giờ đêm nó gọi dậy chửi. Nửa đêm, mẹ con tôi phải dọn cái chái nhà chỗ mấy con chó nằm ổ rồi ôm nhau ngủ…” - bà Dắng kể.

Bà mang con về nhà ngoại, ngày ngày vẫn cắt rừng từ Trung Thành sang tận Tân Pheo hái măng rừng. Hết mùa măng, bà lại đi hái chít, chặt nứa. Bàn chân đã đi nhẵn các vạt rừng Tân Pheo, song nơi níu giữ ánh mắt của người đàn bà lanh lẹ ấy lại là mái nhà xiêu vẹo, ọp ẹp, rách nát ở bản Than.

Sáng bà đi hái măng, thấy ông bố lụi cụi nhóm lửa nấu cơm, rồi bón cho từng đứa con ngây dại; xong việc mới đi xách nước, giặt giũ. Đến quá trưa, bà thấy ông xách dao đi lấy củi, chiều về còng tấm lưng gầy hom hem bổ từng nhát cuốc vào gò đồi cằn cỗi. Tất cả cứ bám riết lấy tâm trí bà Dắng, ám ảnh. Bà thầm nghĩ “mình vẫn sướng hơn “nó” nhiều”.

Bà Dắng kể, giọng thật thà của người cả đời sống giữa đồng rừng: “Nó” gầy lắm, chỉ còn hai hốc mắt thôi. Những ngày “nó” ốm đau, thấy “nó” vẫn phải bò dậy nấu cơm, bón cho con ăn rồi làm lụng. Lắm hôm đi qua, thấy “nó” khóc, mình thương. Thương bố, thương cả con nữa vì thiếu mẹ, chúng nó khổ lắm”.

Bà Dắng “thương bố, thương cả con nữa  vì thiếu mẹ, chúng nó khổ lắm”
Bà Dắng “thương bố, thương cả con nữa vì thiếu mẹ, chúng nó khổ lắm”

Ngày ngày cặm cụi để nuôi con chồng

Mười bốn năm trước, việc bà Dắng “lấy” ông Săng làm cả bản Than, cả xã Tân Pheo ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt. Người Tân Pheo ai mà không biết nhà anh Săng gầy khô đét như que củi đã mất đến 40% sức khỏe, gia sản vỏn vẹn ba… đứa con tật nguyền. Ngay cả nếp nhà chênh vênh trên sườn đồi Cỏ De cũng do “Quỹ vì người nghèo” trao tặng.

Hồi “Quỹ vì người nghèo” hỗ trợ tiền làm nhà, nếu không có sự chung lưng đấu cật của các ban ngành, của bà con trong thôn ngoài bản, chưa chắc ngôi nhà đã được dựng lên.

Khi ấy, tỉnh đội giúp bạt núi, san ủi nền nhà, chính quyền và ban ngành các cấp vận động bà con người hộ cây tre, người giúp thân gỗ, người góp ôm lá cọ cùng dựng nhà cho bốn bố con ông Săng. Việc trông nom, hướng dẫn dựng nhà cũng do một người tốt bụng trong bản coi sóc.

Nhà ông Săng bấy giờ nghèo đến độ không thể làm nổi một bữa cơm để cảm ơn bà con - những người đã góp công, góp của giúp bố con ông dựng nhà. Đến mức nồi niêu xoong chảo, bát đũa, quần áo bao nhiêu năm nay đều là người trong xã, trong bản giúp cho.

Thế mà bà Dắng vẫn dắt theo đứa con gái tám tuổi về sống với những mảnh đời tận khổ ấy, không có cưới xin, không một mâm cơm gọi là. Suốt nhiều năm, họ chỉ có một tấm hình chụp chung nay đã lên mốc để thay cho tất cả các thủ tục của một đám cưới.

Sáng, bà Dắng thức dậy nấu cơm. Bà chỉ ăn bữa sáng cùng chồng con rồi đi rừng xuyên cả trưa đến chiều. Khi bà đeo chiếc gùi đi hái măng cũng là lúc ông đi lấy nước. Mặt trời lên cao chói chang rồi ông mới có thời gian đi nhặt củi dự trữ cho mùa đông giá rét.

Bây giờ con gái bà đã có gia đình riêng. Đứa con trai thứ của ông qua đời. Bốn miệng ăn còn lại với tất cả mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt đều trông vào cái gùi còm cõi của bà.

Ngôi nhà do “Quỹ vì người nghèo” trao tặng đã xuống cấp. Trời mưa, hễ gió to là tốc mái, “cái vách cũng ngã ba bốn lần rồi, giờ chỉ muốn thay lớp lá mới thôi mà cũng chẳng làm được, vừa không có tiền, vừa không có người làm” - bà Dắng trỏ lên mái lá mỏng manh.

Ông Săng từng ao ước  khi nào có tiền sẽ làm  đám cưới nhưng mười bốn năm qua, hai ông bà chỉ có duy nhất một bức ảnh chụp chung đã cũ mốc
Ông Săng từng ao ước khi nào có tiền sẽ làm đám cưới nhưng mười bốn năm qua, hai ông bà chỉ có duy nhất một bức ảnh chụp chung đã cũ mốc

Bốn người đàn bà gùi măng từ rừng về ven đường Boọng Tau bán, bà Dắng đi sau cùng, không phải bởi gùi măng của bà nặng nhất mà bởi bà đã vào cái tuổi sáu mươi, chân đã chậm, sức đã đuối, mà để hái được măng thì mỗi ngày bà lại phải đi xa hơn.

Cân cả cái gùi măng nặng trên lưng cũng chỉ được 19 cân, bán được 54 nghìn, trả nợ 3 nghìn bó rau muống ông Săng mua lúc trưa, trả nợ tiền mua cá mắm, mua muối của mấy ngày mưa chỉ có thể ngồi nhà ăn không; lại mua thêm 12 nghìn cá khô để dành cho ngày hôm sau nữa, thế là hết veo buổi đi hái măng mà vẫn chưa hết nợ.

Hôm nay, bà Dắng về muộn hơn thường ngày. Bà sốt ruột giục cô bán hàng: “Nhanh lên giúp tôi với, về muộn, thế nào chúng nó cũng mong”.

Hú và Hoan ăn cơm xong lại đòi bố cho ra chái nhà ngồi. Ông Săng mỗi ngày một già, yếu; việc hằng ngày đưa được hai đứa con ra chái nhà đã thêm phần nặng nhọc. Hai con ông cứ ngồi mãi từ tám giờ sáng đến tận chiều chỉ để nhìn xuống dưới đường Boọng Tau.

Bà Dắng về muộn, Hú tỏ vẻ giận dỗi, mẹ Dắng hỏi gì cũng quay mặt đi, nhất quyết không nhìn. Bà con trong bản ai cũng bảo may mà có bà Dắng tốt bụng đến sống cùng để gánh vác, để san sẻ và chăm nom, chứ không thì chẳng biết giờ này mấy bố con ông ấy sống chết thế nào. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI