Những phụ nữ tận hiến: Xuống thấp, thấy mình gần đời hơn

31/08/2020 - 08:15

PNO - Đi qua thuở gian lao của đất nước, họ vẫn không ngơi nghỉ trong thời bình. Chẳng ai buộc họ phải thế, nhưng tiếng nói yêu thương từ trái tim phụ nữ vẫn thôi thúc họ cống hiến. Chuyện thế sự đất nước, số phận con người không dành riêng ai, nên họ - từ vị chính khách lẫy lừng đến vị cán bộ Hội Phụ nữ tên tuổi - vẫn miệt mài mang đến những nụ cười bình yên và yêu thương trong mỗi nếp nhà.

Lúc trò chuyện cùng bà, đôi lần thấy ông từ nhà dưới lên, lặng lẽ làm gì đó rồi lui. Sau tiếng chào của tôi là lời “thuyết minh” nặng trĩu yêu thương: “Cô đi đâu, ổng cũng chở, chứ bệnh khớp khó khăn lắm”. Đã 75 tuổi rồi mà ông vẫn chịu khó làm “phu kéo xe” cho bà thì quả là ngọt ngào. Tính chịu khó, thương vợ đã đành, còn thêm lẽ sống thì phải chịu nhau, không thì làm sao bà có thể chu du làm từ thiện mà nói như bà là “chừng nào làm không nổi thì thôi”.

“Tâm nguyện vậy mà”

“Cháu không hẹn trước thì cô đã đi rồi, bao việc đang chờ”. Tóc bà đã bạc trắng. Tôi tự hỏi, bà sẽ đi đến bao giờ mới dừng, bởi ngoài kia, làm sao dứt hết những phận đời cay đắng. Nhiều người nói: “Chị em cô Đoàn Lê Hương, Đoàn Lê Phong hay lắm”. Tiếng Việt mình ngộ thật. Chữ “hay” như là diễn đạt sự nể trọng nhưng không xa vời, nó gợi sự gần gũi, có sức cuốn hút, gợi cái nhìn thiện cảm. “Thì chị em cô làm từ thiện mà”. 

Bà Đoàn Lê Hương

Làm từ thiện là đức hạnh khi nhân thế quá nhiều niềm đau, nhưng nó chỉ có giá trị khi tâm rỗng, nghĩa là không chút mưu cầu. Nhìn lại hành trình của bà và em gái, khi tôi ráng hỏi đến hai lần rằng vì sao bà cứ mải mê như thế, bà buông một câu: “Tâm nguyện vậy mà”. Năm 2006, khi chính thức rời Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và nghỉ hưu, bà khăn gói sang Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. “Hội không tiền, hầu hết là các dì các chị hưu trí, rồi có thêm giáo viên, tiểu thương…”. Nghĩa là cũng xôm tụ, nhưng… tay trắng. Thì đi xin. Bà cười: “Mình cứ nhìn nhìn ngó ngó, thấy ai có thì xin”.

Người già nghèo khó từ 60 tuổi trở lên được tặng 100.000 đồng/tháng, có bữa ăn dinh dưỡng mỗi tháng một lần, Tết có quần áo, giỏ quà, mà thành phố này có đến 210 người như thế; xây nhà tình thương, cầu giao thông nông thôn từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên; lập bảy mái ấm tình thương nuôi 165 cháu cơ nhỡ, lang thang; cấp học bổng Nguyễn Thị Minh Khai từ cấp tiểu học đến đại học cho nữ sinh nghèo, nay đã có 428 cháu được cấp…

Những con số dài ra, mà năm nào cũng có, thì hỏi tiền đâu ra, và quan trọng là cách nào để xoay tiền. Cần sức, trí, cả sự kiên nhẫn nữa. Nói như bà Phong là, đàm phán với đối tác khó khăn lắm, có điều họ kèm điều kiện khiến mình hoàn toàn làm được, đó là tiền của họ bỏ ra giúp phải có hiệu quả. Những đứa trẻ ở mái ấm tình thương phần lớn mù chữ, quen sống ở vỉa hè, tâm hồn bị chấn thương, mà giúp tụi nó thay đổi thói quen, tính khí, tài trợ cho học đến đại học, học nghề, rồi dựng vợ gả chồng… là minh chứng cho thấy rằng “chúng tôi làm được”. Hành trình ấy, nào có dễ đâu ở những người đàn bà đã nghỉ hưu.

Phục vụ xã hội đến cùng

Được cái, chị em bà đều có tinh thần được nung đỏ từ trong máu. Cha là chiến sĩ cách mạng Đoàn Văn Bơ, mất trong tù khi bà Hương mới 11 tuổi. Một ngày sau khi cha bị bắt, mẹ bà cũng bị bắt theo khi mang bầu đứa út bốn tháng. Là chị đầu, bà Hương phải lo cơm nước cho hai đứa em, tá túc nhà người thân, bí mật giấu, đốt tài liệu trong nhà. “Ngày xưa đọc Tự lực văn đoàn, rồi nghĩ ông già dấn thân được, sao mình lại không?”. 
17 tuổi, bà vào căn cứ, rồi quay lại nội thành đấu tranh, bị tù hết chỗ này đến chỗ kia. Năm 1974, bà từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo Q.10, rồi từ đó gắn chặt với phong trào Đoàn, Hội Phụ nữ, dân vận Thành ủy. Đến lúc về hưu, cũng tiếp tục làm việc.

Lịch công việc của bà Hương ngó qua vắn tắt nhưng về hưu rồi, nên xem ra cũng mỏi với người già: sáng ra là đi chợ, sơ chế xong thì lên Hội, trưa về lo cơm nước, chiều cũng đi, rồi những chuyến đi xa, mình ông ở nhà lọ mọ. 

Cô em là Đoàn Lê Phong nay kiêm hai chức là Phó ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, vừa làm phó cho chị gái ở Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Bà Phong cũng là dân hoạt động phong trào học sinh - sinh viên, bị giặc bắt, tra tấn đến thương tật.

Bà Đoàn Lê Hương (trái) đến thăm và chúc mừng Báo Phụ Nữ TP.HCM nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Bà Đoàn Lê Hương (trái) đến thăm và chúc mừng Báo Phụ Nữ TP.HCM nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Nguyên cớ nào khiến hai chị em bà mải mê đi từ thiện? Bà Hương không trả lời thẳng mà trầm tư kể về má mình. Ba mất, mình bà nuôi năm đứa con, nhưng cũng tham gia phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, giải phóng ra thì làm hợp tác xã…

“Năm chị em cô khi sinh cháu, tất cả nhờ má chăm; đám cưới đứa nào, má cũng nuôi một con heo; tết, má có nghề may, nên mỗi đứa một bộ đồ. Hồi ba còn hoạt động, má làm giao liên, làm bình phong cho ba. Cả đời má là vì chồng con, hy sinh tất cả. Khi cô lớn tuổi, về nói “má ơi, nhiệm kỳ này con không ứng cử nữa”, má liền hỏi: “Tại sao? Con có làm điều chi sai trái?”. Giải thích mãi, má mới tin, bởi má nghĩ làm cách mạng là quên mình. Ngày cô về hưu, đó là những ngày hạnh phúc nhất của cô với má. Lúc đó, má đã 91 tuổi, chính tay cô chăm sóc má đêm ngày, được sáu tháng thì má mất. Cô tiếc thời gian bên cạnh lo cho má ngắn quá… Chị em cô hưởng gia tài và chịu ảnh hưởng lớn từ ba má, là đức hy sinh. Cô nghĩ, chẳng phải chị em cô làm từ thiện là do duyên đâu, mà đó là câu chuyện gia đình, là phải phục vụ xã hội đến cùng.

Xã hội còn bao người cực khổ…

Có thể xem đó là hệ quả của lối giáo dục truyền tâm, bằng hành động cụ thể chứ không rao giảng. Nhưng tôi vẫn nghĩ, chỉ có vậy thì vẫn chưa đủ, khi nhìn vào chị em bà, tuổi cao, đi đứng khó khăn, bệnh tật, mà con số từ thiện của Hội chiếm đến 20% quỹ từ thiện của Hội LHPN TP.HCM, nó nói rằng bà và cộng sự đã dấn thân cho cộng đồng, đã làm bằng cả tâm nguyện, nhiệt huyết. 

“Cô nhớ một lần đi Bến Tre trao nhà tình thương, cán bộ xã hỏi như năn nỉ “chị ơi có một gia đình chính sách già yếu lắm rồi, nhưng xin chưa được nhà, chị giúp giùm được không, bởi sợ người ta qua đời khi chưa từng có được một mái nhà yên ấm”. Cô sợ người ta nói mình làm không đúng, vì mức nhà chính sách lên đến 70-80 triệu đồng/căn, mà mình cho chỉ được 30 triệu đồng/căn, nhưng thương quá nên liều, vận động cho đủ, mọi người mừng, mình cũng mừng. Xã hội còn bao người cực khổ không thể tả, rồi anh em nơi biên giới hải đảo, mình có làm mấy cũng không bù nổi thiệt thòi của người ta…”. 

Bà Đoàn Lê Hương phát biểu tại  một cuộc gặp gỡ cùng hội viên phụ nữ
Bà Đoàn Lê Hương phát biểu tại một cuộc gặp gỡ cùng hội viên phụ nữ

Bà Phong góp chuyện: “Có quá nhiều hoàn cảnh, số phận thiệt thòi, ngang trái và cay đắng ở các mái ấm tình thương, mà chung quy là tụi nhỏ nếu không có mình, không biết đời tụi nó sẽ dạt về đâu”. Cô nhớ cháu Tống Văn Đa ở mái ấm Ánh Sáng. Nó sinh ra ở Cam-pu-chia, chỉ ghi vậy thôi, hồ sơ cá nhân đó theo nó suốt đời, nếu mình không giúp. Đến năm nó 18 tuổi, tụi cô phải sang đó xác nhận, có như vậy mới xin được việc cho nó, rồi sau này nó mới sống dễ dàng được”.

Tôi hỏi bà Hương, rằng lúc làm đến chức vụ cao nhất và bây giờ, sau hơn 10 năm hòa mình như máu thịt với những con người cùng cực, bà có thay đổi cái nhìn của mình về cuộc sống không? “Có, rất nhiều. Khi qua Hội Phụ nữ từ thiện, cô nghiệm ra tình thương, sự sẻ chia của mình rộng hơn, lớn hơn, lòng trắc ẩn sâu hơn, bởi công việc ở Hội này là trực tiếp đến tận nơi, nhìn, nắm, nghe cụ thể. Ví dụ như mấy cháu ở mái ấm, đó là lát cắt rõ ràng ở xã hội chúng ta. Cha mẹ ly hôn, làm ăn phi pháp, con cái sẽ mất chỗ dựa rồi hư hỏng. Đưa vào mái ấm ở với mình, nó tốt lên nhiều. Thực tế nó in vào trong cô, chính vì thế mà cô theo đuổi. Hồi mình còn làm to, ở trên cao thì tiếp xúc ít đi, có gặp gỡ người dân thì cũng đã được chuẩn bị hết rồi. Về hưu thì đi làm cụ thể, sâu hơn. Nói thật, cô thấy mình may mắn khi làm từ thiện, nếu không tham gia thì tiếc lắm, dù cũng có chút ít hy sinh bản thân và gia đình”. 

Người ta hay nói, cán bộ, lãnh đạo phải gần dân, hiểu dân, nhưng để làm được điều đó, ngoài trách nhiệm, phải có tình thương, đặt mình như người dân, hành động thực sự, và chính lòng ưu tư cho đời sống người dân sẽ giúp họ vượt qua những mệnh lệnh hành chính. Làm thế nào để những người ở trên cao làm đúng tâm nguyện của kẻ dưới thấp khi họ còn tại vị? Ở xứ mình, chuyện đó mấy chục năm rồi như chiếc xe ì ạch. 

“Chị em ở Hội mới bàn là, lâu nay, mình cho quà bà con miền núi, xài xong là họ tay trắng, nghĩ lại là không bền vững. Phải thay đổi thôi, làm sao giúp họ từ quà của mình mà dần dần cải thiện đời sống. Nhưng tụi cô nghĩ mãi chưa ra, dù quyết tâm phải thay đổi”. 

Chuyến xe từ thiện của họ vẫn lăn, và nếu làm từ thiện để thấy đời vui hơn thì có lẽ phải thêm rằng, nó xác định một giá trị sống. Tôi nói năm ngoái ở Quảng Ngãi, có nhà hảo tâm đã dùng thùng container biến thành nhà nội trú cho học trò miền núi, được mọi người đánh giá là quá tốt. Bà ồ lên, vậy là phải tham khảo xem thử. Tôi nhớ Albert Schweitzer nói, lòng tốt kiên định có thể làm được nhiều điều, nó như mặt trời làm băng tan chảy, lòng tốt khiến sự hiểu nhầm, sự nghi ngờ và thù địch bốc hơi… 

Mộc Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI