Những phụ nữ vượt lên số phận

20/04/2020 - 06:05

PNO - Nghèo khó, khiếm khuyết cơ thể, cộng với bệnh tật hành hạ, nhưng những người phụ nữ ấy đã không gục ngã. Dù chậm, dù chưa bằng ai, nhưng những bước chân khập khiễng ấy đã vượt qua chính mình.

1. Cuối tuần mà chợ Bình Khánh (P.Bình Khánh, Q.2) vẫn không đông như thường lệ. “Mấy ngày rồi sạp không có khách. Mùa dịch mà, phải chịu thôi”, chị Chu Thị Lan Huệ, 58 tuổi, tiểu thương của chợ, nói. 

Ở chợ này ai cũng biết chị Huệ. Năm 2010, chị mới vào thuê sạp, đặt bàn máy may, ai cũng tò mò bởi dáng đi khập khiễng, cả hai tay, hai chân đếm không đủ năm ngón lành. “Cổ chịu khó dữ lắm. Nhiều hôm, 3-4g sáng đã tới chợ dọn dẹp. Năm 2018, phải phẫu thuật cắt thêm một phần chân phải mà cổ có chịu nghỉ đâu, vẫn cố bò ra chợ. Tụi tui thương, mỗi người góp chút ít hỗ trợ cổ. Bây giờ không ai để ý đến khiếm khuyết cơ thể nữa, rất trân quý và mong cổ khỏe mạnh”, chị Đặng Thị Ngọc Trâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bình Khánh - chia sẻ. 

Chị Chu Thị Lan Huệ
Chị Chu Thị Lan Huệ

Sinh ra ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, năm 13 tuổi, Lan Huệ rời quê hương lên Sài Gòn điều trị bệnh phong rồi ở lại trại phong Thanh Bình (Q.2) cùng mẹ. Tại đây, năm 1985, chị nên duyên với anh Nguyễn Văn Hoàng. Rồi chồng chạy xích lô, vợ đi học may. Hai cô con gái lần lượt chào đời đều khỏe mạnh. Chị nói, đó là món quà vô giá mà mình nhận được trong cuộc đời lắm gian truân này. Khi trại phong Thanh Bình giải tỏa cũng là lúc sức khỏe anh Hoàng sa sút nên được chuyển lên trại phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương), còn chị và các con về chung cư Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 theo diện tái định cư. Vài tháng mấy mẹ con chị lại lên thăm chồng, thăm cha một lần. 

Học may ra nghề, chị Huệ nhận may áo dài, sơ-mi, áo bà ba và sửa quần áo. Về sau, Hội Phụ nữ địa phương cho vay vốn, chị đầu tư bán vải, chắt chiu lo cho các con và chữa bệnh. Bệnh chữa khỏi, song cũng có người ngại không dám lui tới mua vải của chị hay giao quần áo cho chị sửa. Chạnh lòng, nhưng chị tự động viên mình cố gắng nhiều hơn. “Coi vậy chớ Sài Gòn đã cưu mang mình theo đúng nghĩa người nhà. Tui lên Chợ Lớn, quẹo qua Tân Bình, những người bán vải đều thương. Lẽ thường, mua lẻ 4-5m họ không bán, nhưng thấy mặt tui là họ vui vẻ cắt cho liền. Quanh chợ này cũng vậy, từ chú bảo vệ đến các anh, chị tiểu thương đều sớt chia, nâng đỡ mình mỗi khi ốm đau. Con gái tui đi học, Hội cấp học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. 10 năm trước, có bữa mấy mẹ con chỉ đủ tiền mua một hộp cơm chia ra ăn cả ngày, giờ thì dễ thở rồi”, chị Lan Huệ tâm tình. 

2. Chị Lý Siu Quyên, 54 tuổi, ở chung cư Ngô Gia Tự, P.2, Q.10 khoe, bữa nay có khách đặt năm chục bánh bèo. Vì dịch COVID-19, không thể đẩy xe đi bán bánh bạch tuộc và trứng cút chiên nên chị Quyên quay qua làm bánh bèo rồi đi giao cho khách. “Dịch bệnh nên ế lắm cô, ngày được vài chục bánh là mừng. Ngồi không buồn thấy mồ”, chị cười hiền khô. 

Chị Siu Quyên người gốc Hoa, sinh ra tại Sài Gòn. Năm 9 tuổi, gia đình đi kinh tế mới ở Bình Phước. 13 tuổi, trong lúc đi làm, chị bị cây ngã đè phải cưa bỏ một phần chân phải, chị trở ngược về Sài Gòn bắt đầu cuộc sống mới với cây nạng gỗ và sau này làm chân giả. Hai vợ chồng lấy nhau năm 1995. Trong khi công việc của chồng bấp bênh thì chị gắn bó với bộ đồ nghề làm móng mấy chục năm trời, từ khi tiền công chỉ 1.000 đồng/bộ móng đến vài chục ngàn đồng. Rồi cuộc sống có lúc cũng không “vừa vặn” nên vợ chồng chị ly thân, con trai theo mẹ ra ở trọ. 

Chị Siu Quyên ở trọ ngay cầu thang chung cư Ngô Gia Tự. Mùa dịch, chị ở nhà làm bánh bèo giao cho khách
Chị Siu Quyên ở trọ ngay cầu thang chung cư Ngô Gia Tự. Mùa dịch, chị ở nhà làm bánh bèo giao cho khách

Tuổi ngày một cao, mắt kém dần, có lần khi làm móng chị lỡ làm chảy máu tay khách hàng nên đã tính chuyện chuyển nghề. May sao, Hội LHPN P.3, Q.10 giới thiệu chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua cho con trai chiếc xe máy làm “chân” đi làm và sắm chiếc xe đẩy để đi bán bánh bạch tuộc, trứng cút, cá viên chiên. Lương con mỗi tháng được 5-6 triệu đồng. Còn chị Quyên, cứ 4-5g sáng lại thức dậy chuẩn bị bạch tuộc, bột mì, cá xay và các loại nước chấm, đến 9g thì đẩy xe đi bán loanh quanh các khu nhà cao tầng, trường học ở P.3, Q.10 cho đến 6-7g tối. “Đi riết, mỏm cụt bên chân giả đau thấu trời, nhưng mình vẫn vui vì được làm việc. Bữa nào khá thì lời một - hai trăm ngàn đồng, ít thì sáu bảy chục ngàn đồng. Mình hài lòng với cuộc sống hiện tại”, chị Siu Quyên nói. 

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN P.3, Q.10, cho biết, dù chị Quyên đã chuyển qua P.2 thuê trọ nhưng chị vẫn tới lui thăm, coi tình hình làm ăn ra sao, sức khỏe thế nào, có cần hỗ trợ gì không. “Đó là người phụ nữ mạnh mẽ và tự trọng, không than thở hay xin xỏ ai cái gì. Mỗi dịp lễ, tết, Hội tặng nhu yếu phẩm, phong bao lì xì, chị hay hỏi đã đủ chia sẻ cho chị em khó khăn chưa, mình gật thì chị mới nhận”. 

3. “Hồi xưa, cứ mỗi chiều ngửi mùi cơm từ nhà hàng xóm là tui thèm ứa nước mắt. Mồ côi cha mẹ, sáu anh em tui sống nương nhau. Lớn lên, lập gia đình, người bán vé số, người quét dọn chợ, người đi bẻ dừa hoặc lượm ve chai, không đứa nào có cục đất chọi chim” - chị Lâm Thị Thúy, 55 tuổi, ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, khởi đầu chuyện về đời mình. Bên hông căn chòi nhỏ, vợ chồng chị lặng lẽ phân loại mớ chai lọ, hộp giấy, ống nhựa.

Trước đây, cứ mỗi nửa tháng chị đẩy ve chai ra vựa, bán được 2-4 triệu đồng. Nhưng từ sau tết Nguyên đán tới nay, mới chỉ bán được đúng một lần gần 4 triệu đồng, đủ đóng tiền trọ, điện, nước hai tháng. Ở Sài Gòn đã 20 năm, chị Thúy vẫn nhớ hoài những ngày manh nha ý định rời quê Trà Vinh ra đi. “Lối xóm dọa tui rằng, thành phố giàu sang chẳng chú ý đến mày đâu, coi chừng chết không ai biết. Nào ngờ, Sài Gòn đã chở che cho tui gần nửa đời rồi cô à” - giọng chị nghèn nghẹn. 

Anh Kim Sôi, chồng chị, người Khmer, cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được chị gái nuôi khôn lớn. Tới tuổi trưởng thành, anh đi vác mía thuê cho lò đường và gặp chị Thúy. Hai người thương nhau rồi về sống chung. Ban ngày chồng vác mía, đêm đi soi ếch để kiếm thêm. Chân chị Thúy bị teo cơ, gót chân phải co rút, đi đứng xiêu vẹo khiến nhiều phen chị bị té cắm đầu xuống mương. Nhưng chị không khóc mà chỉ tiếc mớ ếch nhái - công sức của chồng.

Chị Thúy đang phân loại ve chai
Chị Thúy đang phân loại ve chai

Hồi năm 2001, với 400.000 đồng mượn được, vợ chồng chị cùng con gái dắt nhau lên Sài Gòn ở trọ và xin làm mướn cho vựa ve chai. Về sau, anh Sôi đau khớp nặng, còn chị tăng huyết áp liên tục nên không thể cáng đáng công việc. May mắn, chị nhận được 10 triệu đồng vốn của quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (trực thuộc Hội LHPN TP.HCM) để mua xe đẩy tự đi thu mua, nhặt nhạnh ve chai. Gần khu trọ có bãi đất trống, chủ đất cho vợ chồng chị cất tạm căn chòi để “tập kết” ve chai và rào vườn nuôi gà, vịt. “Tui trả hết nợ rồi. Tháng Tư này, Hội cho vay lại 10 triệu đồng, ít bữa về quê giỗ cha, tui sẽ hùn tiền với đứa em út nuôi bò” - chị Thúy cho biết. 

“Khuyết tật không cản được ý chí vươn lên của chị Thúy. Từ những e dè, sợ sệt ban đầu, giờ chị sống cởi mở, vui vẻ. Địa phương có bếp cơm từ thiện, chị thuộc đối tượng thụ hưởng, thế nhưng, mỗi kỳ nấu cơm chị đều chạy ra phụ nấu nướng, dọn dẹp, rửa chén bát, lãnh cơm còn mang về khu trọ chia sẻ cho vợ chồng ông bà cụ hơn 70 tuổi bị tai biến” - chị Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Hưng Hòa, nhận xét.

Các chị Lan Huệ, Siu Quyên và Lâm Thị Thúy là ba trong số 17 đại diện hộ gia đình phụ nữ khuyết tật vượt khó vừa được Hội LHPN TP.HCM biểu dương nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) năm nay. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng những người phụ nữ ấy đã và vẫn đang sống những tháng ngày đáng sống, bình thản đối mặt bất trắc, kiên cường đi qua bão giông. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI