Ngôi trường tập hợp những “học sinh cá biệt”

28/10/2022 - 07:09

PNO - Thầy Nguyễn Tùng Lâm nhận định: “Thầy cô đừng đổ lỗi rằng học sinh bây giờ hư lắm. Ai cũng có tiềm năng riêng, có cá tính riêng và sứ mệnh của người thầy là phải tìm ra phương pháp thích hợp để dạy học trò”.

Nhận thấy những học sinh bị đuổi học (do có học lực và hạnh kiểm yếu) không biết đi đâu, về đâu, sẽ thành người như thế nào, cuối những năm 1980, thầy Nguyễn Tùng Lâm - khi đó là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP. Hà Nội - đã đề xuất mở trường để tập hợp những “học sinh cá biệt” này về dạy lại.

Mỗi học sinh, một phương pháp giáo dục 

Thầy Nguyễn Tùng Lâm và các học trò đạt giải trong một hội trại sáng tạo của trường Đinh Tiên Hoàng
Thầy Nguyễn Tùng Lâm và các học trò đạt giải trong một hội trại sáng tạo của trường Đinh Tiên Hoàng

Năm 1989, Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng ra đời, chuyên nhận những học sinh đã bị loại khỏi các ngôi trường khác. Khi đó, trường này đặc biệt đến mức bị gọi là “trường Đinh Kinh Hoàng”. Nhưng thầy Lâm vẫn tin rằng, mọi người đều có thể trở thành người tốt nếu được giáo dục.

Thầy Lâm nhớ lại, thời đó, có học sinh bị đuổi học do đốt pháo trong trường. Người tìm ra “thủ phạm” đốt pháo là một cô giáo trẻ mới ra trường. Mấy năm sau, cô nhận ra, trong số học sinh bị đuổi, có em theo học bổ túc, có em đi học nghề nhưng cũng có em trượt dài cùng đám bạn xấu. Lúc đó, cô mới thấy ân hận và nhận ra phương pháp giáo dục của mình chưa phù hợp với học trò, không giúp học trò vượt lên những khuyết điểm của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, đến nay, hầu hết giáo viên vẫn không chấp nhận học trò cá tính, yếu kém (theo cách nhìn một chiều của giáo viên) nên chỉ tập trung quan tâm những trò chăm chỉ, ngoan ngoãn. Điều này không đúng với bản chất của giáo dục bởi sứ mệnh của người thầy là trân trọng mọi cá tính để tìm ra phương pháp hướng dẫn, uốn nắn thích hợp với từng học sinh. 

Vì thế, ngay khi bắt đầu nhận những học trò “khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức” (thầy Lâm không dùng cụm từ “học sinh cá biệt”) về Trường Đinh Tiên Hoàng, thầy Lâm cùng đồng nghiệp nhất trí quan điểm là phải làm cho học sinh trước hết thích học, kế đến là biết cách học, có thói quen học, cuối cùng mới là đạt kết quả trong học tập. 

Với 60% học sinh có học lực yếu kém, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại hạnh kiểm yếu kém, chính thầy Lâm cũng phải đi học thạc sĩ, rồi tiến sĩ để nghiên cứu phương pháp giáo dục những học trò đặc biệt.

Ai cũng có tiềm năng, cá tính riêng 

Từ 20 năm trước, thầy Lâm đã cho xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường, trả lương cao cho đội ngũ tư vấn. Là người đứng đầu ngôi trường đặc biệt, thầy Lâm nhận thấy, học sinh của mình có nhu cầu bộc lộ bản thân cao hơn mặt bằng chung nên cần có người thứ ba lắng nghe rồi trao đổi lại với giáo viên chủ nhiệm để cùng tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp.

Giáo dục con người đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Với những học sinh không ngoan, giáo viên, nhà trường thường dùng biện pháp cứng rắn trừng phạt hoặc bỏ mặc. Thầy Lâm cho rằng, cả hai cách trên đều không ổn. Thầy cô không được xử lý nóng vội, cũng không được lùi trước những học trò “khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức”. Nếu thầy lùi một bước, trò sẽ tiến bốn bước; còn nếu thầy mạnh tay xử lý, trò sẽ “gãy”. Nếu lùi, người thầy thậm chí còn đáng trách hơn, bởi đó là thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm. 

Các thầy cô giáo thường tự hào kể cho nhau nghe về một cựu học sinh của trường. Cậu là con một, cha mất sớm, mẹ bán đồ giải khát nuôi con. Bà mẹ dồn tất cả những gì mình có cho con. Gần 20 năm trước mà bà đã mua xe máy cho con đi học. Nhưng cậu học sinh này ham chơi hơn ham học, nhiều lần mang xe máy ra tiệm cầm đồ; ở trường thì hỗn hào, trả treo với giáo viên. Cô giáo chủ nhiệm mời bà mẹ đến, đưa cả hai mẹ con đến phòng hiệu trưởng để “trả lại thầy Lâm, trả lại gia đình”.

Bấy giờ, học sinh xưng “em”, nhưng thầy Lâm gọi cậu học sinh là “con”: “Bây giờ con sống được là nhờ đâu?”. Cậu trả lời cụt lủn: “Mẹ nuôi”. Thầy Lâm hỏi tiếp: “Còn mẹ con, con có biết mẹ con sống được vì đâu không?”. Cậu học trò không trả lời.

Thầy vẫn ôn tồn: “Mẹ con sống được là vì con. Nếu con học hành đến nơi đến chốn, ngoan thì mẹ con sẽ không gầy ốm như thế này. Bây giờ, con có mấy lựa chọn: hoặc là thay đổi, hoặc là cứ ăn chơi đi, cứ phá, không suy nghĩ, học hành gì cả. Chắc chắn khi đó, Trường Đinh Tiên Hoàng không thể chấp nhận con và mẹ con lúc đó sẽ thế nào, con biết không?”. Cậu lại im lặng. “Lúc đó, con không còn mẹ đâu” - thầy Lâm nói.

Bà mẹ cũng im lặng, chỉ biết khóc. Thầy nói tiếp: “Bây giờ, dạy con mới khó chứ đuổi con thì quá dễ. Điều quan trọng nhất mà thầy muốn nói với con là, mẹ con chỉ có mình con, con lại là con trai mà không làm chỗ dựa cho mẹ được thì thầy nghĩ con rất kém. Liệu con có xứng đáng với sự hy sinh của mẹ cho con suốt 17 năm qua không? Thầy cho con một ngày về suy nghĩ”.   

Ngày hôm sau, cậu học trò đến, giơ bàn tay mất một đốt ngón út lên thề với cô giáo chủ nhiệm: “Em sẽ thay đổi”. Hơn một năm sau, cậu thi đậu hai trường đại học rồi sang Úc học thạc sĩ và trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp lớn. 

33 năm qua, chưa một học sinh nào của trường phải viết kiểm điểm. Nhà trường, thầy cô chỉ yêu cầu học sinh suy nghĩ về hành động của mình. Mỗi học sinh của trường có một cuốn “sổ tay học sinh”. Phần dành cho học sinh là những câu hỏi để các em tự nhìn lại mình: những việc em đã cố gắng hoàn thiện bản thân theo yêu cầu tự học tập sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng; những đóng góp tích cực của em cho tập thể; những việc em còn cần rút kinh nghiệm... Thầy cô đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cũng đầy tinh thần khích lệ: “Đã tích cực tự học, tự rèn”; “Có thay đổi, tiến bộ”; “Cần cố gắng nhiều hơn”.

Thầy Lâm nói: “Người thầy là yếu tố quyết định sự thành bại trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò; chúng tôi nhìn vào những điều tốt mà các em đã làm được. Thầy cô cũng sẽ tự hào khi có cách giáo dục phù hợp, giúp học trò vượt qua được chính mình. Ngày nay, thầy cô giáo cần được trang bị những kiến thức về tâm lý giáo dục để chủ động tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi học sinh. Dùng uy quyền của thầy cô để áp đặt lên học trò là một thất bại”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, một trong 106 người được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu năm 2022.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI