Ngoáy trầu cho nội

16/01/2022 - 18:59

PNO - Cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng những lá trầu vẫn vẹn nguyên dáng hình trái tim tròn đầy, vẫn mang vị nồng cay, thơm giòn thân thuộc.

Tôi đứng tần ngần mãi trước một tác phẩm trong cuộc triển lãm nhiếp ảnh về đất nước con người. Khuôn hình chụp mấy bà cụ già, người thì đang bỏm bẻm nhai trầu, nước trầu tứa ra quanh mép, người khác nhìn thẳng vào ống kính nở nụ cười thoải mái để lộ hàm răng đen bóng và những vệt đỏ bên khóe miệng như vết chân chim.

Cái nét của người già nơi làng mạc từa tựa nhau trong dáng lưng còng, trong đôi bàn tay khô nhăn dày đặc đồi mồi, trong mùi trầu cay nồng vương trên quần áo… nom thấy yêu thương, gần gũi lạ thường. 

 

Tôi nhớ, ngày giâm những hom trầu xuống rìa đất bên vách tường nhà, nội cắm kề đó một khúc cây. Ngọn trầu vươn qua khỏi khúc cây thì tìm đường bấu rễ vào tường mà tiếp tục lớn lên. Qua vài tháng cẩn thận chăm chút, rặng trầu đã mướt xanh, lá chen lá mơn mởn. Khi những chiếc lá già đầu tiên được hái, nội xé chúng làm đôi, quệt tí vôi vào đuôi lá rồi cuộn lại, lấy đầu chiếc chìa quệt vôi chọc giữa cuộn trầu rồi dắt cuống vào đó cố định, thưởng thức một cách dè dặt.

Trầu, cau, túi thuốc lào, miếng vỏ chay… được xếp ngăn nắp trong chiếc cơi ông nội tự đan bằng mây. Tôi thích ngắm nhìn nội sửa soạn cơi trầu và gói ghém miếng trầu đưa vào miệng, nghe tiếng lá trầu giòn rộp khi nhai và mùi hương cay thơm nồng nàn của nó. 

Mỗi ngày nội đều ra thăm, xem xét và tỉa tót cành nhánh, hái trầu đem cho các bạn già cùng xóm. Dịp cuối năm đám cưới miền quê nhộn nhịp, biết tiếng rặng trầu của nội, người làng đến mua làm lễ, mời khách khá nhiều. Những lúc như thế, nội dặn con cháu không hái lá trầu lương (lá mọc từ dây trầu cái) hoặc lá quá non, cũng không được chừa cuống lá còn dính lại trên dây trầu. Kỹ lưỡng thế thì cây mới khỏe, mầm mới nứt lên sẽ bụ bẫm, nhanh lớn. 

Mỗi tháng vài lần vào trước rằm, mùng Một, nội hái sẵn và xếp trầu thành từng thếp, cứ 10 đến 12 chiếc lá thành một thếp (hay còn gọi là liền trầu). Mỗi thếp như thế chỉ có giá vài ngàn đồng, nhưng đó là thu nhập để nội mua thưởng cho con cháu đồng quà tấm bánh.

Nếu nhà ai có việc cần trầu vào buổi tối, nội sẽ tự mình đi hái. Vì soi đèn cho nội, tôi mới biết một điều rất thú vị. Trước khi hái, nội chạm vào gốc trầu, lẩm nhẩm đọc mấy câu: Trầu trẩu trầu trầu trầu/ mày làm chúa tao/ tao làm chúa mày/ tao không hái ngày/ thì tao hái đêm. Nội bảo đó như một lời đánh thức và dỗ dành để trầu không bị đau mà lụi mất.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Tôi còn nhớ chiếc cối ngoáy trầu bằng đồng của nội. Nó nhỏ xinh tựa cái ly mắt trâu, cao khoảng chục xăng-ti-mét, miệng hơi loe, dưới chân cối có một lỗ nhỏ để luồn sợi dây đay, một đầu sợi dây được buộc chặt vào chiếc xiên sắt dạng bẹt có hai đầu dùi nhọn như hình lưỡi cưa. Chiếc cối nội dùng để đâm cau, trầu, miếng vỏ chay (hoặc vỏ quế) cho nát mềm.

Chị em tôi đứa nào cũng đòi ngoáy trầu cho nội, nhưng tay chân vụng nên có khi trầu nát mà cau thì còn luội chuội. Nội thấy thế chỉ cười, rồi “sửa sai” cho các cháu.

Răng của nội lần lượt rụng hết, đôi bàn tay gầy guộc cũng cạn mòn sức lực. Thấy nội run run ngoáy trầu “dối” như mình hồi bé, tôi sà xuống bên nội mà xin ngoáy lại cho nhuyễn. Gợt cối trầu được giã nát nhừ lên miệng, nội gật đầu ưng ý. Ngồi bên nội thoang thoảng mùi trầu thơm, tôi thấy lòng nhẹ bẫng. 

Nội đã về miền mây trắng nhiều năm rồi, rặng trầu ngát xanh khi xưa không còn nữa, nhưng mẹ tôi vẫn ươm mấy gốc trầu thay lời thương nhớ nội. Mỗi tháng đôi lần, rồi các dịp lễ tết, mẹ hái những lá trầu đẹp và ngon nhất đặt lên bàn thờ nội.

Cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng những lá trầu vẫn vẹn nguyên dáng hình trái tim tròn đầy, vẫn mang vị nồng cay, thơm giòn thân thuộc. Và tôi, vẫn cứ thích bẻ nát lá trầu, bụm lại trong lòng bàn tay mà hít hà mùi thơm của nó. Gió tết đã vờn bên cửa, nghe hương trầu vương vấn đâu đây, rưng rưng nhớ những ngày xa… 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI