Nếu phó mặc, nguy cơ “mất con” hoàn toàn có thể xảy ra

05/05/2022 - 09:51

PNO - Đứa trẻ luôn có cha mẹ làm bạn, không gây áp lực… sẽ là người lương thiện.

Tôi muốn đưa ra một chủ đề thử thách cho cha mẹ thời hiện đại như sau: Phải chơi với con. Về đến nhà là cất điện thoại, chỉ mở ra khi có cuộc gọi đến hay cần thiết gọi đi. Ăn cơm chung cả nhà, nói chuyện cùng con, hỏi tên bạn bè của con, hỏi về gia đình bạn của con, trong khả năng cháu biết. Hỏi chuyện trên lớp, thầy cô… 

Ngày nghỉ phải dành thời gian chở con đi chơi, kể chuyện, giải thích về môi trường xung quanh… Khuyến khích con đọc sách với yêu cầu duy nhất là luyện chính tả. Chơi với con ít nhất là từ nhỏ xíu cho đến hết năm lớp 10.

Hai kỹ năng cần thiết phải trang bị cho con là bơi, võ (chỉ yêu cầu biết vài thế tự vệ). Có thể thêm vài “tài lẻ” nữa như: đàn, vẽ, múa/hát… Đặt mục tiêu đến hết năm lớp 10 con phải biết nấu cơm, chiên trứng và nấu một món canh đơn giản nhất, chẳng hạn canh cà chua trứng. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Đó thực sự là một thử thách lớn!

Điện thoại bây giờ là vật bất ly thân. Nhiều cha mẹ vừa ăn vừa lướt điện thoại. Cơm nước xong, mỗi người ôm một chiếc điện thoại. Nhiều ông bố có thể ngồi hàng giờ bên bàn nhậu với đủ thứ chuyện đông tây kim cổ nhưng chơi với con thì rất chán, học cùng con chỉ có la mắng. Đừng nghĩ việc ăn cơm chung cả nhà là dễ dàng; không tính việc con phải đi học thêm hay cha mẹ vì công chuyện, bỏ mặc đứa con một mình một tô cơm với cái ti vi. 

Riêng việc đi chơi với con, không phải bố mẹ nào cũng thực hiện được. Không yêu cầu đi chơi tốn kém, chỉ cần chở con ra khỏi nhà, nói cho con tên các loài cây, vò nát lá mận, lá xoài đưa cho con ngửi… Nên nhớ điều này diễn ra nhanh lắm, rồi sẽ đến lúc con cái không muốn đi cùng bố mẹ nữa. 

Nhiều người cho là học võ hay chơi một loại nhạc cụ nào đó phải có năng khiếu, phải đam mê nhưng tôi cam đoan không hẳn vậy. Võ (hay bất kỳ môn thể thao nào) giúp con người mạnh mẽ, thoát được những ý nghĩ tiêu cực. Biết chơi một loại nhạc cụ sẽ giúp con người yêu cuộc sống hơn. Không cần chơi giỏi, chỉ cần vừa đủ để tự mình giải trí.

Tôi có thể chắc rằng vượt qua được các “thử thách” trên là bạn đã thành công trong việc nuôi dạy con cái. 

Câu chuyện của các bà mẹ 

Một bà mẹ kể chuyện, cách đây khoảng mười năm, một hôm vào phòng cô con gái 14 tuổi, bà phát hiện trong một tách trà có bốn mẩu tàn thuốc lá và có cả tro thuốc - loại thuốc lá bạc hà dành cho phụ nữ. Bà gọi con gái lên phòng, yêu cầu con nói thật. Ban đầu cô bé chối, bảo rằng không biết, sau nói lượm tàn thuốc chơi… Những câu trả lời lúng túng, không thật. Khi bà dọa mách chồng, cô bé mới thú nhận một bạn trong lớp cho, cô đem về nhà hút thử. Cô bé kể: “Bạn ấy mua cả gói và phát cho nhiều bạn trong lớp”. Bà mẹ hỏi: “Khi hút con thấy thế nào?”. Cô bé trả lời: “The the. Việc này đã xảy ra lâu rồi và bây giờ không còn nữa, bạn đó đã bị đuổi khỏi trường vì đánh nhau với bạn”. 

Bà mẹ hoảng sợ vì thấy con khờ dại quá. Bà hỏi con có biết gì về ma túy không, có biết người ta sa vào con đường ấy vì bị dụ dỗ không… Cô bé trả lời biết nhưng khi bà hỏi sao làm vậy thì cô bé trả lời là không biết.

Sau khi nói chuyện nhiều với con, bà mẹ tự kiểm điểm và hiểu ra rằng con bà đang ở tuổi nhận thức đúng sai, phải trái chưa chuẩn xác như người lớn nhưng không còn quá nhỏ để không phân biệt được thế nào là đúng, sai. Bà nhận ra thời gian qua, mình chú ý đến con quá ít. Từ khi có đứa con thứ hai, sự chăm sóc dành cho con gái thưa đi.

Bà nhớ lại, ngày xưa nhà chật, bà ngủ với em bé, con gái ngủ riêng một giường. Cô bé thích ngủ chung với mẹ và em nhưng lúc nào cũng bị mẹ đuổi vì sợ cô quấy rầy em. Thời gian trôi đi, không chỉ ít quan tâm đến con gái mà bà còn giao cho con nhiều việc khác như: đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…

Bà mẹ chợt hiểu, lâu nay bà đã vô tình không chú ý rằng con gái đang lớn, ở tuổi cần người tâm sự, hướng dẫn, trả lời những điều thắc mắc, dễ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Hôm ấy, bà ngủ với con để hai mẹ con nói chuyện với nhau. Bà nhận ra rằng cô bé rất vui, lăng xăng mắc mùng, xếp gối. Bà quyết định từ hôm ấy, hai mẹ con sẽ là hai người bạn. Nếu không làm được điều này, nguy cơ bà mất con hoàn toàn có thật.

Ảnh mang tính minh họa - @Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - @Lifestylememory

 

Câu chuyện của một bà mẹ khác ở thời điểm hiện tại. Một hôm, bà phát hiện cậu con trai 14 tuổi dùng máy tính của mẹ xong mà quên thoát khỏi Messenger. Tò mò, bà vào danh bạ trò chuyện xem cậu đã chat những gì thì tá hỏa vì những câu chat mà bà không thể hình dung được từ cậu con trai rất hiền lành, dễ thương của mình.

Trong câu chuyện với một bạn, hai bên qua lại rằng cần phải trị một đứa nào đó vì dám giành bạn gái, lại còn thách đánh nhau. Trong câu chuyện khác, cậu con khiến bà choáng vì những câu nói tục.

Đến lúc này, bà mẹ hiểu ra, lâu nay bà đã khoán trắng con cho máy vi tính và không kiểm soát. Con bà đã thực sự thoát khỏi vòng tay của bà từ lâu lắm rồi mà bà vẫn nghĩ rằng cậu còn cần phải được nâng niu, chăm sóc như một đứa trẻ.

Câu chuyện của những ông bố

Khi một ông bố quyết định bỏ công việc tốt, lương khá để theo cậu con trai duy nhất vào thành phố lúc cậu đậu đại học, ai cũng ngỡ ngàng. Lý do đưa ra rất đơn giản: Ông không thể bỏ mặc con trai một mình nơi thành phố. Ông sẽ kiếm một công việc nào đó, có điều kiện gần gũi con.

Dù cậu con trai học rất giỏi, thi đậu vào một trường đại học hàng top, ông vẫn không an tâm. Ông cho rằng mối nguy rình rập con cái hoàn toàn có thật. Sự hy sinh bốn năm của ông không là gì so với việc nếu chẳng may con ông sa ngã. Có thể nhiều cha mẹ cho rằng ông bố này lo lắng hơi quá nhưng ông có lý do riêng.

Ông sẽ không “úm” con nữa khi cậu tốt nghiệp đại học. Lúc đó, ông tin chắc con ông sẽ vững vàng và quan trọng nhất là ông được làm bạn đồng hành cùng con thêm những năm đại học sau 12 năm phổ thông. 

Ảnh mang tính minh họa - @our-team
Ảnh mang tính minh họa - @our-team

 

Một ông bố khác cũng quyết định xin nghỉ công việc bận rộn và chuyển qua một công việc thư thả hơn, lương ít chỉ để đưa đón con đi học. “Không thể kể hết những vất vả trong việc đưa đón con đi học nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc”. 

Từ những câu chuyện trên, ta rút ra được điều gì khi làm cha mẹ thời hiện đại?

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nếu cha mẹ phó mặc, không để ý đến con cái thì nguy cơ “mất con” hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều cha mẹ đã thấy rằng, con cái bây giờ ít muốn nói chuyện với cha mẹ nhưng nói chuyện với bạn bè hay chat thì như pháo nổ. Cha mẹ mải lo làm ăn, cứ nghĩ cung cấp tiện nghi cho con là đủ. Và, nếu có chuyện không hay, cha mẹ lại đổ lỗi cho cuộc sống quay cuồng, phải lo kiếm ăn, rồi than thở cho số phận…

Một nhà văn nữ kể chuyện, một hôm cậu con trai 25 tuổi hỏi bà đã xuất bản được bao nhiêu cuốn sách, bà trả lời 15 cuốn. Cậu tròn mắt: “Mẹ viết khi nào mà nhiều vậy? Con chưa bao giờ thấy mẹ viết”, bà mẹ trả lời: “Khi con còn nhỏ, con ngủ rồi mẹ mới mở máy tính làm việc. Con lớn lên đi học cũng vậy, phải xong xuôi việc trong ngày, cả nhà ngủ hết mẹ mới ngồi vào máy tính. Ngay cả bây giờ, nếu hôm nào con nghỉ làm ở nhà, mẹ cũng sẽ dành thời gian để nấu cho con món ăn ngon, nói chuyện với con”. Bà mẹ nhà văn này khẳng định bà rất thích nói chuyện với con. Có những lúc cậu chàng tăng ca nhiều quá, bà còn xúi cậu xin nghỉ, ở nhà chơi với mẹ. 

Status của một ông bố trẻ trên Facebook: “Thời gian gần đây, ba hay để thời gian ngẫm nghĩ về Bo. Vì bạn ấy hay nói buồn, không có ai chơi với bạn ấy.

Tưởng là chuyện nhỏ mà không nhỏ tí nào vì cứ thấy Bo buồn thỉu buồn thiu. Nhiều khi ba đang bận túi bụi mà bạn cứ sà vào lòng: "Ba đừng làm nữa! Chơi với con đi!".

Dòng trạng thái ngắn nhưng có ý nghĩa rất nhiều cho các bậc cha mẹ. 

Kim Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI