Lần đầu con đi siêu thị

04/05/2022 - 14:10

PNO - Con gái tôi ban đầu rất ngại đi siêu thị, bảo rằng không biết lựa đồ, sợ mua không đúng ý thì ba la…

"Ba ơi, tại sao thịt kho có lúc cứng và lạt nhách, có lúc mềm, thấm gia vị rất ngon?". Nếu bạn không nghiêm túc trả lời những câu hỏi như thế hay bảo con tự tìm hiểu trên mạng là bạn đang xây bức tường xa cách dần với con. Không có câu hỏi nào của trẻ là vô lý cả! 

Tôi là một người cha chăm sóc trực tiếp ba đứa con nhỏ từ khi chúng mới lọt lòng. Đứa hay đặt những câu hỏi như vậy là chị của hai đứa em trai sinh đôi lên ba. Tất cả đang trong giai đoạn khám phá, tò mò, trải nghiệm mỗi ngày.

Nhà tôi nằm ở vùng ven TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ở đó vẫn còn những khóm tre, giàn mướp, bờ ruộng; không thiếu tiếng gà gáy lúc tinh mơ nhưng cũng có những siêu thị hiện đại.

Không giống đa số hàng xóm có thói quen đi chợ, tôi thích mua thức ăn dự trữ cả tuần cho gia đình ở siêu thị. Những lần như thế, tôi thường dắt con theo, dù tụi nhỏ năng động khiến tôi hơi vất vả.

Xây dựng một thói quen thành nếp không bao giờ dễ, đặc biệt với trẻ nhỏ bởi chúng luôn thích cái mới và mau quên. Thế nhưng, trẻ con rất thích được làm người lớn, được khen, được có cảm giác hơn bạn bè đồng trang lứa. Trẻ sẽ làm tốt những gì mình cảm thấy thích thú. Con gái tôi ban đầu rất ngại đi siêu thị, bảo rằng không biết lựa đồ, sợ mua không đúng ý thì ba la…

Tôi nghĩ cách tạo sự háo hức đi siêu thị cho con bằng việc… nấu ăn, hỏi ý kiến các con về mỗi bữa ăn để điều chỉnh. Đến lúc thấy con đã quan tâm đến chuyện nấu ăn, tôi tập cho con quan sát các công đoạn để biết vì sao món thịt kho có lúc cứng ngắc, lạt nhách; có lúc lại mềm và đậm đà.

Tôi dạy con cách chọn thịt sao cho phù hợp với món sắp nấu; nước mắm mua loại truyền thống sẽ đậm đà, thơm ngon hơn… 

Chăm chú xem nhân viên siêu thị tính tiền
Chăm chú xem nhân viên siêu thị tính tiền

 

Khi hiểu thông, trẻ mới thích thú và tự tin đi siêu thị mua thực phẩm về chế biến. Tôi cũng cùng con “thiết kế” mấy món cơ bản trong một tuần, phân ra từng bữa để vào tủ lạnh như thế nào, mỗi lần mua số lượng bao nhiêu… và đừng quên trước khi đi siêu thị thì kiểm tra xem trong tủ lạnh còn gì để tránh mua trùng. Tất cả phải được ghi ra giấy và ước lượng số tiền dựa vào việc tham khảo giá trên Internet. 

Ngay cả tình huống thiếu tiền thì nên bỏ lại bớt món gì và quẹt thẻ "Khách hàng thân thiết" để tích lũy điểm con cũng thuộc nằm lòng trước khi chính thức… thực hành. Tất nhiên, nơi con đến mua thực phẩm là siêu thị quen. Ở đó, con biết rõ vị trí các khu vực để tranh thủ mua nhanh.

Con thực sự háo hức khi lần đầu được ba tin tưởng cho cầm tiền đi mua thực phẩm, tự lên danh sách các món cần mua. Những bỡ ngỡ với cô chú nhân viên trong siêu thị làm con lúng túng: “Con đi một mình thật hả?”, “Con thích sản phẩm có khuyến mãi không?”, “Ba mẹ con đâu?”…

Con vừa mếu, quệt mồ hôi vừa trả lời, vừa thanh toán, rồi lôi cái giỏ ra trước cửa đang có ba và hai em chờ. Con gái nhanh chóng vui ra mặt vì số tiền lẻ còn thừa sau khi thanh toán được ba “chơi sang” thưởng luôn, để con bỏ ống đợi đủ tiền mua máy tính.

Về đến nhà, sau bữa cơm tối, con gái mới kể hết hành trình đi siêu thị một mình và bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi siêu thị để cô chú không còn “xem thường” con là con nít.

Bé Thùy Dương  tự lên danh sách  các món cần mua  cho gia đình dùng trong nhiều ngày
Bé Thùy Dương tự lên danh sách các món cần mua cho gia đình dùng trong nhiều ngày

 

Bạn nên thử tin con một lần để con có cảm giác lớn khôn, tự tin. Nếu con bạn nhút nhát, hãy bắt đầu cùng con xem những trò chơi truyền hình như: 24h đổi nhà, Con đã lớn khôn… Hãy giải thích cho con các tình huống trong đó; dần dần con sẽ suy nghĩ khác, hành động khác và tự tin hơn. 

Bạn hãy cùng con chế biến những món mà bé đã cất công đi mua. Khi bé thấy bạn hứng thú với những nguyên vật liệu bé mua, bé sẽ cảm thấy bản thân thật sự có ích và muốn làm việc nhà nhiều hơn. 

Trương Thế Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI