Người vợ suốt 6 năm không đêm nào trọn giấc

05/05/2022 - 06:01

PNO - Ngày ông bị suy thận giai đoạn cuối, cũng là lúc bà gác lại nghề giáo để theo ông rời núi xuống phố ở trọ, chiến đấu với bệnh tật đến cùng. Bao lần chứng kiến chồng chết hụt, bà bảo rằng ngày nào còn sống sẽ gắng giữ ông lại để trọn lời thề “mãi bên nhau”.

Ngủ chẳng ngon vì sợ chồng “đi bất ngờ”

Lọc máu xong thì đã quá trưa, ông Lô Vĩnh Tình (63 tuổi, trú xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An) xoay chiếc quạt điện đã phai màu phả vào người để "đuổi" phần nào cái nắng bỏng rát của xứ Nghệ.

“Hôm nay có chút gió trời nên còn đỡ đó, chứ bình thường nóng như cái lò”, ông Hường nói và cho hay, vợ chồng ông thuê căn phòng nhỏ này đã hơn 6 năm - đó cũng là thời gian ông phải lọc máu để duy trì sự sống.

Nhìn vợ đang cặm cụi nấu ăn ngoài hiên, ông Tình cho hay bao lâu ông rời nhà đi chữa bệnh, cũng là ngần ấy thời gian vợ ông - bà Vang Thị Huyến - kề cận lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ.

Vợ chồng bà Huyến tận dụng phần hiên trước phòng trọ để làm bếp nấu ăn
Vợ chồng bà Huyến tận dụng phần hiên trước phòng trọ để làm bếp nấu ăn

Bà Huyến bảo, lần vợ chồng bà xa nhau lâu nhất cũng chưa tới 3 ngày. Một ngày giữa năm 2021, bà vào bệnh viện nhận tiền hỗ trợ cho ông rồi phải ở lại xét nghiệm vì có người mắc COVID-19 đi khám ở đây.

“Do không mang điện thoại nên chẳng thể gọi điện cho ông ấy báo tin được. May sau đó có kết quả âm tính cả. Tôi về đến xóm, mọi người xúm lại trêu, bảo ông nhà tôi lo quá, ngồi khóc như trẻ con”, bà Huyến cười nói.

Ông Tình đeo khẩu trang nên không giấu được ánh mắt trìu mến dành cho bà: “Thì cũng là lo quá thôi mà. Hồi trẻ vợ chồng mỗi ngày một việc nên đi suốt, về già mới được sống bên nhau. Tôi đi viện chạy thận, bà ấy xuống đi chăm, hai vợ chồng cả ngày rủ rỉ với nhau. Lỡ vì tôi mà bà ấy có mệnh hệ gì thì ân hận lắm”.

Từng bữa cơm, cốc nước của chồng đều được bà Huyến lo tươm tất
Từng bữa cơm, cốc nước của chồng đều được bà Huyến lo tươm tất

Ở trọ cách nhà gần 200km, mỗi tháng vợ chồng ông Tình thường tranh thủ về nhà thăm con cháu một lần, cũng là chuẩn bị thêm thức ăn. Hai năm dịch bệnh hoành hành nên vợ chồng già đành bám trụ lại căn phòng nhỏ, thăm hỏi con cháu qua chiếc điện thoại. 

Mấy năm nay dường như chẳng có đêm nào bà ngủ trọn giấc. Mỗi khi nghe chồng thở nhanh, bà lại bật dậy kiểm tra huyết áp. Có lần xử lý không kịp, khi đến bệnh viện thì ông Tình đã chết lâm sàng. Khi bà tưởng rằng đoạn đường hai vợ chồng đi chung đã hết thì ông Tình lại dần hồi phục đầy kỳ tích.

Tình người nơi xóm chạy thận

Người dân trong xóm chạy thận tranh thủ thời gian rảnh cùng làm vườn, kiếm thêm rau sạch cho bữa cơm
Người dân trong "xóm chạy thận" tranh thủ thời gian rảnh cùng làm vườn, kiếm thêm rau sạch cho bữa cơm
Bà Huyến tận dụng các chai nước cũ đi lấy nước sạch về phát cho những công dân trong xóm chạy thận
Bà Huyến tận dụng các chai nước cũ đi xin nước sạch về cho bà con trong "xóm chạy thận"

Xóm chạy thận nhân tạo đối diện Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh (phường Quán Bàu, thành phố Vinh, Nghệ An) là trụ sở cũ của một công ty, nay được cải tạo thành các phòng cho thuê. Bao năm qua, hàng chục bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn tá túc ở đây, chờ đợi mỗi tuần 3 lần vào bệnh viện lọc máu. 

“Bác qua luống kia hái đi, bên đó rau khoai mới ra, ngọn còn non lắm!”, anh Kha Văn Gia (31 tuổi, trú xã Yên Hòa, huyện Tương Dương) nói khi thấy một hàng xóm ghé qua vườn rau của mình. Gia là người trẻ tuổi nhất ở “xóm chạy thận” này. Để tiết kiệm chi tiêu, anh xin phép chủ nhà trọ cho tận dụng mảnh vườn nhỏ trước phòng trồng rau để cả xóm cùng ăn.

Năm 2015, anh Gia phát hiện suy thận giai đoạn cuối, buộc phải lọc máu thường xuyên. Bao năm sống dựa vào nương rẫy, chẳng tích cóp được bao nhiêu, nay lại ngã bệnh khiến Gia suy sụp. Chị Vi Thị Âu (29 tuổi, vợ của anh Gia) gửi con trai 8 tuổi cho ông bà chăm sóc rồi xuống thành phố Vinh ở trọ chăm chồng.

Anh Gia đăm chiêu khi được hỏi về tương lai của hai vợ chồng
Anh Gia đăm chiêu khi được hỏi về tương lai của hai vợ chồng
Mỗi ngày, anh Gia đều tranh thủ gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ, động viên con
Mỗi ngày, anh Gia đều tranh thủ gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ, động viên con trai

Để duy trì thuốc men, chi phí sinh hoạt, Âu xin làm thêm ở một xưởng sản xuất đồ nhựa với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Hơn một năm cày cuốc chăm chồng, điều oái ăm lại một lần nữa ập đến cặp vợ chồng trẻ này khi Âu phát hiện bản thân bị viêm cầu thận sau một trận ốm.

“Vợ đang trong giai đoạn đầu nên chưa phải lọc máu, chỉ phải đi Hà Nội khám định kỳ thôi. Nhưng mà tốn kém quá, lâu lâu mới chắt bóp đủ tiền để cho cô ấy đi khám một lần”, anh Gia nói.

Âu tự động viên: “có lẽ do số phận nên vui vẻ chấp nhận thôi”. Chị cố gắng gượng, vui vẻ bên nhau được tới chừng nào hay chừng đó. “Từ khi phát hiện bệnh, sức khỏe cũng kém dần nên không thể đi làm thường xuyên được. Cũng may chỗ làm họ hiểu hoàn cảnh tụi em, bảo ngày nào khỏe thì đi, mệt thì ở nhà nên đỡ tủi”, chị tâm sự.

Những ngày mệt không thể đi làm, chị Âu chỉ có thể quanh quẩn bên chồng, chăm lo những luống rau xanh 2 vợ chồng vun vén bấy lâu nay
Những ngày mệt không thể đi làm, chị Âu chăm lo những luống rau xanh 2 vợ chồng dày công bấy lâu nay

Câu chuyện của vợ chồng chị Âu bị ngắt quãng khi bà Huyến gõ cửa phòng, mang theo mấy chai nước lọc cho vợ chồng chị. Số nước này bà Huyến xin nhờ từ máy lọc nước của bệnh viện. “Ở đây hoàn cảnh nào cũng éo le cả, nhiều người già cả không người chăm sóc nên chỉ quanh quẩn trong phòng. Tôi rảnh rỗi nên tranh thủ hỗ trợ mọi người, đỡ được đồng nào hay đồng đó”, bà Huyến nói.

Bà Huyến bảo rằng, chẳng đếm xuể những lần chứng kiến “hàng xóm” ra đi đột ngột trong 6 năm gắn bó với xóm trọ này. “Có lần một người phụ nữ cạnh phòng tôi chết, tôi gọi điện cho người chồng xuống lo thủ tục thì ông ấy bảo không có tiền. Không biết làm sao, tôi đành đi loanh quanh bệnh viện ngỏ ý xin mỗi người một ít hỗ trợ. May nhiều người thương tình, họ ủng hộ được gần 3 triệu để thuê xe đưa bà ấy về”, bà Huyến kể.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI