Mùa mía - mùa con nít kiếm tiền

13/08/2022 - 20:39

PNO - Đến đứa trẻ sáu tuổi như chị cũng có thể làm ra tiền. Kiếm tiền dễ như vậy mà quê mình nghèo xơ nghèo xác. Tại sao?

Tôi đùa với mấy đứa em họ rằng: “Ngày xưa con nít quê mình kiếm được tiền trước khi biết đọc chữ”. Đám em tỏ ra nghi ngờ và trố mắt lạ lẫm với quá khứ chưa xa của chính mảnh đất nơi chúng sinh ra và lớn lên. 

Ở đây từng có một nông trường mía. Những đám đất riêng của từng hộ dân đa số cũng chuyên canh cây mía. Mùa thu hoạch, cây mía già được đem đến nhà máy sản xuất mật đường. Người nông dân giữ phần ngọn non làm giống cho vụ mùa tiếp theo. 

 

Ngọn mía non được sắp xếp thành bó, mỗi bó 25 cây, rồi tập trung về một nơi thích hợp để chuẩn bị làm hom giống. Người ta trông đợi những cơn mưa tắm cho đống ngọn để phần lá dễ bong tróc. Nếu không có mưa, mọi người phải gánh nước tưới cho chúng. 

Vào vụ mùa, ai cũng bận rộn, việc thuê nhân công trở nên khó khăn. Vì vậy, các chủ đất gõ cửa từng nhà, thông báo cho bọn trẻ đến “lột ngọn mía” vàohôm sau. Đám con nít hí hửng rộn ràng vì vừa có cớ ra ngoài tụ tập rong chơi vừa kiếm được tiền. 

Tôi lúc đó sáu tuổi, còn bỡ ngỡ với học đường và chưa đọc được chữ. Làng tôi thuở ấy không có trường mầm non, mọi đứa trẻ đều là tờ giấy trắng khi vào lớp Một. Không ai muốn ghé nhà “mời” một đứa trẻ như tôi đi làm, đơn giản vì tôi còn quá nhỏ. Nhưng tôi có các dì các cậu rủ rê. Ông bà ngoại đông con, mẹ tôi là con gái đầu lòng, nên tôi cùng một lứa so với các cậu dì nhỏ, thậm chí còn lớn hơn cậu út vài tháng tuổi.

Một người cậu chọn chỗ cho tôi, nơi có bóng cây mát mẻ, rinh vài bó ngọn đến đó. Cậu hướng dẫn cách tách từng bẹ lá già như thế nào, tách đến bẹ lá non còn ôm chặt thân ngọn mía thì dừng lại. Làm xong ít nhất bốn bó ngọn, tức là một trăm cây, tôi sẽ được trả tiền. 

 

Một trăm ngọn mía là đơn vị tính nhỏ nhất, cứ thế nhân lên, ai làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Mọi người chăm chỉ “làm việc”, thỉnh thoảng lướt mắt sang các “đồng nghiệp”, thầm ước lượng xem mình có chăm chỉ và nhanh tay so với “tụi nó” không. Sau khi tách lá, các ngọn mía non tươi bóng mẩy, còn nguyên lớp phấn mướt mịn ngoài da. Chúng trắng trẻo xinh xắn, đáng yêu lạ lùng. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng chúng tôi gặp phải những ngọn có sâu ẩn trong bẹ lá. Đa số bọn sâu đã chết vì bị ngộp nước. Ban đầu, khi thấy sâu, mấy đứa con gái hét toáng lên, sợ chết khiếp. Nhưng từ từ cả bọn quen dần. Chỉ là những con sâu đục thân đã chết, không có gì quá nguy hiểm.

Gọi là “tách lá” cho dễ hình dung, thật ra không có ai ở quê tôi xài từ này. Mọi người đơn giản nói “lột ngọn”. Mấy đứa cẩn thận thích xếp ngăn nắp thẳng đều các ngọn mía đã lột. Một số đứa không quan tâm tiểu tiết có thể quăng ngọn thành đống lộn xộn. Sắp xếp hay chất đống ngẫu nhiên đều không quan trọng, người ta chỉ cần xem xét số lượng. Những đứa trẻ lớn luôn có sức và có độ bền tốt, vì vậy sẽ kiếm được tiền nhiều hơn. Tôi thuộc loại “bé nhất đàn”, làm chẳng được bao nhiêu. Dù sao tôi cũng chưa biết đếm nên tiền nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần được trả công là tủm tỉm cười suốt.

 

Sau vài ngày khởi sự, các cậu dì lớn tập hợp bọn trẻ thành một đội. Ai thuê bọn con nít sẽ không cần đi đến từng nhà, chỉ thông báo ngắn gọn cho cậu dì tôi. Các cậu dì sẽ dẫn “đám lâu la” đi “làm ăn”. Đứa nào đứa nấy hào hứng như trẩy hội. 

Sau khi chúng tôi lột lá, các bà các dì sẽ “tề ngọn”, tức là chặt ngọn ra thành từng khúc nhỏ, mỗi khúc chứa ba đến bốn mắt mía, gọi là “hom”. Mắt mía là vị trí tiếp giáp của bẹ lá, nơi sẽ mọc lên các mầm mía non. Người ta dùng rơm rạ che kín các đống hom, ủ tưới vài ngày cho chúng bật mầm rồi đem trồng. Bọn con nít không tham gia các khâu “dầm sương dãi nắng” ấy. Chúng tôi còn phải đi học.

Trong một lần tôi say sưa kể, có đứa em họ cắc cớ nói sao ngày xưa ai cũng lao động cật lực, đến đứa trẻ sáu tuổi như chị cũng có thể làm ra tiền. Kiếm tiền dễ như vậy mà quê mình nghèo xơ nghèo xác. Tại sao? Đúng là một câu hỏi khó. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI