Mẹ nhớ gì khi đã… quên?

13/09/2020 - 06:03

PNO - Khi con gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, có mẹ chia sẻ, vỗ về và khai sáng. Khi con phân vân trước những chọn lựa, có mẹ với vốn sống và sự thấu cảm đã tư vấn tận tường... Chuyện gì mẹ cũng biết, chuyện gì mẹ cũng làm được. Nhưng, bỗng một ngày mẹ trở nên ngây ngô như trẻ lên ba. Những đứa con thân thuộc mới đó đều trở thành người xa lạ…

Khi con gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, có mẹ chia sẻ, vỗ về và khai sáng. Khi con phân vân trước những chọn lựa, có mẹ với vốn sống và sự thấu cảm đã tư vấn tận tường... Chuyện gì mẹ cũng biết, chuyện gì mẹ cũng làm được. Nhưng, bỗng một ngày mẹ trở nên ngây ngô như trẻ lên ba. Những đứa con thân thuộc mới đó đều trở thành người xa lạ…

Một ngày bốn lượt tìm con 

Buổi trưa nắng gắt, cả nhà đang ngủ, bà Lê Thị Khanh (72 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bật dậy cắp nón lá, xách giỏ đồ, rón rén lách qua cửa hẹp, chạy nhanh ra đường. Bà đi hết một đoạn đường Phan Đăng Lưu thì quẹo vô đường Lam Sơn, ra Nguyễn Văn Đậu. Như thường lệ, khi bà vừa rẽ ra Nguyễn Văn Đậu, một chiếc xe máy của người phụ nữ trung niên thắng kít lại, giọng hồ hởi: “Ủa chị, chị đi đâu vậy? Trưa nắng vầy đi bộ mệt lắm, nhà gần đây không tôi cho quá giang nè”.

Bà Khanh nhìn người phụ nữ gật đầu lia lịa, miệng rối rít: “Ô may phước gặp chị, chứ lội bộ nãy giờ mỏi chân quá. Tui đi tìm sắp nhỏ, tối ngày tụi nó đi rong hoài tìm muốn chết à”. Về tới nhà, bà Khanh vỗ vai người cho quá giang: “Chị thiệt tốt”, rồi bước vội vào, miệng kêu: “Hai ơi, ba à, tụi con đâu rồi?”. Trước hiên nhà, người phụ nữ vừa cho quá giang nói với một người phụ nữ khác: “Xong hai lần, từ đây đến tối chắc phải ba lần nữa”. Người kia đáp: “Em nghỉ đi, ca chiều để chị diễn”. 

Đó là đoạn hội thoại của con gái và con dâu bà Khanh. Người phụ nữ cho quá giang là cô con gái đã ngoài 50, nhưng lại cũng chính là “bé ba” bà Khanh xất bất xang bang đi tìm mỗi ngày năm bận từ khi lâm bệnh Alzheimer.

5 năm nay, trí nhớ bị sa sút trầm trọng, từ giữa năm 2019, bà Khanh chỉ còn sống trong ký ức của gần 40 năm trước. Ngày nào bà cũng đi tìm con bốn năm lượt trên cung đường đó. Hễ bà hỏi bé ba, mọi người dắt “bé ba 50 tuổi” ra nói “đây nè”. Bà lại lắc đầu nguầy nguậy: “Hổng phải, con bé ba của tui nó có nhiêu đây à!”. Vừa nói, bà vừa lấy tay ra hiệu chiều cao của đứa trẻ tầm 10 tuổi. 

Ảnh minh họa
Cả nước có hàng trăm ngàn bệnh nhân Alzheimer là những người cao tuổi. Ảnh minh họa

Thời gian đầu, khi bà Khanh chợt hỏi các con: “Cô là ai?”, “Cậu là ai?” - cả nhà đều sốc. Các con tức tốc đưa mẹ đi khám mới biết bà mắc bệnh Alzheimer, khả năng phục hồi gần như là số 0. Mỗi lần bà ngơ ngác gọi tên từng đứa con và hỏi: “Tụi nó đâu rồi?”, đứa con trai lớn của bà khẩn khoản nhìn vào mắt mẹ: “Má, con đây, các em đây!”. Các con thay phiên nhau gợi cho bà nhớ từng người, từng vật dụng, nhưng mọi nỗ lực đều vô nghĩa.

Chị Thu - con gái bà Khanh kể: “Cả ngày lẫn đêm má đều đòi đi tìm con nên mọi người luôn phải canh chừng và khóa chặt cửa. Khi không thể thoát ra, má vừa sợ vừa giận dữ. Bà gào lên năn nỉ: “anh chị làm ơn cho tui về nhà, mấy đứa con tui đang đợi mẹ về nấu cơm”.

Bọn tôi cố sức gọi: “Má, tụi con là con của má nè, sao má không nhận ra?”. Vậy là má tôi càng sợ, bà không cho ai đến gần, cứ ôm khư khư giỏ đồ gào khóc. Anh chị em tôi buộc phải chấp nhận việc má chỉ còn nhớ ngày xưa”.

Từ đó, chị em chị Thu chọn cách “diễn” với má. Giai đoạn đầu, cả nhà cắt cử nhau ngủ với bà. Nhưng càng về sau, họ nhận thấy việc ngủ chung với “người lạ” khiến bà Khanh sợ hãi, cả đêm không ngủ được, nên đành để bà ngủ một mình, chỉ len lén canh chừng từ phòng bên cạnh. 

Cung đường đi tìm con của bà Khanh cũng chính là cung đường ngày xưa bà buôn gánh bán bưng mỗi ngày để nuôi đàn con năm đứa. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, chị Thu kêu: “Má lên xe con chở về”. Bà co rúm người lại cảnh giác: “Cô không phải con tui, cô đi đi”.

Sau này, khi đã chăm má “có nghề”, các con bắt đầu “diễn”. Ngày nào cũng vậy, đợi cho bà đi một quãng thì một người con xách xe chạy theo, vờ cho quá giang rồi chở bà về. 

Ngoài đi tìm con, bà còn phải “giữ con, chăm con”. Có lần bà nhìn lên kệ treo tường rồi gọi thất thanh: “Hai, xuống con, trèo lên đó nguy hiểm”. Rồi bà phóng tới, với tay lên kéo “con” xuống, nguyên chiếc ti vi đổ ập lên người bà, khiến bà bị rạn xương vai. Đó chỉ là một trong hàng chục lần bà bị thương vì “chăm con”.

Dù ký ức bị đứt gãy, dù quên hay nhớ, trong bà Khanh chỉ có một điều không bao giờ phai nhạt: tình yêu thương dành cho chồng, cho những đứa con.  

Nỗi lo cưới vợ cho con

- Chị ơi, vàng bữa nay nhiêu một chỉ vậy? 
- Chắc năm triệu rưỡi rồi. Vàng đang lên giá. Mà bà cần gì hỏi giá vàng? 

- Thiệt khổ, nhà tui nghèo, mà thằng con trai nay 19 tuổi rồi. Nó muốn cưới vợ. Tui định mua một chỉ vàng làm sính lễ cưới vợ cho con tui. Không biết giờ mượn đâu ra một chỉ vàng. Chị biết ai mần ơn nói giúp tui, cho tui mượn đỡ đặng cưới vợ cho con trai tui được không? 

- Thôi khuya rồi, bà ngủ đi. Ngủ ngon đừng lo lắng gì. Sáng mai thức dậy tui cho mượn một chỉ và 500 ngàn. 
- Thiệt hôn chị? Chị đừng làm tui mừng hụt đa. 

 - Tui hứa mà. Nằm xuống ngủ đi. Mà phải ngủ mai tui mới 
cho mượn. 
- Tui mừng quá chị ơi. Chị thiệt là làm phước lớn. Giờ tui ngủ được rồi (nói xong nằm xuống, rồi lại ngập ngừng)... Mà chị ơi, nợ gì chứ nợ cưới xin ta nói nó khó trả lắm đa. 

- Tui biết. Tui định cho bà luôn chứ không đòi lại. Nên bà đừng lo lắng, nhắm mắt lại ngủ đi. 

Tiếng quạt máy vo vo quay đều, chẳng mấy chốc, cô con gái đã nghe tiếng người mẹ ngáy. Nét mặt giãn ra, còn phảng phất nụ cười. Đó là màn đối thoại mới đây của chị Đỗ Ngọc Liễu và mẹ là bà Huỳnh Thị Năm, 88 tuổi ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Bà Năm mắc căn bệnh Alzheimer đã hai năm. “Mấy nay, ngoại tôi mất ăn mất ngủ với nỗi lo đi cưới vợ cho cậu hai, người con trai trưởng của ngoại giờ đã gần 70 tuổi” - chị Nguyễn Hương Sen, cháu ngoại bà Năm, nói. 

Chị Sen hiện sống tại Mỹ, ngày nào mẹ chị cũng cập nhật chuyện bà ngoại cho chị nghe. Mới sáng 6/9, chị kể: "Hôm qua ngoại lại đếm tiền, rồi còn buồn thiu nói với mẹ vàng vòng đâu mất hết. Nên mẹ ra chợ mua cho ngoại cái nhẫn, cái bông tai đít vặn. Đeo vào săm soi, ngoại vui cười chúm chím cả ngày. Ngoại giờ chuyển từ trạng thái "quên nay" sang "nhớ xưa".

Ngoại trở lại như một đứa trẻ, hiền lành, ngây ngô. So với chừng vài tháng trước, một hay hai năm trước, thì những câu chuyện của ngoại càng lúc càng xưa dần, trẻ dần. Những thước phim cuộc đời đang quay ngược, xóa hẳn tình tiết mới, và sống dậy những tình tiết cũ, rõ mồn một”. 

Bà Huỳnh Thị Năm cười vui khi được con rể cho tiền, bà thích có đồng ra đồng vào để đếm mỗi ngày
Bà Huỳnh Thị Năm cười vui khi được con rể cho tiền, bà thích có đồng ra đồng vào để đếm mỗi ngày

Vì vậy, có khi đang ngồi, bà Năm đội khăn lên nói "đi sạ lúa", hay "đi nấu bắp", rồi dáng điệu và tư thế y như vậy, bà xắn quần lên cao, tay cắp đại cái gì đó rồi quày quả đi. Có hôm, đang nằm, bà Năm chợt bước khỏi võng, hì hục đẩy cái giường bên cạnh, miệng nói: "Trời tối rồi, mà cái xuồng còn mắc cạn, phải đẩy xuống chỗ nước sâu để bơi về kịp nấu cơm tối cho ông già chồng". Rồi bà dặn chị Liễu: "Tui cậy chị cột cái xuồng tui chung chỗ xuồng chị, để nó trôi mất là tui khổ lắm". 

Những lúc như thế này, những người con như chị Liễu, chị Thu nhập vai rất tốt. Các chị cũng học được cách trở về cùng với quá khứ của người mẹ già, theo câu chuyện xa xăm của mẹ, theo chân cả những nhân vật đã khuất mấy mươi năm. “Như thế nhẹ nhàng hơn nhiều” - chị Liễu nói. Vì ngược lại, nếu cố bắt bà Năm, bà Khanh, hay những bệnh nhân bị bệnh “quên nay nhớ xưa” nhận ra thực tại, thì ánh mắt của những bà mẹ lạc lõng xa xăm, hoặc có khi giận hờn, bực dọc. 

Chị Sen chia sẻ: “Ai rồi cũng đến lúc già. Dường như khi đã đi đến một cột mốc nào đó của hành trình, ta sẽ quay trở lại, đi ngược, ngược mãi, cho đến lúc những thước phim đời ta dần xóa hết, tan vào hư vô. Ta rời cõi tạm...”. 

Suy cho cùng, những bà mẹ bỗng chốc hóa ấu thơ sẽ không trở thành gánh nặng cho con cháu, nếu ta học cách chấp nhận và sống cùng ký ức của họ. Chẳng phải trong đó, luôn có hình bóng trẻ thơ của chúng ta, những thương yêu, lo toan vất vả của đấng sinh thành dành cho chúng ta, mà lâu nay chúng ta chỉ nghe kể, còn giờ được tận mắt thấy - chẳng phải là đặc ân sao? 

Hiện nay, cả nước có hàng trăm ngàn bệnh nhân Alzheimer là những người cao tuổi. Có những người con hoang mang, xót xa và cả giận dữ: “Sao ba mẹ kêu con bằng anh chị?”. Lại có những người con qua cơn ngơ ngác đó, đã nhập vai một cách hoàn hảo, cùng trở về, cùng vui, cùng chơi với miền ký ức của cha mẹ hơn nửa thế kỷ trước, với mình là nhân vật trung tâm, luôn được bảo bọc bằng đôi tay vững chãi và trái tim ấm áp của mẹ cha. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI