Mất cha mẹ trong đại dịch: Hậu chấn tâm lý cần chữa trị thật sớm

23/09/2021 - 10:31

PNO - Với hàng triệu đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi vì COVID-19, đó là nỗi đau vượt xa sức chịu đựng, chúng đang gánh những hậu chấn tâm lý khủng khiếp.

Đối với Raiden Gonzalez (ở Texas, Mỹ) sinh nhật lên 4 năm nay của cậu bé sẽ là một ngày rất khác. Bởi trước đó một tháng, COVID-19 đã tước đi sinh mạng của cha mẹ em; khi gia đình bé nhỏ ấy mới chỉ có được với nhau bốn năm tươi đẹp mà ngắn ngủi. 

Cũng như Raiden, năm đứa trẻ nhà Macias ở California  - lớn nhất 7 tuổi và nhỏ nhất mới vài ngày tuổi, cũng đã lâm vào cảnh mồ côi khi làn sóng COVID -19 thứ tư càn quét qua nước Mỹ. Cái chết đột ngột của cha mẹ các em chỉ cách nhau vài tuần; khi đôi vợ chồng tội nghiệp vẫn chưa có cơ hội được tiêm vắc xin và cũng chưa kịp đặt tên cho đứa con mới chào đời. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng lúc đó ở Ấn Độ, Nitish Kumar 16 tuổi và em gái mình đã phải tự tay chôn cất người mẹ trong sân nhà, sau khi bà bị bệnh viện trả về vì không còn đủ tiền chi trả các khoản phí điều trị COVID-19. Trước đó chưa tới một tháng, cha của hai em cũng ra đi khi chỉ mới mắc bệnh này vài ngày. Kumar vừa đón tuổi 16 cách đó không lâu, nay đành gác lại ước mơ được trở thành bác sĩ để thay phần cha mẹ chăm lo cho em nhỏ.

Tương tự, cặp sinh đôi năm tuổi Ruhi và Mahi đã mất đi cả cha lẫn mẹ chỉ trong ba ngày. Cha các em mất ở bệnh viện, còn người mẹ tội nghiệp trút hơi thở cuối cùng trên tầng áp mái của căn nhà xập xệ nằm giữa lòng thành phố Bhopal, miền trung Ấn Độ. Khi ấy, hai cô con gái nhỏ vẫn còn đang say ngủ bên cạnh mẹ mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, 114.000 cùng 120.000 đứa trẻ ở Mỹ và Ấn Độ đã mất đi ít nhất một người thân vì COVID-19. Con số này trên toàn cầu lên đến 1,5 triệu em, trong đó hơn 1 triệu em mất đi cả cha lẫn mẹ và cứ mỗi mười hai giây trôi qua lại có một em lâm vào cảnh mồ côi vì bệnh dịch.

Nỗi đau mất đi người thân vì COVID-19  sẽ âm ỉ, ám ảnh và tra tấn tinh thần của bất cứ ai suốt một thời gian dài, và hàng triệu những đứa trẻ không may mắn trên chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của “đại dịch thứ phát” này. Sức khỏe tinh thần và tâm lý của các em đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Trẻ nhỏ còn quá non nớt để hiểu về “cái chết”; còn trẻ tuổi thiếu niên thì chưa đủ trưởng thành và cứng cỏi để thật sự đối diện mà chấp nhận với nỗi đau. Việc đột ngột mất đi cha mẹ đối với một đứa trẻ chẳng khác nào mất đi cả thế giới.

Tất thảy những nỗi niềm, cảm xúc bị đè nén trong những ngày phong tỏa, giãn cách và một mất mát quá to lớn cùng lúc dồn lên đôi vai bé nhỏ chưa thực sự hiểu chuyện. Đó là một nỗi đau khủng khiếp vượt xa cả sức chịu đựng của người trưởng thành, nhưng các em không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ép bản thân phải đứng vững.

Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, chắc chắn những đứa trẻ này sẽ gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng trong tương lai. Không chỉ đối diện với nỗi lo tiềm ẩn về tài chính, nơi ở, thức ăn và tự mình làm lại cuộc đời ở độ tuổi còn quá nhỏ; chúng sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý như: trầm cảm, hậu chấn tâm lý (PTSD), mất ngủ, từ đó dẫn đến hành vi lạm dụng thuốc, tự sát và kéo theo hàng loạt các vấn đề về thể chất khác.

Nếu cha mẹ qua đời vì COVID-19 trong khu cách ly hay bệnh viện mà không thể nói lời từ biệt, khả năng đứa trẻ đó mắc phải chứng PTSD là gấp 7 lần người bình thường mất cha mẹ. Việc gia đình không thể tổ chức tang lễ hay tụ họp cùng nhau để tưởng nhớ người đã khuất cũng làm trầm trọng thêm nỗi buồn mà trẻ em phải gánh chịu.

Nỗi đau mất đi người thân sẽ cùng đứa trẻ đi qua hành trình trưởng thành đầy trở ngại, khi nỗi đau tích tụ và lớn dần qua mỗi cột mốc mới trong cuộc đời. Thi thoảng, nỗi đau sẽ được gợi về trong tiềm thức qua những kỉ niệm và sự dằn vặt, day dứt chiếm lấy tâm can đứa trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Càng lớn, chúng càng phải ép mình làm quen với một cuộc sống thiếu tình yêu thương, để rồi trở nên thiếu tự tin, luôn cảm thấy bất lực, ân hận, khó mở lòng và mặc cảm với bản thân nhiều hơn. 

Nhưng khi thế giới hãy còn đang quá bận rộn chống dịch, giải pháp cải thiện sức khỏe tinh thần cho hàng triệu trẻ em mồ côi vì COVID-19 vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội học, nếu các em không nhận được sự trợ giúp kịp thời, thực trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn và không còn khả năng giải quyết. 

Thuỵ An (theo CNN, The Guardian, Sacbee, Inquirer)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI