Ma túy, trẻ bụi đời và những "chiến binh đường phố" ở châu Phi

15/11/2020 - 06:01

PNO - Không khó để bắt gặp những đứa trẻ vô gia cư đang vạ vật "phê" thuốc ngay trên vỉa hè. Và có những "chiến binh đường phố" sẵn sàng đến bên cạnh và giúp đỡ các em.

Năm 1983, Mark Owori bắt đầu tập tành làm người lớn bằng cách kết bạn với… ma túy đến mức nghiện nặng. Không dừng lại ở đó, cậu còn “khởi nghiệp” với việc tham gia đường dây cung cấp ma túy và các chất gây nghiện khác cho những ai có nhu cầu, trong đó có cả người chị ruột của mình.

Giờ đây, Owori (48 tuổi) cảm thấy hối tiếc và mong muốn “làm một điều gì đó để những đứa trẻ khác không giẫm lên bước chân sai lầm của mình”.

Uganda là một nơi mà người ta có thể tìm mua ma túy và các chất gây nghiện dễ như... mua kẹo ngay trên đường phố
Uganda là một nơi mà người ta có thể tìm mua ma túy và các chất gây nghiện dễ như... mua kẹo ngay trên đường phố

Anh Owori đang là một thành viên của nhóm giáo dục đồng đẳng mang tên “Những chiến binh đường phố”. Họ là những người từng sa chân vào con đường nghiện ngập, và mong muốn sẽ mang chính trải nghiệm của mình để giúp đỡ những đứa trẻ đường phố ở khắp các khu ổ chuột thuộc thành phố Kampala - thủ đô của Uganda.

Một khu ổ chuột ở thủ đô Kampala nơi tỷ lệ trẻ em và thanh niên nghiện ngập cao đến mức báo động
Những khu ổ chuột ở thủ đô Kampala (Uganda) là nơi có tỷ lệ trẻ em và thanh niên nghiện ngập cao đến mức báo động

Một nhóm “chiến binh đường phố” khác thì tập trung vào vấn đề tội phạm trong cộng đồng do những thanh thiếu niên nghiện ngập gây ra.

Hasifa Nakibuli, một thiếu nữ 17 tuổi đã sử dụng ma túy một thời gian dài trước đó, nói rằng, cô và hơn 500 thanh thiếu niên khác đang tham gia một dự án cộng đồng với mong muốn đoạn tuyệt những chất gây nghiện.

“Chúng tôi muốn bước tới phía trước, chứ không phải quay trở lại với những ngày vật vã đầy ảo giác trước đây”, Nakibuli nói.

Các loại chất gây nghiện tự chế biến rẻ tiền rất dễ tìm mua ở các nước châu Phi
Các loại chất gây nghiện tự chế biến rẻ tiền rất dễ tìm mua ở Uganda

Cô cho biết mình bắt đầu sử dụng ma túy từ năm 13 tuổi, và đã nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ. Giờ đây, cô đang tham gia chương trình cai nghiện do nhóm nhân viên xã hội đường phố thực hiện.

Theo ước tính thì có khoảng 10% dân số Uganda thường xuyên sử dụng ma túy và thức uống có cồn đến mức nghiện, trong đó độ tuổi từ 12 - 24 chiếm tỷ lệ lớn.

Trẻ em vô gia cư là đối tượng dễ bị sa vào con đường nghiện ngập nhất
Trẻ em vô gia cư là đối tượng dễ bị sa vào con đường nghiện ngập nhất

Từ năm 2014, Uganda thông qua một đạo luật cho phép trừng phạt những người có hành vi mua bán ma túy với mức phạt tù chung thân. Với những ai bị phát hiện có mang theo ma túy trong người thì có thể đối diện với mức tiền phạt tối thiểu là 4.000 USD (92 triệu đồng) hoặc bị tù ít nhất 2 năm.

Thế nhưng có vẻ như những luật lệ nghiêm khắc này không ảnh hưởng gì lắm đến những kẻ tội phạm, và tình trạng nghiện ngập trong thanh thiếu niên vẫn đang là vấn nạn chưa thể giải quyết được.

Rất dễ để bắt gặp cảnh tượng trẻ em phê thuốc trên đường phố
Rất dễ để bắt gặp cảnh tượng trẻ em "phê thuốc" trên đường phố

“Cần có một cách tiếp cận khác”, anh Chris Jay, lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ nêu ý kiến. “Các quốc gia châu Phi cần có cái nhìn rộng hơn, và nên tham khảo những mô hình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đã được áp dụng thành công ở nhiều nước”.

Hiện Uganda đang là một trong 7 quốc gia ở châu Phi cho phép sử dụng cần sa một cách hợp pháp trong điều trị y tế.

Một nhóm nhân viên xã hội đang phân phát các suất ăn miễn phí cho thanh thiếu niên đường phố
Một nhóm nhân viên xã hội đang phân phát các suất ăn miễn phí cho thanh thiếu niên đường phố

Nigeria cũng là một trong những quốc gia Tây Phi có thái độ hà khắc với vấn đề mua bán ma túy bằng hình phạt tù chung thân. Và bất cứ ai bị bắt gặp mang theo bên mình ma túy và các sản phẩm gây nghiện thì đều có nguy cơ ngồi tù từ 15 đến 25 năm.

Các chế tài nghiêm khắc cho hành vi mua bán tàng trữ ma túy ở một số nước châu Phi vẫn không có hiệu quả. Tình trạng mua bán và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên vẫn diễn ra một cách phổ biến. Trong ảnh là cảnh trẻ em đường phố đánh nhau
Các chế tài nghiêm khắc cho hành vi mua bán tàng trữ ma túy ở một số nước châu Phi vẫn không có hiệu quả. Tình trạng mua bán và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên vẫn diễn ra một cách phổ biến dẫn đến những nguy cơ như xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Thế nhưng, giới hoạt động xã hội ở đây lại có cách tiếp cận khác.

“Khảo sát cho thấy, có tới 99,9% phạm nhân ngồi tù vì tội sử dụng ma túy đã tái nghiện ngay khi rời khỏi trại giam”, Adeolu Adebiyi, một lãnh đạo thuộc khối xã hội dân sự ở Nigeria cho biết. “Vậy nên, nhà tù không phải là giải pháp duy nhất và hữu hiệu để giải quyết vấn đề”.

Thậm chí, một nghiên cứu được Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) công bố năm 2016 cho thấy, có tới 65% tù nhân tiếp tục sử dụng ma túy ngay khi đang thụ án trong tù.

Mô hình giáo dục đồng đẳng do các nhóm xã hội thực hiện với thanh thiếu niên đường phố được xem là một trong những cách tiếp cận mang lại kết quả tích cực
Mô hình giáo dục đồng đẳng do các nhóm xã hội thực hiện với thanh thiếu niên đường phố được xem là một trong những cách tiếp cận mang lại kết quả tích cực

Cô Dorah Namulondo, 20 tuổi, cho biết những nhóm xã hội hỗ trợ người nghiện trên đường phố đã giúp đỡ cô rất nhiều trong việc từ bỏ ma túy để dành dụm tiền làm ăn.

“Cần có thêm nhiều nhóm đồng đẳng như thế này để hỗ trợ những trẻ em và thanh niên nghiện ngập”, cô Namulondo chia sẻ. “Và đừng nhìn những người nghiện như là những kẻ tội phạm. Họ chính là những nạn nhân cần được quan tâm”.

Họ từng là những đứa trẻ bụi đời nghiện ngập. Giờ đây, họ quay trở lại giúp đỡ trẻ em và thanh niên vô gia cư trong vai trò của những ông chú đường phố
Họ từng là những đứa trẻ bụi đời nghiện ngập. Giờ đây, họ quay trở lại giúp đỡ trẻ em và thanh niên vô gia cư trong vai trò của những "chiến binh đường phố"

Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI