Má phải sống thật lâu!

18/08/2023 - 06:23

PNO - “Má còn sống được bao lâu?”, tôi biết, trong tim mỗi người, ai cũng có chút nghẹn ngào khi được hỏi câu hỏi đó.

Má của tác giả hay bật cười khi con gái yêu cầu bà phải sống đến ngày đứa cháu ngoại mới 2 tuổi đi lấy chồng
Má của tác giả hay bật cười khi con gái yêu cầu bà phải sống đến ngày đứa cháu ngoại mới 2 tuổi đi lấy chồng

Hôm trước vài ngày nội mất, má tôi gọi điện vào báo tình hình: “Nội nay yếu lắm, chắc sẽ đi trong vài ngày tới. Má vừa thay đồ, lau người cho nội. Nay đút cho ăn cũng không nuốt được nữa rồi”. Má nói xong, thở dài. Má chăm sóc nội mấy chục năm nay. Tuy cơ cực, tuy có lần má than vãn vài lời, nhưng những ngày cuối đời của nội, má chăm, má thấy nghẹn ngào. 

Để phá tan cái buồn của câu chuyện, tôi cố đổi giọng: “Thì cuộc đời ai tránh khỏi sinh-lão-bệnh-tử. Bà nội đã gần trăm tuổi. Mai mốt má cũng vậy, cũng già rồi lẫn, rồi cũng không ăn uống được gì, rồi cũng nằm một chỗ. Bởi vậy, bây giờ còn khỏe, còn ăn uống được, còn cảm nhận được, má thích ăn gì cứ bảo tụi con”.

Giọng má rầu rầu: “Biết là vậy, nhưng…”. Lời má ngắt quãng, tôi biết má đang lo cho những ngày già nua của mình sắp tới. “Bà nội có má chăm nom nên sống đến chín mấy tuổi, còn má một mình, má nhắm má sống được tới bao nhiêu?” - má bảo - “Tui sợ tui không sống nổi đến tám mươi ấy chứ”.

Nghe má nói, tự dưng tôi chảy nước mắt. Tôi hiểu, má cơ cực một đời, từ lúc bước chân về nhà chồng năm 18 đến nay đã ngoài 70 tuổi, vậy mà vẫn còn làm dâu, vẫn cơm bưng nước rót, thay quần thay áo, đổ bô, dọn vệ sinh cho nội. Rồi hằng ngày, cơm muốn ăn má tự nấu, nước muốn uống má tự lấy, đau ốm má tự lên nhà y tá chích. Con cháu lớp đi làm ăn xa, lớp lấy chồng ngoại tỉnh, mình má lủi thủi một mình. Vậy thì, sao má có thể sống lâu, sống thọ được như nội?!

Người già, họ kỳ lạ lắm, “trái tính trở nết” nhưng chỉ cần có con cái bên cạnh, nói vỗ về vài câu, an ủi vài điều hay chọc cười vài tiếng là đủ để họ vui cả ngày, đủ để có thể ăn hết một chén cơm đầy hay uống một ly sinh tố. Chỉ cần tinh thần họ an vui là họ có thể sống lâu, sống thọ. Đằng này, má cơ cực một đời, giờ một mình không ai chuyện trò thăm hỏi, làm sao đòi hỏi má sống lâu?!!

Có lần má nói, má chỉ cầu sống được đến 80 tuổi là may mắn lắm rồi. Tôi gạt, 80 chưa được, lúc đó bé Po (con gái lớn của tôi) chưa lấy chồng nên má chưa-được-phép-chết.

Má phải sống lâu, sống thọ, sống đến ngày con gái nhỏ nhất của tôi (bé Pin) trưởng thành, lấy chồng rồi trong ngày vui của nó, má lòm khòm ngồi vào bàn họ, rồi tôi cũng sẽ giới thiệu với mọi người rằng đây là bà ngoại của bọn chúng, người mà ngày tôi sinh ra bọn chúng, dù bà đã 70 tuổi nhưng vẫn lo lắng, vội vã đón xe đò đi hơn 600 cây số để vào chăm cháu. Người mà bất cứ lúc nào bọn nhóc đau ốm vào viện và tôi cần trợ giúp là có mặt. Rồi má tôi sẽ uống ly rượu chúc mừng được lấy từ tay bọn nó, để tụi nó nhớ ơn rằng, bà ngoại của chúng, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn có mặt để phụ giúp mẹ chúng chăm chúng cho có hình hài, vóc dáng như hôm nay.

Má tôi cười một tràng dài khi nghe tôi nói đến những điều đó, vì bé nhỏ của tôi bây giờ chỉ mới hơn 2 tuổi.

Không chỉ ngày tết, nghe tin con cháu kéo về là má của tác giả lại gói bánh
Không chỉ ngày tết, nghe tin con cháu kéo về là má của tác giả lại gói bánh

Em chồng tôi đi làm ăn xa, lần về thăm má chồng gần nhất cách đây cũng 6, 7 năm. Tháng trước, nghe tin chú sắp về thăm, má chồng vui ra mặt. Có lẽ, dù các con đã lớn, dù xung quanh má cũng có cháu, có con, có dâu nhưng má vẫn mong chú về thăm sau bao năm xa cách, không về vì dịch bệnh. Thế nhưng, mãi vẫn chưa thấy chú về. Tôi hỏi má thì bà bảo: “Nghe đâu lại thay đổi ý định, không về nữa”. Biết má buồn, hụt hẫng nên tôi không hỏi gì thêm. Má chồng tôi năm nay cũng đã gần 70 tuổi. Nếu mỗi năm chú về thăm má 1 lần, tôi không biết, số lần chú được gặp bà nhiều nhất là bao nhiêu. Má chồng tôi sức khỏe không tốt lắm, đủ thứ bệnh của tuổi già - tiểu đường, xương khớp…

Có nhiều người đếm số lần gặp cha mẹ bằng số lần được về nhà sau mỗi năm, vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Có người, may mắn, số lần đó được đếm nhiều hơn đầu ngón tay. Người khác chẳng còn cơ hội để đếm. Tôi không đếm số lần mình được gặp má, chỉ cố tranh thủ gặp má nhiều lần nhất có thể. Tôi chỉ canh cánh câu hỏi “má còn sống được bao lâu” để tôi có thể sắp xếp thăm bà nhiều lần trong khả năng của mình. Không chỉ là ngày tết, ngày giỗ chạp, ngày lễ mà tôi có thể về gặp má bất cứ lúc nào, miễn là má còn sống trên cõi đời này.

“Má còn sống được bao lâu?”, tôi biết, trong tim mỗi người, ai cũng có chút nghẹn ngào khi được hỏi câu hỏi đó. 

Huyền Nga

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI